Cha mẹ giúp con phát triển kỹ năng xã hội theo từng độ tuổi

(Dân trí) - Không phải tất cả mọi đứa trẻ đều cần giúp đỡ cùng một kỹ năng xã hội, điều này phụ thuộc vào từng độ tuổi của con.

Một chuyên gia về ngôn ngữ học, Susan Diamond, tác giả của cuốn sách “Những quy tắc xã hội dành cho trẻ” nói: “Điều quan trọng là phải biết các kỹ năng phát triển bình thường phù hợp với từng nhóm tuổi, từ đó bố mẹ có thể xác định con mình cần được giúp đỡ những gì”. Kỹ năng xã hội được bà chia thành ba giai đoạn: Xác định kỹ năng cần phát triển; Tìm ra cách dạy các kỹ năng và Củng cố các bài học từ các nguồn thích hợp.

Cha mẹ giúp con phát triển kỹ năng xã hội theo từng độ tuổi - 1


Tùy theo từng lứa tuổi mà trẻ em có thể phát triển các kỹ năng và hình thái xã hội khác nhau:1. Xác định các giai đoạn phát triển kỹ năng xã hội

- Từ 2 đến 3 tuổi: Lứa tuổi này bắt đầu tìm kiếm sự chú ý từ người xung quanh và hình thành những giao tiếp xã hội đầu tiên bằng cả lời nói và thể chất. Bọn trẻ đã biết nhìn tập trung vào một người đang nói, chờ đến lượt của mình và cười những đồ vật hay sự kiện ngớ ngẩn.

- Từ 3- đến 4 tuổi: Bọn trẻ đã có thể thay phiên nhau khi chơi trò chơi thay vì tranh giành, chơi với một con búp bê hoặc thú nhồi bông như thể đó là một sinh vật sống và bắt đầu giao tiếp bằng lời nói với những từ thực tế.

- Từ 4 đến 5 tuổi: Trẻ ở lứa tuổi này đã bắt đầu có thể hợp tác với những đứa trẻ khác nhiều hơn. Chúng thích chơi trò đóng giả làm bố, làm mẹ.

- Từ 5 đến 6 tuổi: Trẻ đã có thể làm vừa lòng bạn bè bằng cách nói câu “Cám ơn”, “Xin lỗi”; hiểu những từ có nghĩa xấu, biết cách sử dụng “chiến lược” khi thương lượng một món đồ chơi. Chúng cũng hiểu tinh thần “fair-play” khi chơi cùng bạn bè.

Cha mẹ giúp con phát triển kỹ năng xã hội theo từng độ tuổi - 2

- Từ 6 đến 7 tuổi: Bọn trẻ đã biết cách đồng cảm với người khác, có xu hướng chia sẻ, biết sử dụng ngôn ngữ hình thể, biết chờ đợi đến lượt và học được cách ứng xử phù hợp khi thua cuộc trong một trò chơi. Chúng ít đổ lỗi hơn nhưng đùa cợt cũng nhiều hơn và học được cách lắng nghe quan điểm của người đối diện; biết duy trì, thay đổi hoặc kết thúc một chủ đề một cách hợp lý. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa thật sự hiểu được sự khác biệt rõ ràng giữa đúng và sai, và có thể không nghe theo một chỉ dẫn tốt.

2. Giúp con cải thiện kỹ năng giao tiếp

Theo bà Susan Diamond thì xây dựng kế hoạch vui chơi là cách tuyệt vời để dạy cho con biết cách cư xử lịch sự với khách. Bố mẹ có thể giả vờ đóng vai những người bạn và cùng con thực hành những câu chào hỏi và cách ứng xử; Bố mẹ cũng có thể hướng dẫn con đưa ra 3 món đồ chơi cho bạn lựa chọn. Rồi sau đó lại đến lượt bạn đưa cho con chọn. Cách này tránh xung đột và giúp bọn trẻ học cách thỏa hiệp khi chơi cùng nhau.;

Để nâng cao hơn nữa kỹ năng giao tiếp xã hội của con, Tiến sĩ Lawrence Balter, nhà tâm lý học trẻ em và chuyên gia về cha mẹ, đề xuất bốn chiến lược:

- Dạy con sự đồng cảm: Bố mẹ đưa ra thảo luận các tình huống khác nhau bằng cách hỏi con xem người khác sẽ cảm thấy như thế nào khi một điều nào đó xảy ra ?

- Giải thích không gian cá nhân: Cho con biết rằng mọi người cần có không gian riêng để cảm thấy thoải mái và thực hành cùng con những cách giao tiếp với bạn bè trong khi chơi.

Cha mẹ giúp con phát triển kỹ năng xã hội theo từng độ tuổi - 3

- Thực hành cách bắt đầu câu chuyện: Dạy trẻ những cách thích hợp để bắt đầu một cuộc chuyện trò, thu hút sự chú ý của ai đó hoặc tham gia vào nhóm trẻ em đang chơi cùng nhau. - Giải thích các giao tiếp xã hội đơn giản: Dành ít nhất một tiếng đồng hồ mỗi ngày với con để chơi và giúp con hiểu ý nghĩa của sự chờ đợi, chờ tới lượt và chia sẻ.


Hai trò chơi mà bố mẹ có thể bày cho con là trò “Gọi tên” và trò “Người lãnh đạo”. Bọn trẻ ngồi thành vòng tròn trong trò “Gọi tên”, một đứa trẻ cầm một quả bóng. Yêu cầu đứa trẻ này gọi tên một bạn và đẩy bóng về phía bạn đó. Sau đó, đứa trẻ kia tiếp tục gọi tên một bạn khác và lăn bóng về phía người đó. Trò chơi này giúp trẻ học được tầm quan trọng của việc chú ý đến ai đó trước khi nói. Còn trò “Người lãnh đạo” lại dạy trẻ biết cách chờ đến lượt và thực hành kiên nhẫn. Bố mẹ chỉ định con mình hoặc một đứa trẻ bất kỳ làm người lãnh đạo và yêu cầu những đứa trẻ còn lại bắt chước các hành động của người lãnh đạo.3. Nâng cao kỹ năng xã hội cụ thể cho con

- Giúp trẻ nhận ra các biểu hiện trên khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể

Để giúp trẻ học cách nhận biết biểu hiện khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể, bố mẹ có thể cho con xem các chương trình truyền hình thân thiện với trẻ. Bố mẹ hướng dẫn con đoán nhân vật sẽ nói gì thông qua quan sát cử chỉ trên khuôn mặt của họ. Bố mẹ cũng có thể cùng con xem một quyển truyện tranh hay tạp chí, nhìn vào hình vẽ các biểu hiện khuôn mặt và cùng thảo luận về những điều mà người trong bức hình đó có thể sẽ nói.

Cha mẹ giúp con phát triển kỹ năng xã hội theo từng độ tuổi - 4

- Dạy trẻ qua âm thanh

Bố mẹ có thể sử dụng điện thoại ghi âm để ghi lại những cảm xúc khác nhau trong giọng nói của mình và giải thích cho con thấy sự khác biệt khi thay đổi giọng nói lúc “Tôi giận dữ” với giọng cáu gắt, “Tôi buồn” với giọng trầm nhẹ nhàng, hay “Tôi đang rất vui” với giọng cao, hạnh phúc.

- Dạy trẻ tập trung vào chủ đề

Nếu con gặp rắc rối trong việc tập trung vào chủ đề câu chuyện, bố mẹ hãy chọn một chủ đề bất kỳ, rồi đưa ra ba câu nói - hai câu liên quan đến chủ đề và một câu ngẫu nhiên. Sau đó yêu cầu con chỉ ra câu không liên quan. Ví dụ, bố mẹ hãy nói về chủ đề chú chó của gia đình. Nói chú chó chơi ở ngoài ngày hôm nay vào lúc nào và chú ta nghịch ngợm những gì. Sau đó nói một câu nào đó về thời tiết. Rồi hỏi con phân biệt sự khác biệt giữa các câu.

Nếu con vẫn khó theo kịp các kỹ năng cơ bản cần có cho nhóm tuổi của mình thì bố mẹ cần chú ý đến bé hơn một chút. Một số trẻ em có vấn đề về tự điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc, một số trẻ khác lại gặp rắc rối với xử lý thông tin. Những điều này có thể khiến trẻ có hành vi không phù hợp với bạn bè cùng lứa tuổi. Vì vậy, nếu các vấn đề giao tiếp xã hội khiến con sợ hãi hoặc cảm thấy bị cô lập, bố mẹ hãy tìm đến sự giúp đỡ của các bác sĩ khoa nhi hay các chuyên gia về trẻ nhỏ để giúp con nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)