Cha mẹ có biết mình đang bạo hành tinh thần con?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Những câu chuyện thương tâm về bạo hành trẻ em thời gian qua đang gióng lên hồi chuông về vấn đề này. Và khi bóc tách sâu hơn thì nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình khi nhận ra mình đã vô tình bạo hành con trẻ mà không hề hay biết.

Chúng ta liệu có biết mình đang gây tổn thương cho con?

Nói về bạo hành, có lẽ đa phần phụ huynh sẽ nghĩ đến bạo hành thể chất. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ chưa ý thức được rằng các câu nói hằn học về điểm số của con, lời so sánh con với đứa trẻ khác, việc dọa nạt khi con ăn chậm hay những cáu gắt mắng mỏ khi con chưa làm đúng ý, ngay cả việc cha mẹ thường xuyên cãi vã trước mặt con hay thậm chí việc bỏ mặc con... cũng là một dạng bạo hành - bạo hành tinh thần. Dạng bạo hành này mang nhiều hệ lụy nghiêm trọng có thể chưa nhìn thấy ngay lập tức nhưng lại góp phần hình thành tính cách, con người, sự thành công và hạnh phúc của con sau này.

Các tổn thương của bạo hành tinh thần thường khó nhận biết và không biểu hiện ngay, nhưng sẽ âm ỉ tích tụ và gây ra những hệ lụy về tâm lý, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách, bản thân trẻ sau này.

Cha mẹ có biết mình đang bạo hành tinh thần con? - 1
Những lời quát mắng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của con nhỏ

Theo UNICEF, 70% trẻ em vẫn chịu các hình thức bạo lực về tinh thần hoặc thể chất. Một khảo sát gần đây của Đại học Y Hà Nội cũng cho thấy cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ chịu bạo lực trong thời gian dịch Covid-19, phổ biến nhất là bạo lực tinh thần với tỷ lệ 66,9%, trong khi bạo lực thể chất chiếm 39,1% và xâm hại tình dục chiếm 10%.

Với thực tế đáng lo ngại này, "Sinh Con, Sinh Cha" - chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ uy tín do các chuyên gia hàng đầu của Generali Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam xây dựng với tài liệu tham khảo từ UNICEF đã mang đến nhiều nội dung nhằm nâng cao nhận thức và hành vi của cha mẹ về các vấn đề bạo hành trẻ.

Đừng biến con trẻ thành nơi trút giận của cha mẹ

Đừng biến con trẻ thành nơi trút giận của cha mẹ

Theo "Sinh Con, Sinh Cha", một trong những mấu chốt giúp hạn chế các hành vi bạo hành trẻ chính là việc cha mẹ học cách kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân. Cha mẹ rất dễ mất bình tĩnh khi con chưa hiểu hoặc làm đúng ý, chưa đáp ứng được các kỳ vọng, mong mỏi của người lớn kèm theo nhiều áp lực khác từ cuộc sống. Cũng theo "Sinh Con, Sinh Cha", việc học cách kiểm soát cảm xúc này cần được thực hành ngay trong các tình huống căng thẳng và cha mẹ cũng cần giải quyết các vấn đề cốt lõi từ gốc rễ.

Trong hội thảo trực tuyến "3 bí kíp làm chủ cảm xúc tránh tổn thương con", chuyên gia tâm lý của "Sinh Con, Sinh Cha" đã đưa ra các giải pháp cha mẹ cần thực hiện ngay để kiểm soát cảm xúc, tránh làm tổn thương con ngay khi cơn giận bắt đầu xuất hiện. Cụ thể, cha mẹ có thể tập thói quen dừng lại, không phản ứng ngay; thay đổi trạng thái bằng cách uống nước, rửa mặt, hít thở sâu, nghĩ đến những điều dễ chịu; tạm thời rời đi chỗ khác (nhưng cần lưu ý giữ an toàn cho con); tập nói "may quá…" (nghĩ về những điều tốt đẹp ở con, những trải nghiệm hạnh phúc khi được làm cha mẹ, sự may mắn khi con được khỏe mạnh, lành lặn và lớn khôn mỗi ngày).

Cha mẹ có biết mình đang bạo hành tinh thần con? - 2
Chuỗi hội thảo trực tuyến hoàn toàn miễn phí trên trang fanpage The Human Safety Net Việt Nam cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng nuôi dạy trẻ hữu ích

Bên cạnh việc kiểm soát cảm xúc - giải quyết phần "ngọn" của vấn đề, thì cha mẹ cũng cần xử lý nguyên nhân sâu xa, cốt lõi. Cha mẹ có thể tìm hiểu và thực hành các giải pháp "từ gốc rễ" để có thể chữa lành, chuyển hóa cảm xúc từ bên trong về lâu dài: tìm đọc, nghe các tài liệu về phát triển bản thân, làm chủ cảm xúc; tập thể dục, chăm sóc bản thân, viết nhật ký; tìm hiểu và tham gia các chương trình chia sẻ những công cụ chữa lành (lòng biết ơn, gieo hạt, NLP, lượng tử…).

Điều này cũng đòi hỏi cha mẹ phải thường xuyên và kiên trì thực hành, làm theo các giải pháp để đạt được hiệu quả trong việc chuyển hóa, chữa lành cảm xúc. Cha mẹ cũng cần thường xuyên động viên bản thân bằng cách tự ghi nhận cho mọi tiến bộ, thay đổi tích cực của mình dù ít hay nhiều.

"Sinh Con, Sinh Cha" đặc biệt nhấn mạnh việc cha mẹ cần thấu hiểu những đặc điểm tâm sinh lý đặc trưng của con trong từng thời kỳ phát triển để có những mong đợi phù hợp, và giúp con được sống đúng với lứa tuổi của mình, phát triển đúng với tiềm năng riêng biệt và tận hưởng trọn vẹn tuổi thơ mà con chỉ có thể trải qua một lần trong đời.

Cha mẹ có biết mình đang bạo hành tinh thần con? - 3
Cha mẹ cần thấu hiểu tâm sinh lý của con trong từng giai đoạn phát triển để có những kỳ vọng phù hợp

Cha mẹ cũng cần thường xuyên lưu tâm đến con nhằm kịp thời phát hiện và hỗ trợ khi con có những biểu hiện bất thường như trầm lắng, tăng động hơn trước, dễ cáu giận, mất kiểm soát cảm xúc. Để làm tốt điều này, cha mẹ cần thắt chặt kết nối với con trẻ mỗi ngày.

Cha mẹ có biết mình đang bạo hành tinh thần con? - 4
Sinh Con, Sinh Cha cũng tổ chức các chương trình hội thảo cộng đồng về làm cha mẹ cung cấp nhiều kiến thức hữu ích về phát triển trí tuệ, hành vi và sức khỏe của trẻ.

Hãy dành thời gian để trò chuyện với con, thường xuyên ôm con và cho con biết bạn yêu thương con đến nhường nào. Khi đó, con sẽ sẵn sàng mở lòng để trao đổi với mẹ cha về những điều khiến con quan tâm hay lo lắng. Cha mẹ có thể theo dõi hoặc tham gia cộng đồng Sinh Con - Sinh Cha để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm hữu ích trong việc chăm sóc, yêu thương và đồng hành cùng con mỗi ngày.

Sinh Con, Sinh Cha là chương trình giáo dục cộng đồng về làm cha mẹ được biên soạn và xây dựng bởi Generali Việt Nam và Quỹ BTTEVN với tài liệu tham khảo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Tìm hiểu thêm và tham gia các hoạt động của Sinh Con, Sinh Cha tại www.facebook.com/TheHumanSafetyNetVietnam