Cậu học trò "xóm phao" bất ngờ được tặng điện thoại iphone để học online
(Dân trí) - "Nhận được món quà từ bạn Hải Anh ở Bắc Ninh em rất vui mừng và cảm động. Thế là từ nay em có điện thoại học online cùng các bạn rồi", cậu học sinh lớp 4 vui mừng chia sẻ.
Bức thư và món quà từ người "bạn chưa quen"
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường học đã bắt đầu hoạt động dạy và học online nhưng ở "xóm phao" nơi bãi giữa sông Hồng vẫn còn nhiều học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Vì vậy, việc học cũng trở nên vô cùng khó khăn.
Từ nhiều năm nay, "xóm phao" hay còn gọi là bãi giữa sông Hồng (thuộc địa bàn phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) được biết đến là xóm ba không: không điện, không nước sạch, không chữ với hơn 30 hộ gia đình sinh sống gồm 100 nhân khẩu, từ khắp các tỉnh, thành đổ về.
Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng điều khiến họ cảm thấy trăn trở vẫn là con cái quá thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa... ở trên bờ. Những ngày này, khi học sinh các cấp bắt đầu chương trình học trực tuyến thì ước mơ có một chiếc máy tính, hay điện thoại thông minh cho con học online là điều họ không bao giờ nghĩ đến.
Là một trong các hộ có con đang học online tại nhà, gia đình chị Bùi Thị Thu Trang (27 tuổi), anh Nguyễn Hùng Cường (34 tuổi), có hai con nhỏ đang học lớp 3 và lớp 4.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, suốt 10 năm qua hai vợ chồng anh chị vẫn tá túc trong căn nhà nổi ven sông Hồng. Dịch bệnh kéo dài, cả hai vợ chồng anh chị đều mất việc và chưa tìm được công việc thay thế.
Ngồi kèm con học online chị Trang nói, khi hai con bước vào năm học mới, nhưng cả nhà chỉ có duy nhất một chiếc điện thoại. Vì vậy, chị đành phải gửi một người con lớp 4 sang nhà họ hàng học, còn cu cậu lớp 3 ở nhà chị kèm. Để các con không bị hổng kiến thức, cuối buổi chị Trang lại gọi điện trao đổi cùng cô giáo chủ nhiệm rồi chỉ cho các con.
Ngồi kế bên mẹ Tùng Linh, cậu học sinh lớp 4 cho hay: "Nhà em ở dưới nước nên mạng yếu lắm, nếu không có thiết bị học hay không được đến trường học như trước em sợ hết kỳ các bạn được lên lớp còn em thì không theo kịp".
Trước tình cảnh đó, mới đây một mạnh thường quân đã gửi tặng gia đình chị Trang một chiếc điện thoại để Tùng Linh có thiết bị học tập trong thời gian học online tại nhà.
Cầm trên tay chiếc điện thoại, ánh mắt Tùng Linh rạng rỡ: "Nhận được món quà từ bạn Hải Anh ở Bắc Ninh em rất vui mừng và cảm động. Thế là từ nay em có điện thoại học online cùng các bạn rồi. Em hứa sẽ cố gắng chăm ngoan và học thật giỏi để sau này lớn lên giúp ích cho xã hội".
Trong căn nhà phao rộng chừng 10m2, không máy tính, không điện thoại thông minh, hai đứa con gái lớn của chị Nghiêm Thị Ngân phải thay phiên nhau mượn điện thoại hàng xóm để học nhờ, còn hai đứa nhỏ học lớp 1 và lớp mẫu giáo đành ngồi nhìn các chị học.
Ngồi trông hai em nhỏ đợi đến giờ học, em Đỗ Thị Nga, (lớp 8, trường THCS Phúc Xá, Ba Đình) chia sẻ: "Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường cho chúng em học online, nhưng mạng ở đây kém, thiết bị cũng không có đủ nên việc học thường xuyên bị gián đoạn giữa chừng.
Nhiều hôm, em phải đợi em gái học xong thì mới có máy để học, hôm nào mượn được điện thoại của nhà hàng xóm thì em học cùng giờ với các bạn trong lớp luôn, cô giáo cũng không phải giảng bài lại cho em nữa.
Trong quá trình học mạng liên tục "đứng yên" và không tiếp thu được mấy kiến thức nhưng được học vẫn hơn. Em chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để em được đến trường đi học bình thường như trước".
Ngồi giữa gian nhà chơi xếp hình cùng em gái út, em Đỗ Thị Trang nhanh nhảu nói: "Năm nay em lên lớp 1, nhưng chưa được đến trường lần nào, chỉ gặp các bạn và cô giáo qua màn hình điện thoại thôi. Hôm nào học online, mẹ cũng phải ngồi kế bên chỉ cho em học".
Mong ước được đến trường thay vì học online
Không chỉ riêng gia đình chị Trang, chị Ngân, gia đình chị Trần Thị Thanh Thảo (27 tuổi, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng có hai con nhỏ đang học lớp 2 và lớp 3. Thời gian này cả hai con chị đều học online tại nhà, mỗi khi đi làm chị phải nhờ mẹ đẻ trông nom hai cháu, đồng thời giám sát việc học hành của hai con.
Thu mình bên chiếc thuyền nhỏ, chị Thảo nói: "Từ ngày Thành phố áp dụng Chỉ thị 16, công việc đánh bắt của gia đình chị tuy không bị ảnh hưởng nhiều nhưng gặp không ít khó khăn trong việc hỗ trợ cho con học hành.
Bước vào năm học mới, chị Thảo phải vật lộn với việc học online của hai con do chưa được tiếp cận với hình thức học trực tuyến này. Cho nên, từ việc cài ứng dụng Zoom đến việc hướng dẫn con học khiến chị Thảo gặp khó khăn hơn bao giờ hết.
Vuốt vội mái tóc chị Thảo thở dài nói: "Quanh năm sinh sống bằng nghề chài lưới, nên cuộc sống cũng không có dư, khi biết các con phải học online tại nhà, sợ con không theo kịp các bạn tôi đành "cắn răng" mua hai chiếc điện thoại cũ cho con học".
Khó khăn là thế nhưng dường như những đứa trẻ nơi đây từ lúc sinh ra đã quen với cuộc sống thiếu thốn, thiệt thòi. Suốt nhiều tháng nay, những đứa trẻ quanh năm "lênh đênh" trên mặt nước không được đến trường, không được gặp bạn bè, thầy cô.
Có lẽ, mong ước giản đơn của các em lúc này là một ngày tựu trường. Trần Linh Chi (lớp 3, trường tiểu học Thúy Lĩnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ: "Từ khi cô giáo thông báo học online, em cũng chỉ được gặp cô và các bạn qua màn hình điện thoại.
Em thích được đến trường học cùng các bạn. Học trực tuyến thế này em khó tiếp thu lắm, đang học thì mạng bị mất... nên em thường tranh thủ đọc trước, rồi cũng tự ôn bài, không biết khi nào em mới được đi học".
Trao đổi với Dân Trí, ông Nguyễn Đăng Được, Trưởng xóm Phao chia sẻ: "Tôi ở đây hơn 30 năm, chứng kiến các cháu lớn lên rồi đi học. Dù gia cảnh bố mẹ các cháu khó khăn nhưng ai cũng tạo điều kiện cho con em mình được đến trường trường đến lớp.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, các cháu phải ở nhà học trực tuyến. Nhưng điều kiện ở đây còn thiếu thốn, nên việc học của các cháu ở đây cũng gặp nhiều bất cập. Tôi mong dịch bệnh nhanh chóng chấm dứt hẳn để các cháu được đến trường, được thầy cô bên cạnh chỉ bảo, học tập".