Cảnh sát 20 tuổi cụt chân vì cứu thai phụ giữa đường ray

Từ một chiến sĩ công an vừa tròn 20 tuổi xuân tràn đầy ước mơ, hoài bão, sau khi cứu một thai phụ trên đường ray, anh đã trở thành người tàn phế, mất hai chân với thương tật 81%.

35 năm qua là 35 năm ông sống chung với những cơn đau hành hạ, thậm chí có lúc rơi vào những tháng ngày của tận cùng tuyệt vọng… Ông là Phạm Văn Nhuận (55 tuổi, cựu cán bộ Công an huyện Đông Anh, Hà Nội).

Buổi tuần tra định mệnh và ngã rẽ cuộc đời

Trước khi kể lại vụ tai nạn kinh hoàng ngày ấy, ông đưa cho tôi xem bức ảnh ông chụp trước thời gian bị tai nạn vài tháng. Đó là bức ảnh một chiến sĩ công an trẻ có nụ cười rạng ngời. Rồi ông buồn bã nói: “Đó là bức ảnh duy nhất tôi khoác trên mình bộ cảnh phục, khi vẫn còn đủ hai chân”.

Đối với ông, ngày 25/9/1980 như một ngày định mệnh của cuộc đời. Lời kể ngập ngừng, ngắt quãng, ánh mắt ông không giấu nổi vẻ buồn bã: “Có lẽ cả cuộc đời này tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy. Khoảng 1h30 chiều hôm ấy, tôi cùng một đồng đội đi tuần tra ở ga Đông Anh (Hà Nội).

Lúc đó có hai đoàn tàu chạy ở hai đường ray song song nhau. Một tàu chở khách, và một tàu chở hàng. Tôi thấy mọi người tập trung rất đông và hò hét ầm ĩ vì có một người phụ nữ cứ bình thản đi trên đường ray của đoàn tàu chở hàng, không hề biết nguy hiểm sắp ập đến.

Tôi cũng cố hét để cảnh báo người phụ nữ nhưng vô ích vì lúc đó có nhiều tiếng còi tàu inh ỏi, mà người phụ nữ kia thì vẫn nghĩ tiếng còi đó là của đoàn tàu đi đường ray bên cạnh. Trong tích tắc ấy, tôi chỉ kịp nghĩ mình là chiến sĩ công an khoác trên mình bộ cảnh phục, mình phải bảo vệ dân.

Và tôi lao vào giật mạnh người phụ nữ ra. Tuy nhiên, đúng lúc kéo được người này ra khỏi đường ray thì đoàn tàu đến đẩy tôi ngã ập xuống đường ray và kéo lê 125 m…”.

Ông Nhuận (phải) cùng đồng đội trong một lần thi đấu Para Games.

Ông Nhuận (Phải) cùng đồng đội trong một lần thi đấu Para Gammes

Kể đến đây, ông Nhuận như cảm nhận được từng nỗi đau khi ấy. Sờ xuống đôi chân đã bị cắt quá nửa đang phải đeo chân giả, ông kể tiếp: “Khi ấy, mọi người hò hét để đoàn tàu dừng lại. Còn đầu gối chân phải của tôi đã bị nghiền nát, xương vỡ vụn, chỉ còn dính lại một chút vải của chiếc quần. Lúc tàu dừng lại, tôi cố hết sức dùng chân trái, khi ấy còn lành lặn, đạp vào bánh của xe lửa để kéo mình ra khỏi mối mắc kẹt.

Nhưng đau quá không làm được nên tôi dùng chân đó kê vào bánh tàu để đẩy ra. Thật không ngờ, đoàn tàu chưa dừng lại hẳn mà theo quán tính tiếp tục lùi lại, cán đứt hẳn phần chân trái còn lành lặn của tôi. Máu ở chân phải phun ra như mưa, nhưng tôi vẫn đủ tỉnh táo xé cả áo trong và áo ngoài quấn quanh chân để cầm máu”.

Từ chiến sỹ công an thành thương binh thương tật 81%

Ông kể lại, khi được đưa vào bệnh viện, ông vẫn tỉnh, còn nghe mọi người nói với nhau rằng “bị tai nạn mà tỉnh thế này thì chắc là chết”. Vài phút sau, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an huyện Đông Anh kéo đến đầy bệnh viện, họ khóc, nước mắt rơi giàn giụa quanh ông, lúc ấy ông đau đớn vô cùng. Rồi ông được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật cắt bỏ chân.

“Khi lên bàn mổ, tôi cảm thấy tê tái đến tận cùng nỗi đau, nghĩ trên đời này sẽ không có gì có thể đau hơn được nữa. Khi họ cắt chân tôi, tự nhiên tôi cảm thấy một phần thân thể đã vĩnh viễn rời xa mình, tôi bật dậy, thấy các lãnh đạo Công an huyện Đông Anh đều là những người đã có tuổi đứng ngoài khóc như mưa và nói: ‘Nhuận ơi con cứ yên tâm, mọi người sẽ chăm sóc cho con’”, ông kể lại câu chuyện với rất nhiều cảm xúc.

Kể về thời điểm khi biết tin ông bị nạn, ông cho hay, cả gia đình suy sụp bởi ông là con cả trong một gia đình có 6 anh em. “Khi đồng đội về quê tôi ở Bắc Giang báo tin, ông bà nội, bố mẹ và các em đang ngồi ăn cơm. Nghe tôi bị tai nạn kinh hoàng như thế, ông nội tôi ngất xỉu đầu tiên, sau đó là bố tôi, dù ông cũng là một thương binh đã từng vào sinh ra tử, mẹ và các em thì khóc như mưa.

Mọi người không dám cho bố mẹ tôi xuống Hà Nội thăm tôi vì sợ ông bà sốc. Đêm ấy trời mưa to nên mọi người nhất trí để sáng hôm sau cả đoàn cùng đi ôtô xuống Hà Nội. Nhưng ngay trong đêm, một vài người đã lấy xe đạp đạp xuống Hà Nội vì quá nóng ruột”, ông kể lại.

Ông Nhuận cho biết, cả gia đình khi ấy không ai bảo ai, nhưng đều nghĩ ông đã chết. Thậm chí, sáng hôm sau, gia đình thuê xe ôtô xuống Hà Nội nhưng lại không ai nghĩ ông còn sống mà nghĩ sẽ có xe chở xác về. Vậy là đi đường, cứ nhìn thấy xe cứu thương nào mọi người đều chặn lại để hỏi xem có chở xác của ông không. Đến bệnh viện, nhìn thấy ông, mọi người gào khóc, còn ông không dám đối diện với họ, không dám nhìn vào mắt ai nên lặng lẽ quay vào tường.

Từ năm 1980-1992, ông trải qua 12 lần phẫu thuật, cắt các phần chân bị hoại tử để bắt đầu quá trình chỉnh hình, gắn chân giả. Nhớ lại cảm giác khi bắt đầu tập đi và lắp chân giả, ông chỉ nói một câu: “Đau đớn vô cùng. Trong gần 10 năm chỉ nằm và ngồi, khi gắn chân giả, mỗi lần tập là rớm máu, sau đó lại nghỉ, chờ lành rồi tập tiếp, cứ ròng rã 7 tháng trời tập luyện trong đau đớn như thế”.

Sau khi ra viện, ông trở thành thương binh với mức thương tật 81%. Trở về nhà đối diện với bốn bức tường và đôi chân bị mất, ông lại tiếp tục sống trong những nỗi tuyệt vọng, chán nản.

“Khi ấy tôi thầm trách ông trời đã cướp đi của tôi tất cả. Cướp đi đôi chân của tôi, và cướp đi cả tương lai của một chiến sĩ công an mà tôi đã phấn đấu, nỗ lực để có. Tâm lý tôi dao động, thậm chí tôi quẫn chí khi hàng ngày chỉ biết đến bốn bức tường mà không thể làm được gì”, ông tâm sự.

Ánh sáng phía cuối con đường

Trở lại với tháng ngày ông Nhuận sống trong tuyệt vọng, ông cho biết, khi ấy, sau nhiều buổi xem những chương trình về cựu chiến binh hay các chương trình thể thao của người khuyết tật, ông đã nhen nhóm ý tưởng tham gia. Ban đầu chỉ định tham gia cho vui, nhưng sau đó, nhờ sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh, ông lại được chọn vào đội tuyển cầu lông đi thi đấu Para Games.

Ngay năm đầu tiên, ông đã giành được Huy chương Đồng. Và tại ASEAN Para Games lần thứ 13 tổ chức tại Thái Lan năm 2012, sau quá trình tích cực luyện tập, ông đã đoạt Huy chương Vàng ở bộ môn này.

Ngoài việc tập luyện và thi đấu môn thể thao dành cho người khuyết tật, ông còn tham gia câu lạc bộ Hội Cựu chiến binh, thành lập Nhóm Tiếng hát cựu chiến binh Thủ đô, thường xuyên đi biểu diễn ở các tỉnh trong các chương trình lớn. Đó là những động lực khiến ông quên đi những mất mát quá đỗi lớn lao mà mình phải chịu đựng.

Một điều đặc biệt, người con trai của ông Nhuận bây giờ, trung úy Phạm Ngọc Bảo, cũng theo nghiệp của bố, hiện công tác tại Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa.

Anh Bảo cho biết: “Tôi luôn tâm niệm đang thay cha đi trên các cung đường làm nhiệm vụ. Tôi tự hào vì đang thực hiện ước mơ làm một chiến sỹ công an nhân dân mà bố còn dang dở”.

Giờ đây, khi kể về cuộc sống, ông Nhuận lại cười: “Đúng là ông trời không lấy đi của ai tất cả bao giờ. Sau bao gian truân, tôi nghiệm ra rằng, không nên đòi hỏi những gì tốt nhất, mà hãy dùng tốt nhất những gì mình có”, người cựu công an trầm ngâm nói, ánh mắt vẫn rạng ngời niềm vui.

Có lẽ ông trời không lấy đi của ai tất cả, nên khi số phận cướp đi đôi chân của chàng công an trẻ năm ấy, thì cũng lại đưa đến cho ông một người phụ nữ tuyệt vời, đó là người vợ hiện tại của ông. Nhắc đến vợ, đôi mắt ông ánh lên niềm vui.

Ông kể như khoe: “Nếu để nói về cô ấy, tôi chỉ biết nói đó là một người phụ nữ tuyệt vời. Cô ấy rất nhanh nhẹn, tháo vát, sống chân tình với tất cả mọi người”. Rồi ông kể lại ngày mà số phận đã đưa người phụ nữ ấy đến bên cuộc đời ông.

Đó là khi ông lên Sơn Tây (Hà Tây cũ) làm chân giả. Hai người gặp nhau ở đó. Thương và cảm phục tấm lòng, sự nghĩa hiệp của người công an trẻ nên người phụ nữ ấy thường xuyên lui tới chăm sóc cho ông.

“Bố mẹ cô ấy khi biết chuyện, tuy không nói ra nhưng tôi biết họ đều rất ái ngại, còn anh em họ hàng phía nhà cô ấy thì phản đối dữ dội. Chúng tôi đã tìm nhiều cách để dần thuyết phục mọi người, tôi cũng thường xuyên lui tới nhà cô ấy chơi và cũng dần tạo được cảm tình. Trong lúc tôi khó khăn, hoạn nạn như thế, có một người dũng cảm như cô ấy dám đến với tôi, tôi thấy mình thật may mắn”, ông vừa nói vừa cười khi kể về người vợ của mình.

Gặp nhau năm 1982, hai người nên duyên vợ chồng vào năm 1984, và chỉ một năm sau, cô con gái đầu ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. Đến năm 1989, hai người có thêm một người con trai, tiếng cười như rộn rã hơn, hạnh phúc cũng tròn đầy hơn.

Theo Hoài Thu

Giao thông