Cấm dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT, trong đó có lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi với mục đích kích thích tăng trưởng và chính thức áp dụng sau ngày 31/12/2017.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Thông tư nói trên có quy định 15 loại hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng, bao gồm: Bambermycins, BMD (Bacitracin Methylnene-Disalicylate), Chlortetracyline, Colistin sulphate, Enramycin, Kitasamycin, Lasalocid sodium, Lincomycin, Monensin, Narasin, Neomycin sulphate, Nosiheptide, Salinomycin sodium, Tylosin phosphate và Virginiamycin. Tại Thông tư 06 nêu trên có qui định:

Trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ được sử dụng tối đa 2 loại kháng sinh qui định trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp sử dụng hơn 2 loại kháng sinh phải có căn cứ khoa học.

Đề xuất cấm dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng (Ảnh minh họa internet).
Đề xuất cấm dùng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng (Ảnh minh họa internet).

Tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng premix có hàm lượng kháng sinh không vượt quá 20% để trộn vào thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm với hàm lượng theo quy định tại Thông tư này; không được sử dụng vào mục đích khác.

Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng tại Việt Nam trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư này chỉ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2017.

Bộ NN&PTNT còn đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định 08 về quản lý thức ăn chăn nuôi, trong đó có quy định đặc biệt về quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh: Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản. Chỉ sử dụng thức ăn thủy sản phối trộn với thuốc thú y được phép lưu hành theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cán bộ thú y trong quá trình trị bệnh cho động vật thủy sản. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.

Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm được áp dụng đến hết ngày 31/12/2017.

Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định tại Luật Thú y. Việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non được áp dụng hết ngày 31/12/2018.

Kiểm soát phòng chống kháng thuốc

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2013, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc trong đó Bộ NN&PTNT là thành viên ban chỉ đạo.

Ngày 24/6/2015 Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển đã ký văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam.

Bộ NN&PTNT đang triển khai Chương trình “Cải thiện việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi động vật” do FAO, USAID tài trợ từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017.

Ngoài ra, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Năm 2016, cơ quan Thú y các vùng đã kiểm tra 18 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh để làm thuốc thú y. Kết quả chỉ phát hiện 1 công ty có bán nguyên liệu Sulfamid không đúng đối tượng, sai mục đích, với khối lượng là 74kg.

Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Kết quả phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm đối với 6 công ty có hành vi bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng; căn cứ đề nghị của Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cụ Thú y đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu 11 loại nguyên liệu kháng sinh cho 6 công ty vi phạm từ 2-3 tháng.

Tổ chức triển khai chương trình giám sát dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Kết quả: Năm 2015, phát hiện 31 mẫu/2717 mẫu thủy sản nhiễm chất độc hại vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 1,14%). Từ đầu năm 2016 đến tháng 9/2016, phát hiện 36 mẫu/2186 mẫu thủy sản nhiễm dư lượng kháng sinh (chiếm 1,65%).

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm