Cảm động bà lão 70 tuổi và lớp học tình thương đặc biệt giữa thủ đô

(Dân trí) - Bằng tình yêu thương của một “người mẹ” và kiến thức của một người thầy, trong suốt hơn hai mươi năm qua có một bà giáo lặng lẽ mang con chữ đến với những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội.

Nhiều năm nay, người dân ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh bà giáo Nguyễn Thị Côi (74 tuổi) ngày ngày đến lớp trong một không gian nhỏ mang tên “Lớp học linh hoạt”. Học sinh của lớp học đặc biệt này là những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Đến thăm lớp học, chúng tôi thực sự xúc động trước hình ảnh “người thầy” lớn tuổi ân cần rèn chữ cho từng em học sinh – những nét chữ sẽ giúp các em có cuộc đời ý nghĩa hơn.

Chia sẻ với chúng tôi về việc làm đầy tính nhân văn này, bà Côi cho biết, trước đây bà là hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Khi Quận Hai Bà Trưng có dự án mở lớp “xóa nạn mù chữ” cho các trẻ em lang thang cơ nhỡ từ các tỉnh thành đến Hà Nội kiếm sống bằng nghề đánh giày, bán báo, ăn xin… bà Côi tình nguyện đăng ký tham gia đi dạy từ 7 – 9 giờ tối ở các khu trọ.

Lớp học đặc biệt của bà Côi có sự tham gia của nhiều độ tuổi, số phận khác nhau.
Lớp học đặc biệt của bà Côi có sự tham gia của nhiều độ tuổi, số phận khác nhau.

Sau 9 năm gắn bó với lớp học, các em về quê sinh sống, đây cũng là lúc dự án kết thúc. Quận tiếp tục đề nghị giáo viên đến các khu phố tìm hiểu hoàn cảnh các gia đình, em nào khó khăn thiếu thốn, không đủ tiêu chuẩn vào trường phổ thông thì mở lớp học cho các em.

Cô giáo Nguyễn Thị Côi tiếp tục cần mẫn với công việc truyền đạt kiến thức, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo. Cho đến hiện tại thì “lớp học linh hoạt” trở thành lớp học của những người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ…

Để lớp học có thể “đầy đủ” như hiện tại, bà giáo già Nguyễn Thị Côi đã phải trải qua rất nhiều khó khăn và trở ngại. Những ngày đầu mở lớp, bà phải đi từng khu phố động viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, rồi vượt qua nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Các học sinh trong lớp học của bà Côi đủ mọi lứa tuổi, trình độ vì thế với mỗi em bà lại phải có một giáo án khác nhau.
Các học sinh trong lớp học của bà Côi đủ mọi lứa tuổi, trình độ vì thế với mỗi em bà lại phải có một giáo án khác nhau.

Bà Côi xúc động cho hay: “Các em ở đây đều là trẻ khuyết tật, mang bệnh trong người nên việc dạy học ở đây không giống như ở các trường học phổ thông. Mỗi em một trình độ, một hoàn cảnh nên tôi phải dạy theo chương trình của từng em một, có em 3 năm mới có thể viết được chữ, hay có những em tôi dạy “căng” quá thì ngất xỉu, phải đưa đi bệnh viện. Khi trái gió trở trời có em không đọc, không viết, không tiếp thu được cứ ngồi ngẩn ngơ, chính vì thế, để các em tiếp thu được phải hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng em một”.

Khó khăn là thế nhưng bà vẫn không giấu nổi niềm vui khi nhắc đến những học trò đặc biệt của mình. Bà tự hào chia sẻ “lớp học linh hoạt” đã có 2 em học sinh đỗ đại học.

Trường hợp đặc biệt nhất là em Thủy, gia đình ở quê ra Hà Nội vì không có giấy tờ nên em không được vào trường phổ thông, khi được 10 tuổi em được mẹ dẫn đến xin học và sau bao nỗ lực, hiện nay Thủy đã là sinh viên năm thứ 2. Gia đình em rất khó khăn, mẹ không biết chữ, bố mắc bệnh tâm thần,… nên bà đã giúp em xin một suất học bổng để em có thể tiếp tục con đường học tập.

Em Nguyễn Đình Tuấn Anh một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong lớp học của bà giáo già.
Em Nguyễn Đình Tuấn Anh một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong lớp học của bà giáo già.

Hạnh phúc lớn nhất của người thầy là học trò của mình ra ngoài xã hội trở thành những người công dân tốt, kiếm được tiền tự nuôi sống bản thân và có ích cho xã hội.

“Lớp có một bạn 32 tuổi không biết chữ nhưng sau khi học chữ đã biết viết chữ và viết rất đẹp. Trong lớp tôi có em sau khi học xong đi cắt tóc lương 7 triệu/tháng, làm đầu bếp lương 10 triệu/tháng. Cứ ngày lễ tết là đưa cả vợ chồng con cái đến cảm ơn vì nhờ cô mà chúng con giờ được như thế này”, bà Côi kể lại.

Bà Côi cho biết, hạnh phúc lớn nhất của bà là nhìn thấy học trò trưởng thành, trở thành công dân tốt.
Bà Côi cho biết, hạnh phúc lớn nhất của bà là nhìn thấy học trò trưởng thành, trở thành công dân tốt.

Trong 22 học sinh trong lớp hiện nay, rất nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong đó có em Nguyễn Đình Tuấn Anh (11 tuổi), mỗi tối em phải theo mẹ nhặt ve chai kiếm tiền. Tuấn Anh là đứa trẻ thông minh, em đến lớp được một năm và đến nay đã biết đọc, biết viết thành thạo.

Em bày tỏ “Khi đến lớp em không biết chữ, cô giáo đã dạy em học vần, học toán, học tiếng việt, tập đọc. Em muốn nói là em yêu cô, em cảm ơn cô rất nhiều. Em sẽ học thật giỏi để lớn lên làm lính cứu hỏa”.

Lớp học đặc biệt của bà giáo Nguyễn Thị Côi.
Lớp học đặc biệt của bà giáo Nguyễn Thị Côi.

Sau hơn 20 năm chèo lái “con thuyền tri thức đặc biệt” này, niềm vui lớn nhất của bà Côi chính là sự yêu thương của không chỉ học sinh mà cả người dân trong khu phố. Bác Trần Văn Sanh (83 tuổi), một người dân phường Tân Mai cho biết: “Bà ấy rất nhiệt tình và yêu thương bọn trẻ, bà ấy không chỉ tạo điều kiện cho chúng đến lớp mà còn giúp tránh khỏi những tệ nạn xã hội. Lớp học này đã tồn tại rất lâu và sẽ tiếp tục cần những người tốt như bà Côi duy trì lớp học”.

Cuộc sống nhiều cám dỗ và cạm bẫy, những đứa trẻ như Tuấn Anh liệu có tránh khỏi, thế nhưng, như một bà tiên trong các câu chuyện cổ tích, bà Côi xuất hiện hóa phép và giúp những đứa trẻ cơ nhỡ có cơ hội thay đổi cuộc đời.

Thương Lê – Thu Trang