Cách thiết kế nhà ống giúp thoát hiểm nhanh nhất khi cháy
(Dân trí) - Phần lớn các căn nhà ống hiện nay đều hẹp và sâu, thường chỉ có một mặt tiền. Khi có hỏa hoạn, nhiều căn nhà ống ở trong tình trạng không lối thoát khiến nhiều người thiệt mạng thương tâm.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ cháy nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng như vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, vụ cháy nhà dân ở Bình Phước...
Hầu hết các công trình này được xây theo dạng nhà ống. Khi đám cháy bùng lên, người gặp nạn chỉ còn biết vẫy vùng, mắc kẹt trong những căn nhà không lối thoát.
Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến những cái chết thảm thương trong các vụ cháy nhà ống phần lớn là do các ngôi nhà thiếu lối thoát hiểm hoặc lối thoát hiểm không đạt chuẩn.
Hiện nay, khi thiết kế nhà ống, nhà phố ở đô thị, người dân thường chỉ quan tâm đến diện tích sử dụng, sự phân bố các phòng, khả năng đảm bảo an ninh, các tiện ích chủ nhà muốn hướng đến. Rất ít người nghĩ đến phương án thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Chẳng hạn trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, các kiến trúc sư nhận định, quán karaoke xây theo dạng nhà ống, sân thượng lợp kín bằng mái tôn. Mặt trước của tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có.
Bên trong quán, việc ngăn chia không gian rất thiếu khoảng mở, quán sử dụng các vật liệu cách âm dễ cháy. Những yếu tố này kết hợp lại đã tạo ra môi trường lý tưởng để thảm họa cháy nổ xảy ra.
Trao đổi với Dân trí về đặc điểm và bất cập của các căn nhà ống hiện, kiến trúc sư Trần Ngọc Thạch, Công ty Kiến trúc SPNG cho biết, nhà ống là loại hình nhà ở chủ đạo tại đô thị Việt Nam.
Phần lớn nhà ống ở nước ta đều có chung đặc điểm là hẹp và sâu, thường chỉ có một mặt tiền. Diện tích căn nhà nhỏ, ít mặt thoáng, không gian xung quanh thường là những ngôi nhà cao tầng san sát.
"Công tác quy hoạch đã cho phép loại hình nhà này phát triển mạnh. Tuy nhiên, chúng ta lại không có quy định nhà ống phải có khoảng trống bên hông cách nhau tầm 50-90cm như một số nước (chẳng hạn Nhật Bản). Điều này dẫn tới việc khó thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn", kiến trúc sư Trần Ngọc Thạch nói.
Theo vị kiến trúc sư này, nên giải quyết bất cập của nhà ống từ gốc rễ. "Cụ thể, khi quy hoạch các khu đô thị mới nên quy định chừa khoảng trống giữa hai căn nhà thay vì xây sát vào nhau. Làm như vậy sẽ có nhiều lối thoát cho nạn nhân khi xảy ra cháy", ông Thạch nêu quan điểm.
Đối với những căn nhà ống hiện hữu, khi thiết kế nên chừa sân sau làm nơi phơi đồ, sàn nước. Đây chính là nơi thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra.
Nếu có sân sau, các gia đình có thể mở cửa sổ hoặc làm ban công các phòng ra phía sau. Ngôi nhà nhờ đó sẽ có nhiều khoảng mở hơn, khi cháy, khói cũng dễ thoát ra ngoài, giảm thiểu tình trạng ngạt khói.
Đối với những căn nhà chỉ có một mặt tiền, theo kiến trúc sư Phạm Ngọc Thạch, giải pháp tốt nhất vẫn là tạo những khoảng mở cho sân vườn phía trước.
Thay vì tận dụng hết diện tích sàn, các gia đình nên chừa không gian cho ban công. Nếu muốn, gia chủ có thể tăng số tầng để bù lại diện tích mặt bằng.
Cầu thang mỗi ngôi nhà nên xây dựng gần mặt tiền hoặc gần các khoảng sân vườn. Nên trang bị bình chữa cháy tại các sảnh cầu thang. Bên cạnh đó, cũng cần sắp xếp sẵn một số dụng cụ hỗ trợ thoát hiểm như: Xà beng, búa, dây… ở những vị trí thích hợp.
Các gia đình nên thiết kế nhà ống có giếng trời (có thể đóng mở). Giếng trời giúp thoáng khí, nếu xảy ra cháy, khói độc sẽ thoát bớt ra ngoài.
Sân vườn nếu phải bao bọc chống trộm thì nên có cửa sắt để thoát hiểm khi cần thiết. Cửa sổ nên chọn loại cửa lùa hoặc mở bản lề xoay thay vì làm cửa sổ chết hoặc cửa lật sẽ khó khăn cho việc trèo ra khi có hỏa hoạn.
Ngoài ra theo các kiến trúc sư, khi thiết kế và xây dựng nhà ống, các gia đình cần đảm bảo đa dạng các lối thoát hiểm: Lối thoát ra cầu thang lên hoặc xuống, lối còn lại có thể là ban công, lô gia hoặc cửa sổ, thiết kế cầu thang thoát hiểm lên mái, cửa sổ thoát hiểm bên hông....