Cách giúp cha mẹ nhận biết trẻ bị bạo hành ở trường

(Dân trí) - Trẻ phản ứng không bình thường khi hỏi về lớp học, cô giáo hay dễ bị rối loạn về ứng xử, thậm chí thỉnh thoảng bùng nổ và có hành vi bạo lực ngược lại người lớn, bạo lực với đồ chơi, súc vật… có thể là biểu hiện trẻ bị bạo hành ở trường.

Mới đây nhất, một đoạn video được đăng tải lên mạng khiến nhiều người phẫn nộ khi giáo viên Trường mầm non Ánh Dương ở Xa La, Hà Đông (Hà Nội) đã kéo tai, dúi đầu, lột quần áo học sinh giữa trời lạnh do tè dầm.

Theo quan sát video, sau giờ ngủ trưa (cả lớp đang dọn dẹp giường và chuẩn bị bữa nhỡ) một học sinh mầm non bị giáo viên kéo ra góc lớp lột quần áo, kéo tai, dúi đầu vì tè dầm trong giờ ngủ. Khi cháu bị lột quần áo, các bạn cùng lớp đứng xung quanh “ê”. Mặc dù giáo viên đã khôn khéo nhanh tay kéo bé học sinh vào góc khuất của lớp để bạo hành nhưng do vẫn lọt một góc vào tầm quét của camera nên nhiều người xem rất phẫn nộ khi nhìn thấy các hành động phản sư phạm trên đây

Ảnh chụp từ clip học sinh bị lột quần áo giữa trời rét tại Trường mầm non Ánh Dương ở Xa La, Hà Đông (Hà Nội)
Ảnh chụp từ clip học sinh bị lột quần áo giữa trời rét tại Trường mầm non Ánh Dương ở Xa La, Hà Đông (Hà Nội)

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên có vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành. Liên tiếp trong những năm gần đây, các vụ bạo hành tại các cơ sở mầm non liên tục xảy ra khiến các phụ huynh có con nhỏ lo lắng.

Nguy cơ trẻ gặp phải khi bị bạo hành

Trao đổi với PV Dân trí, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư Phạm TP.HCM cho rằng, việc trẻ bị bạo hành trong khoảng thời gian dài, tâm lý non nớt của bé sẽ bị ám ảnh bởi những lần sợ hãi thường xuyên, từ đó sẽ có thể dẫn đến những bất ổn trong tâm lý. Chẳng hạn như:

- Trẻ dần dần trở nên nhút nhát, hay sợ hãi người lớn.

- Nếu nặng, có thể lặp đi lặp lại những cơn hoảng loạn tinh thần, thậm chí gặp ác mộng và quấy thức giữa đêm.

- Nếu việc bạo hành diễn ra trong thời gian dài, nhiều trẻ còn có biểu hiện của chứng trầm cảm.

- Trẻ dễ bị rối loạn về ứng xử, thậm chí thỉnh thoảng bùng nổ và có hành vi bạo lực ngược lại người lớn, bạo lực với đồ chơi, súc vật.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư Phạm TP.HCM
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư Phạm TP.HCM

Không khó để nhận biết được một đứa trẻ đang bị bạo hành. Trẻ con như là đoạn video quay chậm, có thể tái hiện lại mà chỉ cần tinh ý và quan tâm đến con là bố mẹ có thể hoàn toàn nhận biết được. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng đưa ra các dấu hiệu giúp phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị bạo hành.

Dấu hiệu nhận biết con có thể đang bị bạo hành

Khi trẻ biết nói, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen kể lại những gì đã xảy ra trên lớp học bằng các câu hỏi như "Hôm nay Bin đi học có gì vui kể cho mẹ nghe nào? Hôm nay trong lớp có bạn nào bị phạt không?..." rồi tùy theo câu trả lời mà hỏi chi tiết thêm.

Ngoài ra, cha mẹ cần chủ động quan sát và nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ sau đây:

• Trên người trẻ có vết bầm một cách thường xuyên

• Trẻ sợ hãi khi đến trường, nhất là khi cô giáo ra đón

• Trẻ phản ứng không bình thường khi hỏi về lớp học, cô giáo

• Sợ tiếp xúc, giảm bớt hoạt động, không muốn giao tiếp

• Trẻ vẽ những nét vẽ đậm, nguệch ngoạc thể hiện sự giận dữ

• Trẻ nói những ngôn từ bạo lực, lặp lại các câu mắng chưởi khi bị đánh

• Trẻ hay gặp ác mộng, la hét giữa giấc ngủ

• Trẻ có biểu hiệu bạo lực bất thường: hay đánh người khác, bạo lực với đồ chơi, đánh đập thú nuôi...

Trẻ nhỏ chưa có khả năng tự vệ. Trong khi chờ đợi cơ quan quản lí giáo dục kiểm soát được các cơ sở mầm non đặc biệt là mầm non tư thục, cha mẹ hãy tìm cách tự bảo vệ con mình trước.

ThS Khắc Hiếu gợi ý một số lời khuyên cho phụ huynh về cách bảo vệ con: Cách tốt nhất vẫn là ngăn ngừa việc bạo lực xảy ra; phụ huynh cần "chọn mặt gửi vàng", tìm hiểu kỹ cơ sở giáo dục nơi gửi gắm con mình, chọn các cơ sở uy tín, có camera giám sát, có thể quan sát từ bên ngoài và thường xuyên theo dõi biểu hiện tâm lý của con mình để phát hiện và xử lý kịp thời.

Đối với trẻ còn quá bé, chưa biết nói, cha mẹ nên thỉnh thoảng đột xuất ghé thăm con vào giờ nghỉ trưa, kể cả giờ làm việc, giờ ăn với một số lý do như đưa sữa, đồ cho bé. Phụ huynh nên thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình trạng của con mình để xem xét mức độ hợp lý trong câu trả lời.

Thêm vào đó, cha mẹ cần dạy cho con mình những kỹ năng sống để không gây phiền hà, bực bội tới người khác và cũng là để bảo vệ bản thân. Dành thời gian chơi với con, lắng nghe con nói, tinh tế phát hiện ra những sự thay đổi trong con.

Ngoài ra, những cơ quan quản lý giáo dục nên xử lý nghiêm giáo viên hành hạ trẻ và đặc biệt là phải xử lý cả người quản lý cơ sở đào tạo đó để họ có ý thức giám sát và biện pháp ngăn ngừa các hành vi phản sư phạm xảy ra trong môi trường giáo dục hiện nay.

Nhữ Trang