Các cô gái chuyển giới: Khổ trăm đường vì bị quấy rối

Trong báo cáo định tính của UN Women cuối năm 2016, nhóm nữ chuyển giới ở Việt Nam đặc biệt dễ bị bạo lực tình dục. Những cô gái chuyển giới xác nhận với Pháp Luật TP.HCM thực trạng đó và cho biết sự phân biệt đối xử với người chuyển giới là nguyên nhân chính.

TH (23 tuổi, quê Bình Dương) hiện đang làm cho một tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người đồng tính, song tính và người chuyển giới (LGBT) có văn phòng tại quận 2. Cô có vóc dáng của người mẫu với chiều cao 1,75 m, gương mặt rất xinh đẹp. Vừa qua, sau buổi biểu diễn thời trang tại một sự kiện, cô đã bị kẻ xấu lạm dụng tình dục.

Miếng mồi ngon cho “yêu râu xanh”

TH cho biết rất khó nhận ra những “yêu râu xanh” thích lạm dụng người chuyển giới, bởi họ có bề ngoài bình thường, thậm chí đạo mạo, trí thức. Sau buổi biểu diễn, một người đàn ông có dáng vẻ lịch sự đã chạy theo làm quen và xin phép đưa TH về nhà. Quãng đường khá xa, đến một khu đất trống đang xây dựng ngổn ngang, hắn bất ngờ ép xe của TH rẽ vào đó để “tâm sự”. Không chống cự nổi gã đàn ông to khỏe, TH bịa rằng mình đang bị nhiễm HIV. Tuy nhiên, hắn vẫn ép TH dùng tay thỏa mãn thú tính của hắn. TH bị sốc và khóc ròng khi trở về nhà. Nhưng cô không tâm sự với ai, bởi khu ký túc xá của cô có nhiều người có định kiến rất nặng nề đối với người chuyển giới.

Trước đó vài tháng, cô cũng bị một người đàn ông bám theo vào hẻm vắng quấy rối, sờ soạng. Cô đẩy hắn ra, hắn cợt nhả: “Ladyboy tụi em có la lên, người ta cũng nói em làm bộ thôi à”. Nhưng cô đã phản ứng quyết liệt và dọa sẽ la lớn cho mọi người chạy ra, hắn mới bỏ đi.

Cô đã ký hợp đồng làm hình ảnh đại diện với một đơn vị truyền thông và cam kết rằng sẽ giữ hình ảnh, không được để xảy ra các vụ lùm xùm. Cô nói: “Nếu em không phải giữ hình ảnh theo hợp đồng, có thể em đã làm lớn chuyện hơn rồi”.

Quảng Đỗ Nhật Vy hiện làm nghề trang điểm và cô thường biểu diễn tại một số sự kiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Quảng Đỗ Nhật Vy hiện làm nghề trang điểm và cô thường biểu diễn tại một số sự kiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bị xem như món hàng

Thêm một nỗi khổ khác, TH cũng cho hay trong nhiều buổi diễn thời trang, hoạt động cộng đồng, nhiều khách cố ý chạy lên tặng quà rồi tranh thủ… nắn bóp nhiều vùng nhạy cảm trên cơ thể cô. Sau đó, họ nói ngay những lời xúc phạm về vùng kín của các cô.

Còn Quảng Đỗ Nhật Vy (quê Bến Tre) thì đề nghị Pháp Luật TP.HCM không giấu tên tuổi và hình ảnh thật vì cô mong muốn qua câu chuyện của mình, mọi người có thể nhận thức được thực trạng người chuyển giới thường xuyên bị xúc phạm, quấy rối, tấn công.

Nhật Vy kể khi còn học trong trường phổ thông, các bạn học của cô thường xuyên trêu chọc, giữ tay chân cô cho các bạn nam sờ soạng “kiểm tra” cơ thể cô. Xe đạp của cô thường xuyên bị đâm thủng lốp, có khi bị vứt ở bãi rác. Ở lứa tuổi học trò, sự bạo hành đó để lại ở cô rất nhiều thương tổn về tinh thần.

Lên TP.HCM, cô xin vào làm việc tại một quán cà phê, có nhiều khách thường xuyên vỗ mông, sờ soạng cơ thể cô và xúc phạm cô. Thỉnh thoảng cũng có người tỏ ra tử tế, thông cảm và theo đuổi. Một người đàn ông hứa cho cô tiền phẫu thuật chuyển giới hoàn thiện nếu cô đồng ý làm nô lệ tình dục, chấp nhận những trò bạo lực mà hắn nghĩ ra. Nhật Vy rất buồn vì bị khinh rẻ như vậy trong khi ở cuộc sống xã hội, gã đàn ông kia có bộ mặt hoàn toàn bình thường và đứng đắn.

Sau đó, Nhật Vy học nghề trang điểm và có cuộc sống ổn định, ít bị quấy rối hơn. Tuy nhiên, nhiều bạn chuyển giới của Vy không được may mắn như vậy. Vy cho biết: “Nhiều người rất kỳ thị người chuyển giới nên không dễ gì tìm được việc. Nhiều cô gái chuyển giới đã chấp nhận bán dâm kiếm sống vì không thể tìm được việc làm. Bạn em khi đứng đường thì gặp rủi ro cao hơn các cô gái bình thường rất nhiều lần. Nhiều khách cố ý bạo lực tại những điểm bơm silicon như ở mông, ngực. Có bạn gặp sự cố với silicon rất đau đớn”. Theo Nhật Vy, các bạn cô là người chuyển giới hầu hết đều đã bị xúc phạm, quấy rối, bạo lực ở nhiều mức độ khác nhau.

Theo Hồng Minh

PLO

Nạn nhân sợ bị đổ lỗi

“Chúng tôi đã tham gia vào cuộc khảo sát phạm vi về quấy rối tình dục và các hình thức bạo lực tình dục khác đối với phụ nữ nơi công cộng tại TP.HCM. Có một vấn đề nổi lên là hầu hết nạn nhân không dám lên tiếng hoặc tố cáo với công an, họ nghĩ rằng nói ra chẳng những mọi người không thông cảm mà họ còn bị đổ lỗi tại ăn mặc hở hang hoặc vì họ đã làm gì đó khác.

Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh nâng cao năng lực nhận thức của mọi người người về quấy rối và bạo lực tình dục, thúc đẩy sự tham gia của mọi người và các cơ quan chức năng. Vì nhận thức về giới chưa đúng nên mọi người dễ dàng đổ lỗi cho nạn nhân là nữ giới”.

TRẦN THỊ KIM THANH, Trưởng phòng Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Giảm 80% thông tin mang định kiến giới

“Chỉ tiêu đến năm 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. TP.HCM hiện có 47 cơ quan báo chí, các cơ quan này dần phát triển các chuyên trang, chuyên mục, bài viết tuyên truyền về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ. Năm 2016, qua thống kê có 165 bài viết trên các báo giấy, báo điện tử về lĩnh vực tham chính, bạo lực trên cơ sở giới, lao động-việc làm, giáo dục, gia đình…”.

(Trích báo cáo ngày 28-12-2016 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TP.HCM)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm