"Bút sa" trên mạng xã hội, "giết người không dao"

(Dân trí) - Chúng ta chỉ mất vài tích tắc để ấn nút like, share hay viết ra những dòng chữ rồi với thao tác "enter" là xong. Nhưng những hậu quả sau đó rất khủng khiếp, thậm chí có thể giết một con người.

Giết người bằng like

Câu chuyện "nữ sinh đốt trường vì câu 1.000 like trên Facebook" xảy ra tại Khánh Hòa được nhắc đến tại tọa đàm "Văn hóa ứng xử của giới trẻ trên mạng xã hội" vừa diễn ra tại TPHCM. 

TS tâm lý Đào Lê Hòa An kể trường hợp nữ sinh ở Khánh Hòa đăng trạng thái "được 1.000 like thì đi đốt trường" và rồi nhận được bão like. Bị cộng đồng mạng gây áp lực, cô gái 13 tuổi đã tưới xăng ở Phòng y tế của trường.

Bút sa trên mạng xã hội, giết người không dao - 1

Nữ sinh ở Khánh Hòa đốt phòng y tế của trường vì... 1.000 like

Bút sa trên mạng xã hội, giết người không dao - 2

Nam thanh niên ở TPHCM tẩm xăng đốt mình rồi nhảy kênh Tân Hóa vì... muốn gây sốc với 4.000 like (Ảnh cắt từ clip)

Trường hợp khác, một thanh niên ở TPHCM, cũng tự "bán mạng" với 4.000 like thì sẽ tẩm xăng đốt mình. Và chàng thanh niên này đốt mình thật rồi nhảy xuống kênh Tân Hóa. 

Theo ông An, nhu cầu thể hiện bản sắc cá nhân của người trẻ rất lớn tuy nhiên khả năng của bản thân thì không đáp ứng được. Do đó, họ đã tìm những cách thể hiện một cách lệch lạc. Và những cái like, share trên mạng, nhiều khi không phải vì thích mà muốn dìm cho chết!

Thiếu tá, TS XHH Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên trường ĐH An ninh Nhân dân nhắc đến trường hợp nữ sinh ở Đồng Nai tự vẫn vì bị bạn trai tung clip "nóng" lên mạng xã hội.

Bút sa trên mạng xã hội, giết người không dao - 3

Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm cảnh báo về "không gian ném đá" trên mạng xã hội 

Trong sự việc này, có thể cô gái đã biết trước việc bạn trai sẽ tung clip qua những lời dọa dẫm, nhưng em đã không thể lường hết áp lực từ mạng xã hội, từ những cái like, share, những lời bình phẩm, miệt thị, kết tội... của những người hoàn toàn xa lạ.  

Theo ông Lâm, khi tham gia vào mạng xã hội sẽ tạo ra cho con người những cảm giác thỏa mãn, tạo nên giá trị ảo, ganh tỵ và là một "không gian lý tưởng" cho những người thích "ném đá"…

“Ngoài ra, mạng xã hội còn tạo ra các hiếu kỳ, tò mò xâm phạm đời tư, hành vi lệch chuẩn… nguy hiểm hơn là tạo ra một căn bệnh hoang tưởng”, Thiếu tá Lâm khẳng định. 

"Thẩm phán" trên không gian mạng 

Không thể kể hết các vụ việc tạo ra tội đồ và kết tội trên mạng xã hội. Bất kể ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân trên mạng xã hội. Và bất kỳ ai cũng có thể là "thủ phạm" giết người mà không dùng dao bởi sự vô tâm, vô tình và vô trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội. 

Đó có thể chỉ là một cái like, share, mấy dòng chữ... chúng ta gửi đi chỉ mất vài giây, vài phút. Khuất mắt trông coi, chúng ta trở nên tàn ác khi không nhìn thấy máu, không nhìn thấy nỗi đau, tuyệt vọng của người khác. 

Bút sa trên mạng xã hội, giết người không dao - 4

Ths Lê Thị Hằng bày tỏ, mỗi cái like, share trên mạng xã hội có thể vô tình trở thành con dao giết người về mặt tinh thần 

Theo ThS tâm lý Lê Thị Hằng (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vô tình trở thành con dao giết chết hay nâng đỡ một người nào đó về thể chất lẫn tinh thần. Một lời chê bai, một lời bình luận vô tình có thể làm tổn thương đến tâm lý một người chúng ta không quen biết. Những lời khen ngợi, động viên, cổ vũ cũng có thể là một liều thuốc tinh thần giúp người khác và sống lạc quan hơn. 

Đây là lựa chọn sống của mỗi người. Mỗi cái click chuột thể hiện xu hướng cũng như động cơ của mỗi người dựa trên xu hướng sống của họ. 

LS Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều “thẩm phán”, trước khi vụ án được đưa ra xét xử thì các “thẩm phán” này đã tuyên án. Nhiều người đã không vượt qua được "bản án" này. 

Ông Chánh nhấn mạnh, hiện nay luật pháp cũng đã có những quy định, chế tài xử lý những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, hành vi bịa đặt, vu khống…Người bị hại có quyền khởi kiện ra tòa.

Tuy nhiên, chế tài pháp luật vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Trong đó cụ thể là những mức phạt vẫn còn quá nhẹ so với hậu quả gây ra cho bị hại, từ đó không đủ sức răn đe.

“Để nâng cao ý thức mọi người sử dụng mạng xã hội thì cần thiết phải nâng cao các chế tài xử lý thì mới đủ sức răn đe. Ngoài ra, bản thân người dùng mạng xã hội cũng ý thức, trách nhiệm hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, tự bảo vệ mình”, luật sư Chánh nêu quan điểm và bày tỏ, "ném đá", kết án một ai trên mạng xã hội rất dễ nhưng để nói một lời xin lỗi thì rất khó. 

Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm cho biết, luật An ninh mạng đã có nhưng văn bản hướng dẫn thi hành luật này lại chưa có. "Bức tường lửa" trên mạng xã hội là chính mỗi chúng ta chứ không phải ai khác. 

Điều này đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm, đạo đức, sự tỉnh táo và có lòng yêu thương, nhân ái khi mình là một thành viên của mạng xã hội. 

Hoài Nam