Bưởi Diễn được mùa, người dân kiếm tiền tỷ
(Dân trí) - Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên Đán nhưng thị trường bưởi Diễn đã bắt đầu nóng lên. Ở nơi “khai sinh” ra bưởi Diễn, năm nay, người dân cũng có một mùa bội thu. Có những hộ gia đình thu được tiền lãi với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Hết mùa bưởi, thu về tiền tỷ
Tại thôn Văn Trì, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, cứ đi vài trăm mét lại bắt gặp những vườn bưởi Diễn xanh um, sai trĩu quả. Tết năm ngoái, thời tiết mưa nhiều khiến bưởi mất mùa, thu nhập của người trồng bưởi cũng ảnh hưởng không nhỏ. Năm nay, được tự tay hái những trái bưởi vàng óng, căng tròn, khuôn mặt mặt ai cũng rạng rỡ, vui mừng.
Với những hộ gia đình tận dụng khoảng vườn sau nhà trồng vài chục cây, sau mỗi mùa bưởi, họ thu được từ 50 – 70 triệu đồng. Đặc biệt, ở Đồng Bun (thôn Văn Trì), có những vườn bưởi rộng đến hơn 1 mẫu, đem lại nguồn thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình chị Ngân được người dân thôn Văn Trì nhắc đến là “nhà nhiều bưởi nhất khu vục Bắc Từ Liêm”. Từ 7 mảnh vườn của đời trước để lại với diện tích hơn 4 mẫu, hàng năm, sáu anh em nhà chị Ngân cùng nhau chăm sóc, vun trồng. Theo lời chị chia sẻ, những năm mất mùa, chị chỉ thu được 1 vạn quả. Nhưng năm nay, “nhờ trời thương” nên số lượng bưởi có thể lên đến hơn 2 vạn, đem lại tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.
Những chùm bưởi sai trĩu cành.
Trung bình, một quả bưởi sẽ được bán với giá khoảng 50.000 đồng, quả ngon giá cao hơn, khoảng 70.000 – 80.000 đồng. “Trồng bưởi cả năm, mấy anh chị em chỉ trông vào mùa Tết. Trồng bưởi nhàn hơn mọi việc khác vì không phải chăm sóc hàng ngày, nhưng cái khó là mình phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Như năm ngoái cây nào cũng trụi, quả ít mà còn xấu. Đứng nhìn vườn bưởi mà cứ thở dài xót xa”, chị Ngân nhớ lại.
Xưa kia, bưởi Diễn được coi là thức quà tiến vua. Những người trồng bưởi cho biết, cái đặc biệt của bưởi đất Diễn nằm ở chỗ, cây nào càng sai thì cho quả càng đẹp, càng căng bóng.
“Đố ai tìm được một loại quả nào như trái bưởi ở làng chúng tôi. Cái ngọt của bưởi Diễn là cái ngọt thơm có vị hơi đắng. Khi ăn xong, hương vị ấy vẫn lưu lại trong miệng, lưu luyến mãi không hết. Hơn nữa, việc bảo quản bưởi cũng không quá cầu kỳ, để càng lâu thì bưởi càng ngon hơn.”, chị Ngân cho biết.
Không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng
Những trái bưởi sớm (bưởi tháng mười) đã được bày bán, tuy không có vị đặc sắc như bưởi Diễn nhưng cũng rất ngon.
Vườn bưởi nhà chị Ngân thỉnh thoảng lại có người vào hỏi mua buôn. Vừa dẫn khách đi quanh vườn, chị vừa kể bằng giọng vui vẻ: “Lái buôn ở Hà Nội họ đã đặt gần hết rồi, đến gần Tết là có xe đến chở đi. Giờ có ai muốn lấy nhiều cũng chả còn.”
Người dân thôn Văn Trì gọi vùng đất của họ là đất “vàng mười”. Có nhiều nơi lấy giống bưởi Diễn về trồng nhưng không nơi nào cho ra những trái bưởi thơm ngọt đặc trưng như bưởi “xịn”. Mặc dù bằng mắt thường không thể phân biệt được, nhưng những người sành ăn chắc chắn sẽ nhận ra ngay từ lần thử đầu tiên.
Đất “vàng mười” của người dân thôn Văn Trì.
Hầu như năm nào trên thị trường cũng xuất hiện nhan nhản những biển hiệu quảng cáo “bười Diễn chính hiệu” với đủ các mức giá chênh lệch. Ngay chính những người trồng bưởi trên “thủ phủ của bưởi Diễn” cũng khẳng định: “Dù năm nay bưởi sai, nhưng vườn nhiều nhất cũng chỉ được 2 vạn quả. Những nhà khác tuy có vườn nhưng vì nhiều lí do, họ không thể chăm sóc kĩ nên bưởi không ra trái nhiều. Chính vì thế, nhiều bưởi Diễn được bày bán hiện nay chỉ là bưởi “nhái”, kém chất lượng.”
Quả thực, bưởi Diễn là giống kén đất. Nhưng có một thực trạng đáng buồn là diện tích trồng bưởi ở Diễn đang dần thu hẹp do người dân phá vườn, lấy đất xây các khu nhà trọ giá rẻ cho sinh viên, còn người trồng bưởi đi làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp. Chị Thủy (em gái chị Ngân), tâm sự: “Đất này đã có dự án hết rồi, chỉ tầm 20 năm nữa là chả còn bưởi Diễn mà ăn. Chúng tôi dù muốn giữ đất của cha ông nhưng cũng chẳng còn cách nào.”
Bài và ảnh: Hoàng Ngọc