Bức thư "thiêng" ở Thành cổ Quảng Trị và hành trình tìm hài cốt chồng
(Dân trí) - Như linh tính biết mình sẽ hy sinh, người lính đó đã gửi về gia đình một bức thư nói rõ nơi chôn cất. Sau bao nhiêu năm, lần theo thông tin ấy, gia đình đã tìm được hài cốt của anh.
Biết trước cái chết
Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1972, khi đang là sinh viên năm 4, theo tiếng gọi Tổ quốc, anh đã tạm biệt giảng đường, tạm biệt mẹ, người vợ trẻ và quê hương để lên đường vào Nam chiến đấu.
Bức thư được xem như là bản "di chúc" của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết từ chiến trường Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa, được gia đình, bạn bè và đồng đội cất giữ và trao tặng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị sau 40 năm.
Quảng Trị, ngày 11-9-1972
Toàn gia đình kính thương!
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất", thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
Mẹ kính mến! Thư này tới mẹ là con đã đi xa rồi. Chắc mẹ đau buồn lắm. Lớn lên trong vòng tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa kịp báo đáp công ơn sinh thành, giờ con đi xa là để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời.
…
Em yêu thương. Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em sẽ là nỗi buồn lớn nhất. Chúng ta sống với nhau chưa được bao lâu, thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao yêu thương, trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Em chưa được hưởng diễm phúc ấy đã phải xa anh…
Sau này hòa bình lập lại, nếu có điều kiện vào Nam, hãy mang hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông vào ngày 2-1-1973. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều. Em cứ đi đến đó, tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Đến đó sẽ tìm thấy tấm bia ghi tên anh đục trên mảnh tôn. Mộ anh ở đó… Em sẽ đọc lá thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi truy điệu lịch sử này….
Mùa hè đỏ lửa năm 1972 dường như là một kỉ niệm không bao giờ quên trong lòng những người chiến sỹ năm xưa. Cựu chiến binh Nguyễn Viết Nội - nguyên chiến sĩ bảo vệ thành công Thành Cổ Quảng Trị năm 1972 chia sẻ: ''Bấy giờ giống như "cối xay thịt" vì bom đạn nó đánh liên tục, mặt đất rung lên bần bật cả một thị xã Quảng Trị rất đẹp đẽ nhưng sau một trận đánh nhau nó tàn sát đến mức độ không còn một viên gạch nguyên vẹn".
Bức thư được anh Lê Văn Huỳnh viết vào tháng 9/1972 - trước ngày anh hy sinh hơn 3 tháng, từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ. Dự cảm về cái chết đang đến rất gần, anh xem bức thư này như những lời trăng trối. Không ai hiểu tại sao anh biết trước cái chết của mình, biết tường tận nơi mình sẽ nằm xuống… Trong cả bức thư anh không hề nhắc đến một từ "hy sinh", anh xem cái chết như một lẽ tự nhiên, đối với anh hy sinh vì hòa bình của đất nước, độc lập dân tộc là một điều thiêng liêng và cao quý nhất.
Sau ngày nhập ngũ, anh theo đơn vị vào chiến trường Quảng Trị. Hàng tháng anh đều gửi thư về nhà, thư anh gửi về, ai đọc đều rơi nước mắt. Chiến trường ác liệt, anh viết gửi vợ đôi lời: "Anh mang tiếng đi chiến đấu, người ta trực tiếp cầm súng, nhưng anh thì không. Anh theo chỉ huy đi đào hầm, vận chuyển bộ đội từ bờ Bắc sang bờ Nam. Nhưng mà tình hình khốc liệt quá, em à". Nhưng sau lá thư tháng 12/1972, không còn lá thư nào được gửi về cho chị nữa, bà Xơ nghẹn ngào nhìn bức thư của người chồng đã khuất...
30 năm mòn mỏi người vợ tìm hài cốt chồng
Bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh như vẽ lên một viễn cảnh chính xác cho số phận của người chiến sỹ này. Trải qua bao nhiêu cuộc tìm kiếm hài cốt, chị Xơ và người thân đều không nhận được kết quả gì. Nhưng cứ như có điều gì đó thôi thúc trong chị, một sự tương thông kỳ diệu nào đó giữa hai vợ chồng, chị lại quyết định về Quảng Trị chiến trường xưa, mong muốn có thể đưa anh về.
Năm 2002, chị Xơ khi ấy đã 52 tuổi, ngược xuôi lên Hà Bắc tìm người lính đem quân tư trang của anh về cho chị. Chị cũng sang xã bên tìm người cùng học, cùng nhập ngũ với anh năm xưa, nhưng không ai hay biết anh hy sinh ở đâu. Cuối cùng, nhờ những người đồng đội cũ của anh, chị tìm được anh Cường - người chôn cất 3 người lính trẻ trong vườn sắn năm xưa tại Quảng Trị.
Được sự giúp đỡ của đồng đội anh, chị đã xác định khu mộ có thể lạc giữa bãi sắn mênh mông trên nền đất cũ của bà Nguyễn Thị Ngân (thôn Thượng Phước, Quảng Trị) hiện được con trai bà canh tác…
Tưởng rằng vô vọng nhưng như một cơ duyên ước hẹn, chị tìm được anh vẹn nguyên cùng hành trang người lính tuổi trẻ với dòng tên đục trên mảnh tôn như anh dặn dò. Chị tìm được anh trong nước mắt mãn nguyện của duyên chồng vợ và lá thư thiêng tiên tri của anh là kỷ vật sống động cho một thời tuổi trẻ hào hùng, những người lính như anh đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho Tổ quốc.
Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh sau 30 năm nằm lại vườn sắn nhà người ta, nay đã có thể về nhà, an táng tại nghĩa trang xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.