Bữa cơm vội của người dân về quê tại cửa ngõ Thủ đô
(Dân trí) - Sau khi một số tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách, hàng nghìn người dân xa xứ đã lên đường về quê. Tuy gặp không ít gian nan nhưng họ chấp nhận đánh đổi để sớm được về nhà để tránh dịch bệnh.
Mất 4 ngày đêm, vượt gần 2.000 km bằng xe máy, những lao động trở về từ vùng dịch cũng đã đến chốt kiểm dịch đầu cửa ngõ Thủ đô (chốt Cầu Giẽ, thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Đa số người dân trở về là công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, thợ hồ, buôn bán tự do... thất nghiệp nhiều tháng do dịch Covid-19 kéo dài.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến cuộc sống của họ trở nên khó khăn, mất việc làm, đồng nghĩa không có thu nhập suốt nhiều tháng nay. Sau khi được nới lỏng giãn cách họ quyết định hành trình hồi hương.
"Từ miền Nam về đây, chúng tôi phải dầm mưa, đội nắng, thậm chí thâu đêm vượt qua những con đường đèo khó khăn để về quê.
Mọi sinh hoạt ăn nghỉ của gia đình đều diễn ra trên đường. May mắn, dọc hành trình đi về, được sự giúp đỡ của các chốt kiểm soát dịch tiếp tế nước uống, lương thực, nên chúng tôi cũng thấy ấm lòng".
Trời nhá nhem tối, hàng chục chiếc xe máy ùn ùn tiến về khu vực Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên). Bế đứa con vừa tròn 5 tháng tuổi, chị Giàng Thị Rủ (người dân tộc Mông, quê ở Sơn La) nói:
"Được trở về nhà tôi cảm thấy rất vui. Chúng tôi không được xét nghiệm vì ở Bình Dương, xét nghiệm cho người nghi nhiễm đã bị quá tải. Nên hành trình đi về chúng tôi khai báo y tế, đi đến tỉnh nào ở đó yêu cầu xét nghiệm thì họ sẽ làm luôn xét nghiệm cho chúng tôi.
Đường xa quá, chúng tôi không biết đường về nhưng may mắn đã có lực lượng Cảnh sát giao thông dẫn đường để chúng tôi về nhà an toàn hơn", chị Rủ, một công nhân ở Bình Dương cho biết.
Vượt quãng đường dài đầy khó khăn, sau gần 4 ngày ròng rã đa số đều rất mệt mỏi, cạn kiệt đồ ăn, nước uống. Chị Hầu Thị Mua (21 tuổi, quê Hà Giang) tranh thủ cho đứa con nhỏ chưa tròn 10 tháng ăn bữa tối chia sẻ, gia đình chị cùng đoàn gồm hơn chục người chạy xe máy từ Bình Dương về quê Hà Giang, khi đến chốt kiểm soát dịch Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) thì nghỉ chân và kê khai y tế.
Khuôn mặt người phụ nữ lộ rõ sự mệt mỏi, chị thở dài kể, cách đây một năm, hai vợ chồng chị vào Bình Dương làm công nhân cho một xí nghiệp may. Sau kỳ nghỉ Tết, vợ chồng chị trở lại TP.HCM tiếp tục mưu sinh. Chưa kịp xoay sở, dịch Covid-19 bùng phát, công ty đóng cửa, hai vợ chồng thất nghiệp. Với số tiền ít ỏi có được, cả hai vợ chồng chị đã cố gắng cầm cự.
Nhận được tin thành phố nới lỏng giãn cách, gia đình chị liền trả phòng trọ và thu dọn đồ về quê. Có con nhỏ, nên chị Mua chuẩn bị cả bếp cồn để dọc đường nấu nước pha sữa cho con.
"Ngày 2/10, vợ chồng tôi cùng đoàn có tới hơn chục người, chở theo con nhỏ bắt đầu xuất phát. Đường về hơn nghìn cây số, có hôm mưa to, con khóc trong khi không quen chạy đường dài, nhưng mọi người trong nhóm luôn bảo ban nhau lúc nào mệt thì cùng dừng chân nghỉ", chị Mua nói.
"Chúng tôi chạy xe ban ngày rồi đêm đến dừng chân ở khu vực nào vắng vẻ, hay gầm cầu trải tấm nylong ven đường rồi ngả lưng nghỉ ngơi. Nghỉ chừng hai tiếng lại gọi nhau dậy, lót bụng bằng bánh mì rồi tiếp tục nổ máy hướng về con đường phía trước.
Từ vùng dịch trở về nên đoàn cũng không giám dừng chân ăn, hay thuê trọ nghỉ, mà chỉ giám nghỉ dọc ven đường", chị Mua nói thêm.
Cách khu vực gia đình chị Mua chừng vài bước chân, anh Sùng Seo Chu (26 tuổi, quê Lào Cai) cùng hai con của chị gái đang đứng đợi xe bus do lực lượng chức năng hỗ trợ những người bị hư, hỏng xe.
Anh cho biết, trên đường hồi hương không may về đến khu vực tỉnh Thanh Hóa xe của anh bị hư, khổng thể di chuyển được. Anh đành nhờ vào sự giúp đỡ của lực lượng chức năng để về quê.
Cầm chiếc bánh mì ăn lót dạ, anh Sùng Seo Chu cho hay, anh vào Bình Dương làm công nhân, nhưng dịch bệnh bùng phát khiến anh bị mắc kẹt trong nhà trọ suốt một thời gian dài. Không có tiền trang trải cho cuộc sống anh đành "cắn răng" về quê, chờ khi nào hết dịch thì vào lại.
"Khi được về, tôi vui mừng không biết phải diễn tả như thế nào. Trước đây, thấy nhiều người đi bộ về quê rất thương, nhưng chưa bao giờ nghĩ bản thân mình cũng có ngày này.
Mặc dù, đi đường dài rất mệt nhưng được trở về quê hương lúc này thì tôi chấp nhận vượt qua. Tính đến nay, đây là ngày thứ 5 tôi rời thành phố, mong rằng đoạn đường còn lại sẽ không gặp khó khăn gì", anh Chu nói.
Ăn vội hộp cơm được đội tình nguyện xe 0 đồng hỗ trợ, anh Già Mí Chung (23 tuổi, quê Hà Giang) cùng vợ là chị Vừ Thị Say (19 tuổi) chia sẻ, hai vợ chồng anh vừa vào TP.HCM làm công nhân được 5 tháng nay, dịch bệnh phức tạp, công ty cho nghỉ việc nên cả hai vợ chồng đều thất nghiệp.
Trong thời gian giãn cách xã hội, cả hai vợ chồng chỉ có thể ở nhà trọ và thức ăn được thành phố hỗ trợ. Trụ không nổi, vợ chồng anh quyết định chạy xe máy về quê.
"Trên đường về quê, chúng tôi chỉ có thể ăn tạm bợ như mì tôm và tiện đâu ăn, ngủ đó. Ban ngày chúng tôi chạy xe, còn ban đêm tranh thủ nghỉ chân vài tiếng. Có những lúc mệt, nhưng dọc đường về được ngành chức năng ở các điểm chốt hỗ trợ thức ăn, nước và sữa. Nhận được sự giúp đỡ của mọi người chúng tôi rất vui và trân quý", anh Chung bày tỏ.
Kiệt sức sau chuyến đường dài, mặt mũi đen nhẻm vì bụi đường chị Vừ Thị Say ngồi bệt xuống bên vệ đường nghỉ ngơi trước khi di chuyển tiếp.
"Chúng tôi về cũng chưa biết khi nào sẽ quay lại TP.HCM. Giờ chỉ mong hai vợ chồng được về nhà an toàn là mừng rồi", vợ anh Chung nói.
Còn rất nhiều trường hợp như vợ chồng chị Mua, anh Chung, họ họ đa số là những người dân tộc thiểu số, đi vào các tỉnh, thành phía Nam để làm việc, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Có nhiều trẻ em từ vài tháng tuổi đến vài tuổi cũng đi cùng bố mẹ.
Hành trình hồi hương dài hàng nghìn cây số là những giấc ngủ vội bên đường, những bữa ăn tạm ổ bánh mì lót dạ, những gương mặt bơ phờ mệt mỏi của người lao động tha hương.
Để được trở về, họ chấp nhận gồng gánh cả nhà về quê với muôn trùng nỗi lo cho cuộc sống mưu sinh sắp tới. Tuy nhiên, họ cần sự an toàn, cần bàn tay hỗ trợ của người thân những lúc túng thiếu… bởi vậy, dù cuộc hồi hương gian truân mấy, họ nhất quyết về quê.
Chia sẻ với CTV Dân trí, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Phó đội trưởng đội CSGT số 8 - Công an TP Hà Nội cho biết: "Ngay sau khi nắm bắt được tin báo có người dân ở phía Nam trở về các tỉnh phía Bắc, đơn vị chúng tôi đã bố trí lực lượng 24/24h chủ động tất cả các hướng và đề xuất thêm các đơn vị hỗ trợ tăng cường và các lực lượng quân đội, y tế, giao thông vận tải, cán bộ của UBND huyện Phú Xuyên, đoàn thanh niên bố trí hỗ trợ giúp bà con nhân dân di chuyển qua TP Hà Nội.
Một số bà con là người dân tộc, nhiều người không biết chữ, sử dụng các phương tiện xe máy đã cũ, nên lượng xe hỏng và bị đuối sức chúng tôi đã tiếp sức bằng những bữa ăn, đồ uống và cho nghỉ ngơi, bố trí xe buýt chở người, các phương tiện hỏng đã được hỗ trợ bằng xe tải chở đến các địa phương tiếp theo. Đến nay đã khoảng 3.000 người đã được chúng tôi tiếp nhận và hỗ trợ di chuyển".