Bỏ tiền túi gần 20 triệu dựng nhà gỗ 2 tầng để cả xóm check-in ngày Tết
(Dân trí) - Mong muốn con hẻm mình đang sống có không khí Tết, bà Hạnh đã khởi xướng xây dựng tiểu cảnh, tự chi gần 20 triệu đồng để thực hiện ngôi nhà 2 tầng bằng gỗ để bà con chụp ảnh.
Những ngày qua, con hẻm nhỏ trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận, TPHCM) náo nhiệt với tiếng cười nói rôm rả của người dân khi chụp ảnh trước tiểu cảnh nhà gỗ do chính những người trong hẻm góp sức thực hiện.
Tiểu cảnh này khá quy mô, có cả tầng trệt và tầng lầu, kinh phí thực hiện gần 20 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Châu Thị Hạnh (SN 1953) - chủ nhân của căn nhà gỗ 2 tầng - cho biết năm nào bà cũng khởi xướng trang trí con hẻm rực rỡ để đón Tết.
Cách đây không lâu, bà có dịp công tác ở vùng cao, thích thú khi nhìn thấy nhà sàn, nhà rông. Cũng từ đó, bà ấp ủ kế hoạch xây dựng tiểu cảnh nhà có 2 tầng để Tết năm nay thêm phần đặc biệt.
Căn nhà gỗ cao hơn 4m, có vách bằng tre, được phun sơn tỉ mỉ. Quanh căn nhà gỗ, các gánh hoa, chậu hoa treo, bánh chưng, bánh tét, câu đối được bố trí đẹp mắt.
Căn nhà được xây dựng và trang trí trong khoảng 10 ngày. Chi phí xây dựng chủ yếu do bà Hạnh bỏ ra. Song, bà Hạnh khẳng định nhờ công sức của người dân trong xóm, công trình này mới hoàn thành chỉn chu, rực rỡ.
"Trong xóm, người góp công, người góp sức, người mua dây đèn đủ màu, người mua thêm hoa trang trí nên tiểu cảnh này mới được rực rỡ như vậy. Căn nhà này có giá trị vật chất không là bao, nhưng những khoảnh khắc hàng xóm bên nhau chẻ tre, dựng vách rồi trang trí mới đáng quý", bà Hạnh nói.
Nhìn người đi đường nán lại căn nhà gỗ tâm huyết của mình chụp ảnh rồi tấm tắc khen, bà Hạnh không khỏi xúc động. Thậm chí, có nhiều cô gái còn mang gùi, mặc quần áo Tây Nguyên đến chụp ảnh, khiến không khí con hẻm trở nên rộn ràng, xôm tụ.
Buổi tối, căn nhà gỗ được lên đèn rực rỡ, người dân trong hẻm quây quần bên nhau trò chuyện, tâm sự, ấm áp tình làng nghĩa xóm.
Bà Hạnh cũng chia sẻ, căn nhà được thực hiện chắc chắn, nên không cần phải tháo dỡ về đêm. Chỉ có những đồ trang trí dễ hư hỏng mới được người dân đem vào nhà bảo quản, đến sáng lại mang ra.
"Ban đêm chúng tôi sẽ cất chiếc thang lên tầng vì sợ trẻ con leo trèo rồi té. Vì là công sức của tất cả người dân trong hẻm, nên ai cũng trân quý tiểu cảnh này", bà Hạnh nói.
Chị Tuyết Mai (SN 1982) - người dân trong hẻm - đã hỗ trợ bà Hạnh hết mình trong quá trình xây dựng và hoàn thiện căn nhà gỗ. Chị cho biết, từ khi căn nhà hoàn thiện, người dân kéo đến chụp ảnh rất nhiều. Thậm chí, chị nhiều lần trở thành thợ chụp ảnh bất đắc dĩ cho những người ghé qua.
"Đàn ông trong xóm là những người thi công chính trong công trình này. Còn tôi buôn bán ở gần đây, nên rảnh rỗi phụ được chút nào hay chút đó. Năm nào con hẻm cũng được trang trí, nhưng năm nay cô Hạnh đã khiến con hẻm trở nên đẹp hơn, lộng lẫy hơn nhiều", chị Tuyết Mai chia sẻ.
Chị Minh Châu - con gái bà Hạnh - cho biết, khi thấy mẹ khởi xướng việc dựng tiểu cảnh, chị rất vui. Chị thường diện những bộ áo dài đẹp, rồi rủ bà con trong xóm lưu lại những tấm ảnh kỷ niệm.
"Nhà có không gian chụp ảnh đẹp như thế, tôi không phải đi đâu xa để chụp hình Tết. Người dân trong xóm cũng rất vui, vì năm nay ai cũng sẽ có những bộ hình chất lượng", chị Châu chia sẻ.