Bí mật cất giấu nhiều năm của ông lão nhặt rác được tạc tượng ở Trung Quốc

Hồng Anh

(Dân trí) - Nghỉ hưu với khoản lương hưu rủng rỉnh nhưng ông Vi Tư Hạo vẫn đi nhặt rác, sống rất tằn tiện. Sau khi ông qua đời vì tai nạn, ba người con bất ngờ tìm thấy một chiếc hộp sắt ông cất giấu nhiều năm.

Đến thăm thư viện Hàng Châu, Trung Quốc, nhiều người sẽ nhìn thấy bức tượng của một người đàn ông được đặt ngay ở cửa ra vào. Phía dưới bức tượng này có khắc dòng chữ: "Ông đã ra đi nhưng tinh thần của ông vẫn mãi ở lại".

Nguyên mẫu của bức tượng không phải là giáo sư hay một nhà khoa học nổi tiếng, đó đơn giản chỉ là một ông lão nhặt rác.

Bí mật cất giấu nhiều năm của ông lão nhặt rác được tạc tượng ở Trung Quốc - 1

Bức tượng của Vi Tư Hạo tại Thư viện Hàng Châu (Ảnh: Sohu)

Ông lão này tên là Vi Tư Hạo sinh năm 1938 ở thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang. Từ khi còn nhỏ, ông đã có niềm yêu thích đặc biệt với sách vở. Cậu bé Tư Hạo khi đó thường đọc đi đọc lại những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng hay những cuốn sách mình yêu thích.

Năm 19 tuổi, ông đỗ vào khoa tiếng Trung, Trường Đại học Hàng Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên cho một trường cấp 2.

Trong những năm tháng dạy học, ông nhiều lần chứng kiến học sinh của mình dù học rất giỏi nhưng buộc phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Điều này khiến ông vô cùng thương cảm, day dứt.

Tuy nhiên, vì lúc đó, mức lương dạy học của ông cũng chỉ đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nuôi vợ con. Thầy giáo tốt bụng này chỉ có thể quyên góp quần áo và trích một số tiền ít ỏi hỗ trợ các học sinh nghèo. Nhiều lúc, ông cảm thấy bất lực, buồn chán vì không thể giúp đỡ được nhiều học trò hơn. 

Năm 1999, trước khi nghỉ hưu, thầy giáo Vi Tư Hạo mạnh dạn đề xuất với hiệu trưởng ý tưởng lập quỹ học bổng giúp đỡ học sinh có thành tích tốt nhưng không thể đến trường. Ông cam kết sẽ góp tiền để duy trì nguồn quỹ. Tuy nhiên, nhìn vẻ ngoài giản dị lại có phần khắc khổ của Tư Hạo, vị hiệu trưởng không tin ông là "người có tiền" nên đã từ chối.

Bí mật cất giấu nhiều năm của ông lão nhặt rác được tạc tượng ở Trung Quốc - 2
Ông Hạo quyết định đi nhặt rác sau khi về hưu (Ảnh: Sohu)

Với mức lương hưu được xem là "hậu hĩnh" thời đó (5.600 tệ, khoảng 20 triệu đồng), đáng lẽ ra Vi Tư Hạo có thể an nhàn tận hưởng những thú vui tuổi già như đánh cờ, nuôi cá… Tuy nhiên, ông lại lựa chọn một cuộc sống hoàn toàn khác. Hàng ngày, ông lão rong ruổi trên khắp các con đường, hàng quán để… nhặt rác.

Việc làm này của ông khiến ba cô con gái vô cùng bất ngờ. Họ kiên quyết phản đối cha mình đi nhặt rác, phần vì lo cho sức khỏe của ông, phần vì không chịu nổi những lời bàn tán xì xào của hàng xóm rằng "con cái ông Hạo bất hiếu nên cha mới phải làm việc cực nhọc ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi".

Các con xin được đón ông về ở cùng để tiện bề chăm sóc nhưng Vi Tư Hạo vẫn quyết sống một mình trong ngôi nhà cũ. Thấy nhà cửa tồi tàn, họ lên kế hoạch sửa sang thì bị cha gạt đi vì cho rằng đó là một việc làm lãng phí. Ông tự nhận thấy cuộc sống như thế ổn rồi.

Con gái lớn của ông Vi từng chất vấn cha vì sao có lương hưu cao nhưng lại luôn tự làm khó mình. Nghe vậy, ông trả lời: "Cha sống một mình, cần gì phải nhiều đồ. Cứ thấy thoải mái là được".

Ông Hạo còn tiết kiệm tới mức chân bị thương cũng không nằm viện mà chỉ lấy bông băng và thuốc tự về nhà băng bó. Sau nhiều tranh cãi, ba cô con gái đành chiều lòng cha, để ông sống theo cách của riêng mình.

Bí mật cất giấu nhiều năm của ông lão nhặt rác được tạc tượng ở Trung Quốc - 3
"Người nhặt rác yêu sách" (Ảnh: Sohu)

Năm 2014, ông Vi Tư Hạo bất ngờ nổi tiếng khắp Trung Quốc sau khi xuất hiện trong một bài báo.

Một phóng viên đến Thư viện Hàng Châu đã bắt gặp cảnh ông Hạo tới đây đọc sách. Hình ảnh ông lão già nua khắc khổ mang trên vai lỉnh kỉnh đồ đạc, chai nhựa, túi bóng, giấy vụn đã gây ấn tượng mạnh với phóng viên.

Trong bài viết đăng trên báo sau đó, phóng viên này kể lại: "Bước vào thư viện, ông Vi Tư Hạo cất đồ đạc gọn gàng, đi đến bồn nước rửa tay sạch sẽ rồi mới cầm đến sách. Tuổi cao, mắt kém, lại không đeo kính nên ông lão phải cúi sát vào sách mới đọc được. Không thể ngờ, một người đàn ông nhặt rác lại nâng niu và trân trọng sách đến như vậy".

Những nhân viên thư viện cho biết, ông lão thường chỉ quan tâm đến báo tin tức, sách văn học và lịch sử. Ông Hạo sau đó nổi tiếng khắp Trung Quốc với biệt danh "người nhặt rác yêu sách". Nhiều bậc cha mẹ còn lấy bức ảnh ông đọc sách trong Thư viện Hàng Châu để truyền cảm hứng cho con cái.

Bí mật cất giấu nhiều năm của ông lão nhặt rác được tạc tượng ở Trung Quốc - 4
Vi Tư Hạo rèn luyện trí não bằng cách đọc sách (Ảnh: Sohu)

Nhiều báo, đài Trung Quốc sau đó đã tìm đến ông xin phỏng vấn. Trong một bài báo, Vi Tư Hạo đã chia sẻ về thói quen đọc sách của mình. Ông nói: "Khi về già não sẽ teo đi, tôi phải thường xuyên nạp năng lượng, rèn luyện trí não bằng cách đọc sách. Đây cũng là chỗ dựa tinh thần của tôi".

Năm 2015, một tai nạn bất ngờ đã cướp đi mạng sống của Vi Tư Hạo khi ông lão đang đi trên đường. Sau khi lo hậu sự cho bố, các con ông đã tới căn nhà cũ thu dọn đồ đạc.

Nhìn cảnh bố sống tằn tiện, họ lại càng thêm xót xa. Trong căn nhà ấy chỉ có một chiếc phản và dăm ba chiếc ghế, còn lại trống trơn. Căn bếp cũng tuềnh toàng với vài ba món đồ cũ kỹ.

Khi thu dọn đồ đạc, các con ông bất ngờ tìm ra một chiếc hộp sắt. Mở nắp ra, họ thấy rất nhiều giấy tờ biên nhận và thư từ. Những giấy tờ này đã giúp họ hiểu được vì sao cha mình lại sống một cuộc sống mà nhiều người cho là "gàn dở" suốt nhiều năm.

Theo giấy biên nhận thì ông lão đã gửi tiền từ năm 1994 với cái tên Ngụy Đình Triệu cho nhiều trẻ em, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Suốt 21 năm, ông đã nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh nghèo. Ông thường giữ liên lạc với những đứa trẻ được mình bảo trợ. Khi bọn trẻ gửi thư tâm sự, ông cũng kiên nhẫn hồi đáp. Có khoảng 300 học sinh đã được ông giúp đỡ.

Bí mật cất giấu nhiều năm của ông lão nhặt rác được tạc tượng ở Trung Quốc - 5

Câu chuyện của ông lão tốt bụng đã truyền cảm hứng cho nhiều người (Ảnh: Sohu)

Trong chiếc hộp sắt, còn có một hồ sơ xin hiến xác của Vi Tư Hạo. Ông mong muốn, sau khi chết, sẽ hiến tặng những gì còn lại của mình cho những người khó khăn.

Bí mật cất giấu nhiều năm của ông lão nhặt rác được tạc tượng ở Trung Quốc - 6
Thư từ, biên nhận trong chiếc hộp bí mật ông lão cất giữ nhiều năm (Ảnh: Sohu)

Khi biết sự thật, ba con gái của Vi Tư Hạo quyết định tiếp nối những dự định còn dang dở của cha. Họ kêu gọi bạn bè, người quen quyên góp tiền để hỗ trợ các học sinh nghèo.

Cảm động trước tấm lòng và tinh thần của Vi Tư Hạo, nhiều người đã đề nghị tạc tượng ông. Họ đã tự đứng ra huy động nguồn kinh phí. Bức tượng của ông lão tốt bụng, nhân từ sau đó được đặt tại Thư viện Hàng Châu cho tới ngày nay.

Theo Sohu