Bị chó tấn công là lỗi của con người

(Dân trí) - Có rất nhiều nguyên nhân khiến loài chó tấn công con người, song phần lớn là do lỗi chủ quan của con người - Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Từ xưa tới nay, chó được coi là loài động vật có trí thông minh vượt bậc và được coi như người bạn thân thiết với con người. Tuy nhiên thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn chó tấn công người, điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo và khiến nhiều người dân lo sợ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y Tế, hàng năm ở nước ta có tới hàng trăm nghìn người bị súc vật, chủ yếu là chó nghi dại cắn. Chỉ riêng năm 2015 đã có tới hơn 394.000 người bị chó cắn phải đi tiêm phòng dại.


Hàng năm ở nước ta có tới hàng trăm nghìn người bị xúc vật, chủ yếu là chó nghi dại cắn

Hàng năm ở nước ta có tới hàng trăm nghìn người bị xúc vật, chủ yếu là chó nghi dại cắn

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chó nghiệp vụ - Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết: Để xảy ra sự việc chó cắn người hoàn toàn là lỗi từ con người, trong đó bao gồm hai nguyên nhân chính sau.

Do các phản xạ bản năng (phản xạ không điều kiện) liên quan đến hành vi tấn công của chó:

- Phản xạ tự vệ (chó bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công sẽ có phản ứng cắn lại).

- Phản xạ săn mồi (chó tưởng người là con mồi, hoặc trong hoàn cảnh nào đó trông giống con mồi thì nó cũng rượt cắn).

- Phản xạ cầm giữ thức ăn (chó sợ bị cướp mồi sẽ có phản ứng tấn công lại).

- Phản xạ con đầu đàn (người chủ nhu nhược hoặc chiều quá, chó tưởng nó mới là chủ thì nó cũng sẵn sàng "dạy cho người 1 bài học" khi cần thiết.

- Phản xạ lãnh thổ (con chó nào cũng xác lập 1 phạm vị lãnh thổ của nó, nếu con vật khác hoặc người lạ nào vào phạm vi này sẽ dễ bị nó tấn công).

- Phản xạ bầy đàn (1 con cắn thì các con khác cũng bắt chước hùa theo cắn).

- Phản xạ sinh dục (nuôi dưỡng bảo vệ con nhỏ của chó mẹ, tranh cướp, bảo vệ con chó cái của chó đực)…

Do các phản xạ có điều kiện liên quan đến quá trình sống và giáo dục của chó:

- Chó được khuyến khích tính hung bạo trong quá trình nuôi.

- Chó được dạy thành thạo các kỹ năng luôn sẵn sàng tấn công người.

- Chó được lai tạo phản khoa học.

Cũng theo Ông Mạnh, nếu thấy chó có các hành vi như nhe răng, gầm gừ hoặc xù lông cổ, quặp đuôi vào bụng, mắt nhìn không bình thường (trợn mắt hoặc lấm lét nhìn) thì người đối diện phản cảnh giác bởi đây chính là các dấu hiệu chó chuẩn bị tấn công.

Để phòng chống bệnh dại hiệu quả, các hộ gia đình nuôi chó cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của cơ quan thú y quy định như đăng ký số lượng chó nuôi UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Chó nuôi không được thả chạy rông, khi ra đường chó phải rọ mõm và có người dắt.

Ngoài ra, bác sĩ thú y Hoàng Ngọc Báu (Long Biên, Hà Nội) còn cho biết: “Theo quy định của Luật Thú Y Việt Nam: chó nuôi phải được tiêm vaccine phòng bệnh dại định kỳ hằng năm do cơ quan thú y địa phương tổ chức. Vaccine phải còn hạn sử dụng, được bảo quản từ 2-7 độ C và tiêm đúng kỹ thuật.

Khi phát hiện chó nuôi của gia đình đã cắn người, chủ nhân cần nhốt chó và theo dõi trong vòng 15 ngày. Tuyệt đối không được giết chết chó ngay. Trong thời gian theo dõi, nếu chó bị nhiễm virus dại sẽ có những triệu chứng ở 2 thể là điên cuồng và câm.

Ở thể điên cuồng, con chó sẽ thay đổi tính tình và dễ bị kích động, sủa liên tục, điên cuồng, cắn xé những thứ nó nhìn thấy, sau đó chó có biểu hiện liệt, chảy dãi, rồi chết do liệt cơ hô hấp. Với thể dại câm, chó sẽ không bị kích động, không cắn sủa mà chỉ gầm gừ và bị liệt cơ hàm hoặc bại nhẹ 2 chân sau, chảy dãi, há miệng.

Dù chó bị dại có những triệu chứng ở thể điên cuồng hoặc thể dại câm thì chúng đều chết sau vài ngày xuất hiện triệu chứng”.

Xử trí khi bị chó cắn

Người bị chó cắn cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới nước lạnh nhằm làm giảm tối thiểu lượng vi-rút xâm nhập. Băng hờ vết thương lại và đến các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng bệnh Dại và bệnh Uốn ván.

Trường hợp bị chó, mèo đã được tiêm phòng dại cắn: Nếu chó mèo cắn vào các vị trí nguy hiểm như vùng mặt, đầu, bộ phận sinh dục… thì cần được tiêm phòng ngay. Vì đây là những vị trí vi-rút dại dễ tấn công vào hệ thần kinh trung ương và gây tỷ lệ tử vong cao.

Nếu bị cắn ở vùng tay, chân thì cần theo dõi con vật trong 10 ngày, nếu nó bị chết thì cần tiêm phòng ngay. Nếu vật nuôi vẫn khỏe mạnh bình thường thì có thể không cần tiêm phòng dại.

Trường hợp bị chó, mèo chưa được tiêm phòng cắn: Người bị cắn cần đi tiêm phòng dại ngay và kết hợp với việc quan sát con vật trong vòng 10 ngày. Nếu con vật không chết thì có thể ngừng tiêm phòng hoặc chuyển từ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm thành trước phơi nhiễm.

Nhữ Trang