Bí ẩn động Ma và những quan tài cổ

Khoảng 200 cỗ quan tài cổ được treo bung biêng trong một cái hang mà tiếng Thái bản địa gọi là động Ma. Quan tài làm bằng thân gỗ quý khoét rỗng. Dăm bảy cái động bên cạnh hang Ma cũng được đám thợ săn hốt hoảng trông thấy la liệt toàn... quan tài.

 

Không biết từ quan niệm nào, và bằng con đường nào mà hàng trăm cỗ quan tài có thể "bay" lên các vách núi tai mèo cao hàng trăm mét ấy?

 

Khám phá động Ma

 

Động Ma thuộc xã Hồi Xuân, cách TP.Thanh Hoá 140km, nằm giữa mây mù trên núi đá tai mèo cao vòi vọi.

 

Ngay cửa hang là la liệt quan tài. Quan tài làm bằng thân gỗ lớn, khoét hình thây người với hai đầu nhỏ thon dần, khúc giữa phình to; hai đầu khúc gỗ khoét có hai cái núm như chuôi vồ (có thể dùng để khiêng), tiếng Thái gọi là phần chuông hậu.

 

Mỗi mảnh quan tài thể hiện rõ những khấc gỗ dùng để ghép hai nửa thân gỗ đã khoét với nhau (sau khi đã đặt thi hài người quá cố vào). Vật đem chôn sẽ nguyên bản như một thân cây khi nó đang đứng trong rừng.

 

Hầu như không có cỗ quan tài nào còn nguyên vẹn hai phần thân gỗ khum khum úp vào nhau. Mỗi phần của cỗ quan tài nằm như một con thuyền độc mộc. Chỏng chơ. Nhiều mảnh quan tài vỡ vụn, mục ruỗng, rêu mốc xanh rì.

 

Tại lòng hang thứ ba, dễ đến 50 cỗ quan tài nữa hiện ra. Quan sát kỹ, có thể thấy giàn giáo đặt quan tài (lên tầng 2) được làm rất công phu. Cột gỗ dựng từ lòng hang, chằng với các thanh dầm húc sâu vào các vách đá, vững chãi.

 

Tìm lời giải

 

Người ta tranh luận, nên gọi là động táng hay là "thiên táng", bởi rõ ràng, quan tài được treo trong không gian động, chứ không chôn vùi gì.

 

Hầu như không thấy những cỗ quan tài úp vào nhau thành một thân cây hình tròn khiến nhiều người đặt vấn đề: Hay thuở ấy, người ta chôn người chỉ có bằng một nửa thân gỗ khoét rỗng? Người chết nằm trong các thớ gỗ như nằm trong một chiếc nôi, treo trong động "thiên táng"?

 

Tất nhiên, phần chưa thể lý giải được là: Xuất phát từ quan niệm nào mà người xưa lại đem thi thể người chết lên tận những hang động cao và hiểm trở nhất khu vực để chôn, mà không phải là chôn dưới đất hay dưới chân núi chẳng hạn? Làm thế nào người xưa mang được những cỗ quan tài khổng lồ bằng thứ gỗ đứng vào hàng tứ thiết kia lên động Ma (và các động hiểm trở khác)?

 

Theo phỏng đoán, có thể người ta đã làm những sạn đạo, tức là buộc dây buộc gỗ thành được những cái thang nằm ngang, ngoắt ngoéo mãi lên đỉnh núi để đám đô tuỳ có thể khiêng quan tài đi được.

 

Và - vẫn là giả thiết "sạn đạo" ấy giờ đã đổ sụp, hoặc sau khi động đầy quan tài, bà con đốt "sạn đạo" để vĩnh viễn các ngôi mộ thiên táng được ngủ yên trước thế sự... tò mò?

 

Một giả thiết rất có lý cho rằng: Có ai đó, có thể theo bản đồ, gia phả, họ đã đến và thâu lượm xương cốt người quá cố rồi mang đi cả. Chứ không có tên trộm nào, con thú nào, hay sự tàn phá nào có thể làm cho những bộ xương bị biến mất một cách nhanh chóng và trọn vẹn đến thế.

 

Theo tài liệu nghiên cứu đang lưu giữ ở Viện Khảo cổ học mang ký hiệu HS 410 của hai nhà khảo cổ Bùi Văn Liêm và Nguyễn Gia Đối, thì bước đầu bí ẩn động Ma đã được "giải ảo".

 

Về các mộ táng được đặt và treo trong hang Lũng Mu, các tác giả đã đếm được ít nhất 75 cỗ quan tài. Bên cạnh hang Lũng Mu, có hang Ko Phày cũng phát hiện 10 cái nữa. Tiếp đến là hang Pha Ké đã phát hiện 5 hang - mái đá có đặt và treo cả một hệ thống với gần 20 cỗ quan tài (trong đó có nhiều quan tài nhỏ xíu, có thể dành để mai táng trẻ em xấu số).

 

Cũng trong tài liệu trên: "Những quan tài phát hiện trong hang và mái đá ở Quan Hoá có hai mốc niên đại: Mốc thứ nhất, mộ đất thời đại kim khí, di vật tiêu biểu là những mảnh nồi vò Đông Sơn và những con ốc biển phát hiện ở hang Pha Ké 1; mốc thứ hai, khu mộ táng quan tài thân cây có thể có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, di vật tiêu biểu là hàng trăm quan tài gỗ (...).

 

Điều tra dân tộc học quanh vùng cho thấy, người hiện nay là người Mường và người Thái ở Quan Hoá vẫn dùng những quan tài tương tự như đã phát hiện trong hang.

 

Theo các cụ cao niên thì từ rất xa xưa, người Mường và người Thái định cư ở Quan Hoá vẫn dùng quan tài từ thân cây. Từ một thân cây gỗ lớn, có thể là gỗ bi hoặc vàng tâm. Sau khi cưa cắt cẩn thận, họ dùng rìu, nêm, bổ đôi khoét vũm lòng gỗ tạo thành chiếc quan tài. Hiện nay, đa số người Mường, người Thái ở Quan Hoá vẫn có những quan tài bằng thân cây khoét để dự trữ cho người thân khi quá cố đặt dưới nhà sàn.

 

Và, hai nhà nghiên cứu đưa ra kết luận: "Từ những lý do trên, chúng tôi cho rằng chủ nhân của những khu mộ táng trong hang động và mái đá ở Hồi Xuân, Quan Hoá có quan hệ mật thiết, quan hệ họ hàng với hai dân tộc Mường, Thái ở Quan Hoá hiện nay".

 

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm