"Báu vật" làm từ những tàn tích của chiến tranh

Nhật Anh

(Dân trí) - Với tình yêu âm nhạc, già làng Hồ Cu Chảnh, người dân tộc Pa Cô ở Quảng Trị đã biến phế liệu chiến tranh thành nhạc cụ. Trong đó có cặp xar làm từ nắp bom bi, gắn bó với cụ Chảnh hơn 50 năm...

Dùng búa đập nắp bom bi làm nhạc cụ

"Tiếng hát hòa với tiếng khèn, tiếng đàn sẽ xua tan mệt mỏi, tạo niềm vui trong cuộc sống. Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Pa Cô, đặc biệt là khi diễn ra lễ hội. Tôi có nhiều loại nhạc cụ, nhưng độc đáo nhất vẫn là cặp xar, làm từ nắp bom bi", cụ Chảnh chia sẻ.

Cụ Hồ Cu Chảnh (87 tuổi) là già làng của bản Kỳ Tang, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Cụ Chảnh là người yêu âm nhạc và có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc.

Báu vật làm từ những tàn tích của chiến tranh - 1

Già làng Hồ Cu Chảnh chia sẻ về nhạc cụ làm từ nắp bom bi, gắn bó với mình hơn 50 năm (Ảnh: Đức Tài).

Vị già làng này còn sở hữu một nhạc cụ hết sức đặc biệt, đó là xar (tiếng Pa Cô), cách chơi như chập cheng. Cặp xar này gắn bó với cụ Chảnh đã 50 năm, là kỷ niệm tuổi trẻ và được vị già làng xem như báu vật.

"Lúc trẻ đi bộ đội ở khu vực A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế), tôi nhặt được những nắp bom bi. Vì yêu âm nhạc, tôi dùng búa tán những nắp này ra, tạo thành loại nhạc cụ có cách chơi như chập cheng, cùng các đồng đội hòa ca sau những giây phút mệt mỏi", cụ Chảnh nhớ lại.

Chiếc xar do cụ Chảnh tái chế từ nắp bom bi, ở giữa được đục lỗ rồi dùng dây để buộc chúng lại với nhau. Theo cụ Chảnh, thông thường chập cheng được làm bằng đồng, nhưng cái của cụ được làm bằng nhôm nên cho ra một âm thanh khác biệt, vang và thanh thoát hơn.

Sau chiến tranh, cụ Chảnh trở về với bản làng, tiếp tục tình yêu âm nhạc. Năm 1992, cụ cùng một số người biết chơi nhạc cụ dân tộc đã lập nhóm để phục vụ các lễ hội của bản làng, vừa phát huy giá trị văn hóa dân gian.

Báu vật làm từ những tàn tích của chiến tranh - 2

Già làng Hồ Cu Chảnh và bà con Pa Cô hòa mình vào âm nhạc với các loại nhạc cụ truyền thống (Ảnh: Đức Tài).

"Mỗi lần trong cộng đồng người Pa Cô có dịp tổ chức các lễ hội truyền thống, nhóm chúng tôi sẽ đến để chơi nhạc cụ. Người thổi khèn, người thổi tù và, người hát, tôi đảm nhiệm vai trò gõ xar và nhạc trưởng. Thỉnh thoảng chúng tôi còn tham gia biểu diễn trong các chương trình do xã, huyện tổ chức", cụ Chảnh chia sẻ.

Nhạc cụ được chế từ xác bom, vỏ máy bay

Từ câu chuyện của cụ Chảnh, chúng tôi còn biết đến một người đàn ông dân tộc Vân Kiều có bộ sưu tập nhạc cụ dân tộc hết sức độc đáo. Anh là Hồ A Chõ (46 tuổi), trú xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Với niềm đam mê với âm nhạc và nhạc cụ dân tộc, anh Chõ đã sưu tầm, chế tác nhiều loại nhạc cụ hết sức độc đáo. Trong đó có 3 chiếc đàn làm từ vỏ máy bay, xác bom MK-82.

"Tôi sưu tầm những món đồ này từ năm 2017, trong bộ sưu tập có 3 cây đàn a chung, thường được biết đến là đàn ta lư, tôi đặt nghệ nhân làm từ năm 2005. Đàn được làm từ xác bom, vỏ máy bay, những cây đàn này hết sức quý giá đối với tôi", anh Chõ chia sẻ.

Để làm được một cây đàn từ phế liệu chiến tranh, anh Chõ lặn lội khắp nơi thu mua vỏ bom, đạn... rồi đưa về cho nghệ nhân chế tác thành đàn.

Theo anh Chõ, để làm được một cây đàn a chung có tiếng hay, vang thanh thì nhất định phải là loại nhôm nguyên chất mà trước đây được sử dụng để làm bom, đạn, các loại nhôm đang có trên thị trường khó để làm ra được một cây đàn hay.

Báu vật làm từ những tàn tích của chiến tranh - 3

Anh Hồ A Chõ (bên phải) có niềm đam mê đặc biệt với nhạc cụ dân tộc (Ảnh: Đức Tài).

Như chiếc xar của cụ Chảnh, đàn a chung được sử dụng để hòa nhịp và biểu diễn trong các dịp lễ hội quan trọng, đặc biệt với người Vân Kiều là Lễ hội Mừng lúa mới.

Bên cạnh 3 cây đàn được anh Chõ xem như báu vật, trong "bảo tàng" tại gia của mình, người đàn ông Vân Kiều còn trưng bày nhiều loại nhạc cụ khác như: khèn, sáo pi, cồng chiêng hay cả những vật dụng được người Vân Kiều - Pa Cô sử dụng trong đời sống thường ngày.

"Tôi làm ra không gian này với mong muốn giữ gìn, bảo tồn những giá trị đẹp của người Vân Kiều - Pa Cô, hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người trẻ có đam mê với nhạc cụ dân tộc, tiếp nối với thế hệ trước để bảo vệ văn hóa cộng đồng", anh Chõ cho biết thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm