Quảng Nam:
Bánh ú tro truyền thống tất bật vào vụ Tết Đoan Ngọ
(Dân trí) - Tết Đoan Ngọ, các cơ sở làm bánh ú tro truyền thống tại Quảng Nam lại tất bật vào vụ. Người gói bánh, rửa lá, vuốt nếp… chạy đua cùng thời gian để cho ra những mẻ bánh thơm ngon...
Trên mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Quảng Nam – Đà Nẵng ngoài hoa quả, xôi, chè, rượu nếp thì một sản vật không thể thiếu là bánh ú tro.
Bánh ú tro được làm từ gạo nếp quê ngâm với tro (tro đốt từ cây mè) đã được lọc sạch lấy nước. Nếp sau khi ngâm, nếp có màu hơi ngả vàng. Lá dùng để gói bánh là lá kè (lá cây đót) được đặt mua từ vùng núi cao Phước Sơn, Đông Giang… Lá đem về sẽ được luộc qua, rồi cắt gọn.
Bánh khi gói phải đều và chắc tay, đảm bảo sau khi luộc không bị vỡ lá, có hình tam giác đẹp mắt. Thời gian để cho nếp đủ nhừ và hòa quyện với tro và màu lá khoảng 6 tiếng. Sau đó, bánh được vớt để ráo và chờ thương lái đến mang đi tiêu thụ.
Đến hẹn lại lên, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5 âm lịch, khắp nơi ở Hội An nhà nhà rộn ràng bước vào mùa làm bánh ú tro. Cùng với những món ăn ngon khác ở địa phương, bánh ú tro đã góp phần minh chứng cho câu nói “Hội An trăm vật trăm ngon”.
Đã hơn 40 năm trôi qua, cứ đến đầu tháng 5 nhà bà Phan Thị Phương Sen (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, Hội An) lại nhộn nhịp người ra vào.
“Đây là nghề truyền thống của ông bà để lại. Bánh ú tro Hội An có vị thơm ngon đặc trưng, hương vị đậm đà nên được nhiều người ưa chuộng. Mỗi ngày cơ sở của tôi gói nấu khoảng vài chục nghìn bánh, xuất đi Tam Kỳ, Đà Nẵng….”, bà Sen chia sẻ.
Làng Tân Phong (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), một trong những làng nghề sản xuất bánh truyền thống của huyện Duy Xuyên, những ngày này lại tất bật sản xuất bánh ú tro. Theo nhiều người dân tại đây cho biết, họ làm bánh quanh năm, đến Tết Đoan Ngọ hay Tết Nguyên đán thì có thêm các loại bánh đặc trưng phục vụ nhu cầu thị trường.
Thôn Tân Phong hiện có hơn 120 hộ dân chuyên làm bánh ú tro bán Tết Đoan Ngọ, vào dịp này thu nhập bình quân của mỗi hộ khoảng 15 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu ở các địa phương lân cận như Quế Sơn, Đại Lộc, Điện Bàn, Thăng Bình và TP Đà Nẵng, Tam Kỳ.
Theo chị Hiệp (làng Tân Phong, xã Duy Châu), gia đình chị có truyền thống làm bánh hơn 40 năm. Bình thường gia đình thường sản xuất các loại bánh truyền thống của Quảng Nam, đến dịp Tết Nguyên Đán thì có thêm các loại bánh in, nổ, bánh da…. Đặc biệt dịp Tết Đoan Ngọ, bánh ú tro được sản xuất và tiêu thụ mạnh nhất. Thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.
“Năm nay, gia đình tôi dự định xuất bán khoảng 34.000 bánh ú tro, giá bán sỉ 12.000 đồng/chục. Cái khó của năm nay là khó kiếm lao động gói bánh, bởi hè năm nay học sinh không được nghỉ và nhiều người đều đi làm công ty, xí nghiệp, sản lượng bánh gói ra cũng giảm khá nhiều”, chị Hiệp chia sẻ.
Cơ sở sản xuất bánh Minh Thúy (làng Tân Phong) cũng rộn ràng tiếng nói cười, không khí lao động hăng say. Người gói, người rửa lá, nấu bánh…. tất bật chạy đua cùng thời gian.
Theo chủ cơ sở cho biết, trung bình tại đây tiêu thụ hơn 30.000 bánh ra thị trường dịp Tết Đoan Ngọ. Tại đây sản xuất hai loại bánh là bánh ú tro không nhân và bánh có nhân đậu đen gọi là tào xá.
“Nghề này của ông cha để lại nên mình cố gắng duy trì. Tuy nhiên, hiện nay cái khó nhất là tìm nguyên liệu lá đót để gói bánh. Bởi những năm qua, người ta khai thác đất đá trên núi khá nhiều nên loại nguyên liệu này cũng dần khan hiếm. Một phần chúng tôi tìm kiếm trên núi, một phần thì trồng sẵn trong nhà để bổ sung khi thiếu”, chủ cơ sở cho biết.
Làng Hoán Mỹ (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), hiện có hơn 70 hộ làm nghề gói bánh ú tro dịp Tết Đoan Ngọ và các dịp ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng. Song dịp Tết Đoan Ngọ và tết cổ truyền, lượng bánh tiêu thụ nhiều gấp 100 lần.
Ông Lê Phước Thảo (người dân làng Hoán Mỹ) cho biết: “Nếu đặt trễ quá thì không có bánh để mua. Nhiều người ở làng làm bánh bán sỉ, chỉ giữ ít để bỏ mối cho khách quen và sử dụng trong gia đình. Cứ mấy ngày gần Tết Đoan Ngọ, tôi phải thuê người gói bánh mới kịp giao cho khách. Mặc dù bận rộn nhưng ai nấy đều hào hứng vì bánh rất hút hàng. Đây là nghề truyền thống từ bao đời nên chúng tôi rất trân trọng, giữ gìn”.
Dù trải qua biết bao giai đoạn lịch sử nhưng người dân xứ Quảng vẫn cố gắng giữ gìn, duy trì nghề làm bánh ú tro truyền thống vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Đây không chỉ là nghề giúp cải thiện thêm thu nhập, mà còn là văn hóa ẩm thực lưu truyền bao thế hệ, đặc trưng của người dân Quảng Nam.
Công Bính-Ngô Linh