Bảng tiêu Tết 10 triệu của gia đình ở TPHCM, nguyên tắc chia tiền vào giỏ
(Dân trí) - Kinh tế khó khăn hơn mọi năm nên năm nay chị Yến Vy (ngụ tại TPHCM) dự kiến sẽ thắt chặt chi tiêu hơn. Bà nội trợ dự kiến sẽ gói ghém một cái Tết trong khoản tiền hơn 10 triệu đồng.
Chi tiêu ngày Tết tốn kém nhất khoản lì xì
Khi dịp Tết Ất Tỵ đang tới gần, chi tiêu ngày Tết đang trở thành chủ đề đặc biệt thu hút người xem với lượng tương tác lớn. Bên cạnh những bài viết chia sẻ về áp lực chi tiêu ngày Tết, có những người khẳng định, Tết không nên "biến dạng" thành nỗi lo nếu biết cách vun vén hợp lý.
Chị Yến Vy (34 tuổi, ở TPHCM) cho biết, năm nay kinh tế khó khăn hơn nên hai vợ chồng sẽ thắt chặt hầu bao. Bà nội trợ dự kiến gói ghém một cái Tết đủ đầy trong khoản tiền trên 10 triệu đồng.
Nhà nội của chị Vy ở TPHCM trong khi bên ngoại tại Bến Tre. Hai vợ chồng dự kiến ngày 29 Âm lịch sẽ về bên ngoại rồi mồng 3 Tết trở lại TPHCM để ăn Tết bên nội.
"Với tôi, khoản chi tiêu Tết nặng gánh nhất vẫn là tiền lì xì. Tôi dự kiến sẽ biếu bố mẹ hai bên khoảng 6 triệu đồng và mừng tuổi cho các cháu. Dù có thể cắt giảm các khoản, nhưng chi phí này chỉ nên giữ nguyên hoặc tăng thêm", chị Vy chia sẻ.
Do về ăn Tết ở 2 nhà nên chị Vy dự kiến sẽ đưa thêm cho mỗi bên khoảng 2 triệu đồng để mua sắm thực phẩm, đồ uống. Chị dự kiến chi khoảng 1,5 triệu đồng cho mua sắm quần áo, làm đẹp và mua chậu cúc vạn thọ để chưng Tết.
Do theo Công giáo nên những ngày Tết gia đình sẽ đi lễ nhà thờ, không nặng nề chuyện làm cỗ bàn, cúng bái lễ Tết.
Thay vào đó, các món ăn ngày Tết cũng đảm bảo tiêu chí ngon lành, vừa đủ, tránh tình trạng thừa mứa lãng phí. Trước Tết, gia đình sẽ nấu một nồi thịt ba rọi kho trứng vịt lộn đủ ăn trong 3 ngày.
Mồng 1 Tết là dịp các thành viên quây quần bên nhà ngoại rất đông. Cả nhà cùng nhau ăn gỏi cuốn tôm thịt, chả giò, lạp xưởng, bánh tét với hy vọng may mắn cả năm. Bữa cơm ngày mồng 2 không thể thiếu canh khổ qua. Tới ngày mồng 3, gia đình chị lên TPHCM để chúc Tết nhà nội.
Làm dâu 7 năm nhưng chị Vy cho biết ngày Tết không bị áp lực chi tiêu đè nặng do nhận được sự cảm thông hỗ trợ từ hai bên gia đình. Theo kinh nghiệm của mình, chị thường liệt kê các khoản cần chi, lên danh sách phân bổ để phân chia các khoản tiền sao cho không bị tiêu quá hạn mức.
Cắt giảm chi tiêu, ưu tiên đồ thiết yếu
Nếu như mọi năm, anh Quang Thanh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sẵn lòng chi 60-70 triệu đồng để đón Tết, thì năm nay hai vợ chồng đã sớm ngồi lại bàn bạc với nhau để đưa ra phương án chi tiêu tiết kiệm, hợp lý.
"Chúng tôi thống nhất sẽ giảm bớt những chi phí mang tính hình thức, trang trí nhà cửa như mua sắm cây quất cành đào thật hoành tráng, đi du lịch chơi Tết. Thay vào đó, vợ tôi lên danh sách, chọn ưu tiên những mặt hàng thiết yếu, tập trung đáp ứng nhu cầu thực phẩm Tết", anh Thanh nói.
Ngày 23/1 sau khi nhẩm tính khoản thưởng Tết của hai vợ chồng được gần 40 triệu đồng, chị Thu Bình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa ra tiêu chí ăn tiêu vừa đủ cho gia đình, tránh tình trạng "phóng tay" như năm ngoái.
"Năm trước, riêng tiền thưởng của cả hai trên 60 triệu đồng. Trong đó, tôi thường dành 30 triệu đồng biếu hai bên nội ngoại, thêm tiền lì xì cho các cháu khoảng 15 triệu đồng.
Chưa kể các khoản như mua sắm thực phẩm, trang hoàng nhà cửa nên cảm giác bao nhiêu cũng không đủ. Tình hình kinh tế năm nay có thể khó khăn hơn và không muốn rơi vào cảnh ra giêng đã hết tiền, tôi phải tìm cách thắt chặt hầu bao", chị Bình nói.
Cụ thể, bà nội trợ 35 tuổi dự kiến sẽ tập trung vào các nhóm hàng thiết yếu ở mức độ vừa phải, đơn giản hơn mọi năm. Chị tính toán mua nhóm hàng thiên về chăm sóc sức khỏe còn vật phẩm để tặng quà Tết chỉ mua vừa phải, đủ dùng.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, đây cũng là tâm lý chung của nhiều bà nội trợ khi mua sắm Tết năm nay.
Xu hướng mua sắm năm nay được nhận định nhìn chung theo hướng tiết kiệm với những mặt hàng được ưa chuộng vẫn là đồ thiết yếu của nhóm thực phẩm, đồ uống được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết. Nhóm hàng mang tính trang trí hình thức, gần như bị cắt giảm.