Ba thế hệ nuôi một giấc mơ “lên bờ”
(Dân trí) - Ba thế hệ sống hàng chục năm trên ghe ven sông, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên chưa một lần được sống trên bờ. Vẫn mãi mơ được "lên bờ", để không chật vật dưới cái nắng đổ lửa hay cơn mưa, gió lốc…
Xóm “Việt kiều” bơ vơ ở bến sông…
Tha phương, lập nghiệp tại Campuchia, những hộ dân trong xóm nghèo Bến Lức, Quận 8 trở về quê hương hơn 10 năm nhưng không một ai có một mảnh giấy tùy thân. Những người dân trong xóm gượng cười khi người ta gọi họ là “xóm Việt kiều”, cái tên xa xỉ ấy dường như không dành cho con người nơi đây bởi cuộc sống nghèo khó, bấp bênh bám lấy họ từ nhiều năm qua. Trong từng ánh mắt không còn sáng lên khi nhắc đến ước mơ và tương lai khi cuộc sống hiện tại còn quá nhiều vất vả, bấp bênh.
Những mảnh đời cơ cực, chênh vênh!
Lần đầu tới “làng Việt kiều” tại Rạch Cát - Bến Lức - Quận 8 - TPHCM, tôi không khỏi ngỡ ngàng chứng kiến những đứa trẻ bước vội trên chiếc cầu ván lỏng lẻo, liêu xiêu nối với những chiếc ghe cũ kỹ. Ít ai biết được, những chiếc ghe là nơi sinh sống của 7 hộ gia đình vốn cũng là bà con, họ hàng thuộc 3 thế hệ.
Mọi người trong xóm là dân làm ăn từ Campuchia về An Giang, sống với nghề buôn bán trái cây rồi dạt ra Sài Gòn, người trẻ làm công nhân, người già đi vớt mủ, ve chai. Trước đây, trong xóm có hơn 50 người nhưng dần tách ra rồi mất liên lạc.
Hơn 10 năm bám trụ tại các bến sông ở Sài Gòn, từ thế hệ ông bà, người lớn tuổi nhất xóm nhưng không một ai có hộ khẩu, giấy tùy thân. Thế nên, 3 thế hệ sinh sống ở đây chỉ có giấy tờ của Campuchia mà lại không có giấy tùy thân do cơ quan chức năng của Việt Nam cấp, nên không có quyền công dân. Các bé đi học chữ viết, văn hóa miễn phí tại nhà thờ tại địa phương.
“Chúng tôi sống ở Bến Lức hơn 3 năm, trước kia chúng tôi đóng ghe tại khu chợ Bình Điền, sau đó người ta quy hoạch nên phải xuôi xuống dưới đây. Cách đây nhiều năm, chúng tôi sống ở ở Tri Tôn, tỉnh An Giang, mọi người sống trên bè ở ven sông cũng hơn 30 hộ. Nhưng nhưng sau vài năm thì họ đi nơi khác. Giờ khu này chỉ còn 7 hộ. Mỗi gia đình có 7 - 9 người. Đến tôi bây giờ còn không biết mình chính xác bao nhiêu tuổi nữa. Vì tôi bị ung thư, uống nhiều thuốc, đầu óc không còn minh mẫn.
Ở đây một hộ sống trên một ghe, đôi khi thì hai hộ ở chung nếu ghe kia bị hư hay tốc mái do mưa gió. Cách đây vài tháng, chính quyền có hỗ trợ thuê phòng trọ trên bờ ở nhưng chỉ cầm cự được vài tháng bởi số tiền hỗ trợ để thuê 7, 8 phòng trọ, mỗi phòng chỉ rộng hơn 10m2 có giá 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, rất khó khăn để chúng tôi chi trả cho cuộc sống trên bờ. Mọi người xuống ghe ở lại, nhưng vẫn phải thuê một phòng trọ để câu điện và nước sinh hoạt xuống xóm ghe. Vì nếu không thuê thì người ta không cho mình dẫn điện xuống”, bà Mai, người sống trong xóm hơn 40 năm qua chia sẻ.
Sài Gòn vào những thời điểm nóng như đổ lửa, bước chân ra đường ai cũng mong chỉ được về nhà mở điều hòa, máy quạt “hạ hỏa”. Điều tưởng chừng rất đơn giản với nhiều người, nhưng với dân xóm nghèo nó trở thành ước mơ ngoài tầm với.
Đối với những người dân trong xóm, mùa hè nóng “cháy da cháy thịt” cũng không sợ bằng mùa mưa. Nóng thì họ chịu được nhưng mỗi khi có mưa kèm với gió mạnh thì y như rằng, đêm ấy cả xóm “mất ngủ”.
Những chiếc ghe nằm trơ trọi, lênh đênh trên mặt nước đã rung lắc dữ dội mỗi khi có thuyền chở cát, tàu bè chở hàng hóa đi qua. Vậy nên những lúc mưa to, nước tạt khắp nơi, đôi khi gió thổi khiến thuyền lật úp, bay mái là điều thường xuyên xảy ra. Cuộc sống với nhiều nỗi lo toan, chật vật vẫn luôn kéo dài, từ năm này qua năm nọ, từ thế hệ ông bà đến cha mẹ, giờ đây, nỗi trăn trở nhất là những đứa trẻ được sinh ra trong xóm nghèo “Việt kiều” rồi sẽ đi về đâu…
Ba thế hệ chỉ nuôi một giấc mơ “lên bờ”
Nói chuyện với chúng tôi là anh Thành năm nay 30 tuổi, thuộc thế hệ thứ 2 của “xóm Việt kiều”. Thu nhập chủ yếu của những người trẻ như anh là làm lao động phổ thông tại ở các khu công nghiệp vì họ không đòi hỏi bằng cấp, giấy tờ.
Còn người già thì đi vớt ve chai ven sông, cuộc sống bấp bênh khổ cực do người có sức lao động lại ít hơn những người không thể đi làm vì ốm yếu, bệnh tật. Nên số tiền kiếm được cũng chỉ để chi trả cuộc sống, gia đình anh có nhiều người đi làm nhất nhưng lại khó khăn hơn các hộ khác vì con trai anh mắc bệnh hiểm nghèo. Tiền kiếm được hàng tháng không thể thay đổi được chất lượng cuộc sống, mọi thứ cứ lặp đi lặp lại như vậy hàng chục năm qua.
“Một ngày công của tôi được 250 ngàn đồng nhưng mùa dịch thì không có việc, công việc không có, còn đi vớt ve chai cũng chỉ được khoảng được 40 - 50 ngàn đồng. Tôi và vợ đều đi làm nhưng cuộc sống cũng không được thoải mái hơn là bao nhiêu, có khi còn chật vật hơn do con trai tôi bị bướu cổ, chi phí điều trị hằng tháng có khi còn cao hơn thu nhập của cả nhà. Tuy biết rằng sống ở ven sông như thế này là không được, nhưng chính quyền cũng cho phép mình ở vì mọi người không có khả năng thuê phòng trọ”.
"Từ khi còn nhỏ, tôi đã ao ước về ngôi nhà trên bờ. Tôi cũng thắc mắc sao cha mẹ mình lại ở bến sông nhưng đến khi lớn lên tôi mới thấu hiểu được, chúng tôi luôn cố gắng để thoát khỏi những chiếc ghe, nay đây mai đó nhưng vì là những người không giấy tờ, không gốc gác nên việc lên bờ trở thành ước mơ mà có lẽ 3 thế hệ cũng không bao giờ với tới được”, anh Thành tâm sự.
Bài & ảnh: An Khê