Bà Rịa - Vũng Tàu: Thỏi nam châm hút đầu tư FDI vùng Đông Nam Bộ
(Dân trí) - Với loạt chính sách rộng mở thu hút FDI, Bà Rịa - Vũng Tàu được dự đoán sẽ là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài rót nguồn vốn dồi dào trong tương lai.
Điểm sáng hút vốn FDI
Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng, Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước. Đây cũng là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI.
Nằm ở vị trí cửa ngõ giao thương hàng hải của khu vực miền Đông Nam Bộ, sở hữu một trong 20 cảng biển nước sâu có thể đón các siêu tàu container lớn nhất thế giới hiện nay cùng hệ thống hạ tầng phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa điểm ưa thích hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều dự án lên đến hàng tỷ USD được "rót" vào đây.
Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút 20 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 751 triệu USD (tăng hơn 481 triệu USD so cùng kỳ), nâng tổng dự án FDI lên con số 457 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31,433 tỷ USD, theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó có 284 dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 13,738 tỷ USD, 173 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17,695 tỷ USD.
Đặc biệt, rất nhiều cái tên nổi tiếng thế giới mạnh tay đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Australia), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Vard (Na Uy)...
Con số này thể hiện sự quyết tâm, hành động quyết liệt của doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương trong việc tạo ra hành lang cởi mở, thông thoáng, hấp dẫn với những điều kiện tốt nhất để thu hút vốn đầu tư.
Đột phá cải cách hành chính cho tầm nhìn phát triển bền vững
Thời điểm cuối năm 2023, 3 dự án trọng điểm của quốc gia tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động vận hành thử nghiệm. Đó là tổ hợp hóa dầu Long Sơn, kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải và cảng cạn Phú Mỹ. Đây đều là những dự án có sức lan tỏa, đóng góp lớn cho nền kinh tế và thu hút nguồn vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trở lên.
Cụ thể, tổ hợp hóa dầu Long Sơn 5 tỷ USD vốn đầu tư Thái Lan, kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) nhận 1,3 tỷ USD vốn Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc. Bên cạnh đó là hàng loạt dự án khác đang được quyết liệt triển khai.
Để có được những con số thống kê ấn tượng trên, công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt từ những người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị của Bà Rịa - Vũng Tàu là yếu tố mắt xích.
Tỉnh không chỉ tạo ra hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính tin tưởng và mạnh dạn đầu tư mà còn liên tục nghiên cứu, chủ động áp dụng những giải pháp đổi mới để cải cách hành chính.
UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của tỉnh (997) để tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, từ đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả để doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm thực hiện các dự án trọng điểm.
Để sẵn sàng đón các nhà đầu tư lớn lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm điểm đến đầu tư lý tưởng, tỉnh tập trung phát triển hệ thống giao thông hiện đại như các dự án du lịch dọc tuyến đường ven biển từ thị xã Phú Mỹ, TP Vũng Tàu đến huyện Xuyên Mộc, các tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An… Tỉnh cũng chuẩn bị đầu tư tuyến đường Vành đai 4, các tuyến quốc lộ 51, 55, 56 kết nối với Đồng Nai, Bình Thuận…
Theo Kế hoạch hành động số 58/KH-UBND, ngày 17/4 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ đạt 43-48% tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, cung cấp nguồn nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung phát triển hệ thống trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải, xây dựng và triển khai Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Phú Mỹ, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển mạnh du lịch tại khu vực ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và Côn Đảo…
Tất cả những nhiệm vụ trên đều góp phần giúp Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư FDI thêm ít nhất 15 tỷ USD đến năm 2025.