Quảng Nam:

"Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo"

Ngô Linh

(Dân trí) - Giãn cách xã hội, nông sản của người dân gặp khó về đầu ra, chính quyền cùng các hội đoàn thể huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã tích cực kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ cho bà con.

Tình nguyện tiêu thụ nông sản giúp dân

Vùng chuyên canh rau Bàu Tròn (thôn Phú Phước, xã Đại An, huyện Đại Lộc) có diện tích 47 ha, đang bước vào vụ thu hoạch rộ nhưng bị ứ đọng, không tiêu thụ được do thực hiện giãn cách xã hội.

Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo - 1

Nhiều nông sản trên địa bàn huyện Đại Lộc đến thời điểm thu hoạch rộ nhưng tắc đầu ra do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Trước tình hình đó, chính quyền, đoàn thể xã Đại An và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Đại Lộc nỗ lực vận động tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua mạng xã hội.

Ông Trần Nơi, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đại An cho biết, xã có hơn 200 ha trồng cây rau màu. Đợt này có khoảng 30 tấn đu đủ cùng nhiều loại rau quả khác như mướp, khổ qua, đậu bắp, rau các loại… đến kỳ thu hoạch.

Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo - 2

Các vùng cách ly y tế, thực hiện Chỉ thị 16, việc tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn

"Lãnh đạo địa phương và các đoàn thể, tổ chức trên địa bàn xã nói riêng, huyện Đại Lộc nói chung cùng chung tay giải cứu giúp bà con. Trong vài ngày đã có hơn 7 tấn nông sản được "lên đơn", góp phần giúp người dân an tâm thực hiện chỉ thị, thể hiện sự đoàn kết, yêu thương và san sẻ của cộng đồng trong khó khăn của dịch bệnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con để giúp tiêu thụ số nông sản còn lại", ông Nơi nói.

Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo - 3

Các cấp chính quyền, đoàn thể… góp phần hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.

Thôn Phú Phước bị cách ly y tế, toàn bộ xã Đại An và xã tiếp giáp là Đại Hòa cũng đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc đưa nông sản đến điểm chốt chặn để tiêu thụ không dễ dàng.

Vậy là, nhiều ngày qua, cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ, tình nguyện viên của xã Đại An đã vào vai những "shipper 0 đồng" giúp dân vùng ảnh hưởng dịch Covid-19

Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo - 4

Những hộ thiếu nhân lực sẽ được hỗ trợ thu hoạch và vận chuyển.

Nông sản được người dân thu hái rồi gom thành từng kiện bên ngoài ghi rõ địa chỉ, số điện thoại, tên tuổi người nhận và người giao để sẵn trước cổng. Sau đó các tình nguyện viên sẽ chở đến chốt để giao hàng. Hộ nào thiếu nhân lực sẽ được hỗ trợ thu hoạch. Dưới cái nắng chang chang những ngày này, các tình nguyện viên cần mẫn ngày ngày giúp dân.

Bà Nguyễn Thị Chín (vùng rau Bàu Tròn, xã Đại An) xúc động: "Gia đình tôi trồng 2 sào đu đủ đang vào kỳ thu hoạch rộ, dịch bệnh khiến tiêu thụ gặp khó. May nhờ chính quyền xã hỗ trợ tiêu thụ nếu không thì không biết xoay sở ra sao".

Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo - 5

Bên cạnh đó, hội LHPN huyện Đại Lộc còn kết hợp với Hội LHPN TP Tam Kỳ hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên tại địa phương.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Trong thời gian xã Đại Hồng thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lệnh cách ly y tế đối với một số thôn, khu dân cư để khoanh vùng kiểm soát, dập dịch rất nhiều tổ chức, đoàn thể đã chung tay hướng về Đại Hồng.

Cùng với sự sẻ chia, hỗ trợ của cán bộ, nhân dân các địa phương cho vùng giãn cách, tại xã Đại Hiệp, hàng chục hội viên, cán bộ phụ nữ xã tổ chức gói, nấu hơn 200 đòn bánh tét để gửi đến người dân Đại Hồng. Tiêu thụ 300 ký mướp cho bà con nông dân xã Đại An.

Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam và các Hội đoàn thể xã Đại Hiệp đã vận động chùa Bửu Hiệp trao 250 suất quà cho người dân 3 thôn Đồng Chàm, Đầu Gò và Tân Đợi (thuộc xã Đại Sơn) đang thực hiện Chỉ thị 16…

Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo - 6

Hỗ trợ nhu yếu phẩm, các phần quà thiết thực đến người dân, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái…

Chương trình "Chuyến xe yêu thương" đã chở hàng trăm ký rau củ quả do Hội LHPN và UBMTTQ Việt Nam xã Đại Hòa vận động từ nhân dân, hội viên phụ nữ, các nhà hảo tâm đã tiếp sức cho người dân vùng dịch Đại Hồng…

Bà con ở đâu ở yên đó, tiêu thụ nông sản đã có chúng tôi lo - 7

Mô hình đi chợ giúp dân tại xã Đại An.

Theo ông Phạm Ích Khiêm, Chủ tịch xã Đại Hồng, sự chung tay giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể, mạnh thường quân… đã góp phần san sẻ phần nào khó khăn cho người dân nơi đây; lan tỏa tinh thần đoàn kết, yêu thương của người Việt Nam.

"Người dân và chính quyền xã Đại Hồng luôn biết ơn và trân quý những tình cảm của mọi người", ông Khiêm bày tỏ.