Australia cấy ghép thành công tim đã ngừng đập cho bệnh nhân

Ngày 24/10, các bác sỹ phẫu thuật Australia cho biết đã cấy ghép thành công những quả tim đã ngừng đập cho một số bệnh nhân. Đây là lần thứ hai trên thế giới các bác sỹ cấy ghép bằng "những quả tim đã chết" và có thể làm thay đổi cách thức hiến tặng nội tạng hiện nay.

Quả tim ngừng đập dùng để cấy ghép cho bệnh nhân. (Nguồn: Daily Mail)
Quả tim ngừng đập dùng để cấy ghép cho bệnh nhân. (Nguồn: Daily Mail)


Lâu nay, các bác sỹ phẫu thuật chỉ sử dụng những quả tim vẫn còn đập của những người hiến tặng để tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân cần thay tim. Để thực hiện, các bác sỹ mổ lấy tim hiến tặng, đặt quả tim vào thùng bảo quản chuyên dụng và chuyển ngay tới bàn mổ của người nhận. Các ca cấy ghép chỉ được thực hiện khi cả người hiến tặng và người nhận ở trong cùng một bệnh viện để tránh trường hợp tim bị ngừng đập trước khi được đưa vào cơ thể người nhận.

Tuy nhiên, Bệnh viện St Vincent và Viện nghiên cứu tim mạch Victor Chang ở Sydney đã phát triển công nghệ cho phép "làm sống lại" những quả tim đã bị ngừng đập tới 20 phút để cấy vào cơ thể người nhận. Hiện đã có 3 bệnh nhân được cấy ghép tim thành công theo cách này, trong đó 2 người đang hồi phục tốt và một người đang được chăm sóc đặc biệt do vừa được phẫu thuật. Cả 3 bệnh nhân được nhận tim cấy ghép từ các bệnh viện khác nhau và các quả tim này vẫn còn đập trong thời gian vận chuyển kéo dài từ 5-8 giờ. 

Để thực hiện cấy ghép theo công nghệ mới, quả tim hiến tặng được để vào trong hộp vận chuyển đặc biệt và được gọi là "trái tim trong hộp". Phía bên trong hộp có chứa dung dịch bảo quản vừa có tác dụng giữ ấm cho quả tim, vừa duy trì hoạt động của tim trong môi trường hoàn toàn vô trùng và hạn chế những tổn thương do tình trạng thiếu oxy sau khi được lấy ra khỏi lồng ngực người hiến tặng. Theo Giám đốc y tế Peter MacDonald của đơn vị cấy ghép tim tại bệnh viện St Vincent, công nghệ mới sẽ cho phép các bác sỹ duy trì sự sống cho quả tim hiến tặng và chuyển đến bất kỳ bệnh viện nào để tiến hành cấy ghép. 

Giám đốc Viện nghiên cứu Victor Chang, ông Bob Graham, thì cho biết công nghệ mới này sẽ cho phép Australia tăng thêm 20 - 30% số ca cấy ghép tim mỗi năm. Công nghệ này không chỉ hữu ích ở những quốc gia định nghĩa "chết là não ngừng hoạt động" như ở Australia, mà còn mở ra tiềm năng cấy ghép tim ở cả những nước định nghĩa "chết là tim ngừng đập" như Nhật Bản hay một số nước khác.
 
Theo TTXVN/VIETNAM+