Đồng Tháp:

Ẩn họa từ cách bẫy chuột bằng điện

(Dân trí) - Do ruộng lúa, rẫy bị chuột cắn phá nên nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giăng bẫy chuột bằng điện để bảo vệ. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có không ít cái chết đau lòng từ cách diệt chuột này và có người vướng vào con đường tù tội.

Nguy hiểm rình rập

Chúng tôi từng chứng kiến các vụ tai nạn liên quan đến sử dụng điện do bẫy chuột. Gần đây, một số cánh đồng sản xuất lúa 3 vụ nên chuột cắn phá ngày càng nhiều. Chuột cắn phá lúa chủ yếu ở giai đoạn mạ và trổ chín, làm ảnh hưởng đến năng suất. Trước tình trạng này, một số nông dân sử dụng biện pháp tiêu diệt chuột bằng bẫy điện, gây nguy hiểm cho tính mạng con người.

Ông Phạm Thanh Hòa - ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cho biết: “Chuột xuất hiện cắn lúa quá nhiều nên tôi không có biện pháp nào để tiêu tiệt bọn chúng. Tôi có dùng khí đá để xua đuổi chuột mà hiệu quả không cao, lại tốn kém. Hết mùi khí đá, chuột tiếp tục cắn phá lúa. Cuối cùng, tôi mua dây chì về giăng bẫy điện. Tôi biết, sử dụng bẫy chuột bằng điện là nguy hiểm đến tính mạng, nếu không bẫy sẽ không còn lúa mà ăn”.

Một số nông dân đang “đau đầu” trước tình trạng chuột cắn phá lúa, rẫy, ảnh hưởng đến năng suất, có hộ phải gieo sạ lại tốn nhiều chi phí sản xuất. “Ruộng lúa của tôi mới sạ được khoảng 2 tuần, thì bị chuột cắn phá, thiệt hại khoảng 80%. Tôi phải mua lúa giống sạ lại lần 2” - ông Huỳnh Tấn Bo - ngụ xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự cho biết.

Ẩn họa từ cách bẫy chuột bằng điện - 1

Ngày nay, nông dân ít còn sử dụng rập đất bẫy chuột như thế này

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, trong vụ lúa đông xuân 2015, toàn huyện có khoảng 400ha lúa bị chuột cắn phá, ảnh hưởng năng suất từ 5 - 10%, lúa giai ở đoạn mạ và trổ chín, tập trung ở hầu hết các địa phương trong huyện. Cá biệt, có những diện tích xuống giống gối vụ, không đồng loạt bị thiệt hại nghiêm trọng, một số nông dân phải gieo sạ lại.

Không phải “quơ đũa cá nắm”, có người nhận thức được việc dùng bẫy chuột bằng điện là nguy hiểm cho tính mạng con người nên họ có biện pháp chống chuột an toàn. “Tôi đã chứng kiến ở quê mình và xem trên đài truyền hình thấy nhiều nơi có người chết do bẫy chuột bằng điện, có trường hợp phải ngồi tù. Tôi nghĩ, nếu chuột cắn phá lúa thì dùng biện pháp bẫy chuột an toàn cho người khác. Chúng ta không nên dùng điện để bẫy chuột nguy hiểm vô cùng” - ông Trần Minh Tấn - ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân giăng bẫy chuột bằng điện chưa được cơ quan chức năng có biện pháp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, phát hiện, xử lý. Ông Đặng Văn Hùng - ngụ thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, “bí mật” dẫn chúng tôi đi xem ruộng lúa có giăng bẫy chuột bằng điện.

Đến nơi, ông Hùng chỉ tay vào hướng bẫy chuột gần ruộng lúa của mình và nói: “Chú thấy rồi đó, ruộng nhà ai thì người đó tự bẫy chuột. Nguy hiểm lắm! Ruộng lúa của tôi chỉ dùng màng ni-lon bao xung quanh chống chuột, an toàn cho người khác”. Chúng tôi hỏi: “Có cơ quan chức năng thường đi kiểm tra không?” Ông Hùng liền đáp: “Tôi chả thấy cơ quan chức năng nào đi kiểm tra. Tôi mong chính quyền địa phương có biện pháp dẹp hết nạn bẫy chuột bằng điện. Tôi nghĩ, nếu tình trạng này còn tiếp diễn không biết còn bao nhiêu người phải cúng mạng cho thần điện”.

Bẫy chuột… bẫy luôn người

Người dân chưa nhận thức được bẫy chuột bằng điện là rất nguy hiểm, có những vụ việc mà người bẫy chuột phải trả giá. Bẫy chuột bằng điện không chừa bất kỳ người nào. Năm 2015, ông Võ Văn Đông - ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, dùng dây chì mắc điện xung quanh ruộng rẫy trồng bắp để diệt chuột. Sáng hôm sau, ông Đông đi thăm rẫy, chân đạp trúng dây điện dẫn đến tử vong. Sáng sớm, vợ ông là bà Nguyễn Thị Đẹp ra thăm rẫy thì phát hiện chồng mình tử vong, chân còn dính trên dây chì bẫy chuột.

“Chồng tôi qua đời đến nay, tôi chưa nguôi ngoai. Sau khi ông Đông chết, vì bẫy chuột, gia đình tôi không dám giăng bẫy nữa. Tôi khuyên mọi người không nên bẫy chuột bằng điện, vì nó rất nguy hiểm cho tính mạng con người. Chồng tôi chết là một bài học quá lớn” - bà Đẹp nghẹn ngào cho biết.

Chúng tôi ghé nhà bà Trần Thị Hồng - ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, có chồng tử vong do dùng bẫy chuột bằng điện. Tại đây, bà Hồng kể lại: Năm 2013, do chuột cắn phá lúa nên chồng bà Hồng mua dây chì về giăng xung quanh ruộng lúa và mắc điện để bẫy chuột. Khoảng 7 giờ tối, chồng bà Hồng đi thăm bẫy chuột thì bị vướng vào dây chì bị điện giật chết, bỏ lại bà và hai đứa con.

Ẩn họa từ cách bẫy chuột bằng điện - 2

Dùng điện bẫy chuột như thế này đang phổ biến ở nhiều địa phương và đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều cái chết đau lòng do giẫm lên dây điện. Từ hậu quả này đã đẩy không ít người dân vào cảnh tù tội

Thực tế cho thấy, có người dùng bẫy chuột bằng điện làm cho người khác tử vong và dẫn đến con đường tù tội. Năm 2014, Nguyễn Tấn Bảo - ngụ huyện Lấp Vò, dùng dây chì giăng để bẫy chuột làm cho người khác vô tình giẫm lên dẫn tử vong. Bảo bị Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 5 năm tù giam và về tội giết người.

Kết thúc bài viết này, chúng tôi mượn lời khuyên của bà Đẹp - vợ nạn nhân từng dùng bẫy chuột bằng điện để thay cho đoạn kết như là một lời khuyên chân thành đến những ai đang dùng bẫy chuột bằng điện. “Tôi có chồng là nạn nhân của việc dùng bẫy chuột bằng điện để diệt chuột phá rẫy trồng bắp. Việc dùng bẫy chuột bằng điện rất nguy hiểm cho chính mình và người khác nên mọi người dừng ngay việc dùng bẫy điện” - bà Đẹp khuyên.

Hòa Bình