Ấm lòng bữa cơm từ thiện của những người phụ nữ "có tấm lòng vàng"
(Dân trí) - Hơn 3 năm nay, đều đặn mỗi tháng, những người phụ nữ tuổi ngoài 60 có mặt tại Viện Nhi Trung ương và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để gửi đến các bệnh nhân nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn những suất cơm miễn phí. Với họ, đây là việc làm “xét từ tâm mình mà ra, mình là người bệnh, mình muốn đối xử như thế nào thì giúp họ như vậy”.
Đem tiền thương binh đi từ thiện
“Cháu ăn cơm khỏe nhé, mau khỏi bệnh”, “Cơm của bác đây, chúc bác ngon miệng”… Những lời mời, lời chúc cứ râm ran trên dãy hành lang bệnh viện khiến khuôn mặt đang mệt mỏi của các bệnh nhân và người nhà như giãn hẳn ra. Một nữ bệnh nhân cảm động ôm lấy hộp cơm: “Cháu cảm ơn các bà. Các bà tốt quá!”.
Người phát cơm hôm nay là những người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi. Tuổi tác đã hằn in trên khuôn mặt và mái tóc của họ. Thế nhưng, mặc thời tiết nắng nóng, họ vẫn hồ hởi đi khắp các tầng, đến phòng bệnh thăm hỏi những bệnh nhân đặc biệt khó khăn.
Ba năm đi thanh niên xung phong, phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, bà Nguyễn Thị Lương (73 tuổi) nay là thương binh hạng 4/4. Bà bị nặng tai, phải nói to một chút mới nghe rõ. Thế nhưng bước đi của bà vẫn nhanh và khỏe. Bà kể từng trường hợp: “Bác đấy khổ lắm, không có chồng con gì cả, vào viện mấy năm rồi. Cô này thì vợ chồng hiếm muộn, mãi mới sinh được con, sinh ra thì con lại mắc bệnh”.
Túi quà bà Lương mang đến viện hôm nay, được mua bằng tiền chế độ thương binh của chính bà. “Hôm trước bà ấy được nhận tiền chế độ nhân ngày 27/7, thế là mang đi từ thiện luôn”, bà Nguyễn Thị Kim Nhi (72 tuổi) vui vẻ kể lại với nhân viên bệnh viện.
Ba năm tổ chức và duy trì hoạt động từ thiện tại các viện, bà Nguyễn Thị Khánh (80 tuổi) cho biết đã từng gặp nhiều người, tuy hoàn cảnh chẳng mấy khá giả nhưng vẫn luôn cố gắng tham gia. Nói rồi bà mở sổ ghi chép: “Bà Phan Thị Quang, ở Thanh Xuân Bắc, bị tai biến, đi lại khó khăn, không đến viện được nhưng tháng nào cũng đóng góp”.
Trong cuộc gặp gỡ cách đây không lâu, bà Quang nhờ cháu ghi mấy dòng cảm tưởng vào cuốn sổ của bà Khánh: “Những người làm được như bà Khánh, tôi thấy rất hiếm mà có tấm lòng vàng như vậy. Tôi chúc bà mạnh khỏe để chúng tôi được noi gương bà, chúc bà sống lâu trăm tuổi để làm được nhiều việc từ thiện hơn nữa”.
Đưa cháu vào viện dạy lòng hướng thiện
Bà Khánh cho biết những ngày đầu bà đi từ thiện, tiền quyên góp trước hết là kêu gọi từ con cháu trong gia đình, rồi sau đó là những người hàng xóm. Giờ, có cả các bà khác phường, các quận biết đến, cũng hăng hái tham gia.
“Ai đóng góp gì tôi cũng ghi lại. Trước hai tháng mới ghi hết một trang, giờ nhiều lên, có khi một tháng đã hết rồi” – bà Khánh vừa nói, vừa chỉ vào những dòng ghi chép cẩn thận trong sổ.
Có một lần bà vừa rời viện thì nghe đằng sau có tiếng gọi “Bà ơi, bà ơi” rất to. Bà quay lại thì thấy một người phụ nữ xa lạ đang chạy tới. “Bà hỏi gì tôi?” – Bà Khánh ngạc nhiên. “Bà ơi bà đi làm từ thiện à? Cho em gửi năm chục. Em thấy mọi người bảo bà đi làm từ thiện”, người kia vội đáp.
Rồi có lần bà Khánh đi chùa Quán Sứ, chẳng hẹn mà gặp lại người bạn đã xa cách 15 năm. Biết bà đang đi từ thiện, người ấy lập tức đề nghị tham gia cùng. Đến nay, hai bà vẫn thường xuyên cùng nhau đến viện phát cơm.
Cùng đi đến viện hôm nay còn có bà Nguyễn Thị Nhân (67 tuổi) và cháu gái. Giải thích cho việc này, bà nói: “Cháu đang nghỉ hè nên đưa cháu đến đây để hướng thiện cho cháu. Tôi đang chỉ cho cháu thấy, có rất nhiều người nghèo, mình phải nhường cơm sẻ áo, cảm thông, thấu hiểu với họ. Cháu không phải trải qua những cái khó khăn, cháu lại cũng không biết gì thì cái tính ích kỉ sẽ ngày càng lớn hơn”.
Hơn 12h trưa, công việc đã xong xuôi. Những người phụ nữ chậm rãi bước ra cổng viện. Trên tay họ là những chiếc thẻ xe buýt đã cũ mèm bởi thời gian. Bà Nhi cười vui: “Làm thẻ chỉ để lên chùa và đi từ thiện thôi”. Còn bà Khánh thì trăn trở: “Phật cho cái đức tin. Người ta gửi tiền cho mình, không lẽ đem đi ăn quà. Được ít được nhiều, mình cũng phải luôn cố gắng”.
Nguyễn Hải