30 năm đồng hành cùng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của Quỹ BTTEVN

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Hơn 7.600 tỷ đồng của hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã giúp đỡ cho hơn 34 triệu lượt trẻ em, trong 30 năm qua.

Năm 1990, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Châu Á và thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em với các quyền như quyền sống còn, quyền phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia.

Ngay sau khi ký Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam được thành lập (năm 1992) nhằm huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ở Việt Nam

2022 là năm ghi dấu ấn 30 năm xây dựng và phát triển Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN). Từ khi thành lập (ngày 4/5/1992) đến nay, Quỹ BTTEVN đã và đang thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Quỹ BTTEVN và hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) các cấp góp phần thực hiện các mục tiêu về trẻ em mà Nhà nước ưu tiên.

30 năm đồng hành cùng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của Quỹ BTTEVN - 1
Cuộc họp Hội đồng bảo trợ tháng 9/2022 (Ảnh: Quỹ BTTEVN).

30 năm qua, hơn 7.600 tỷ đồng của hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) các cấp đã giúp đỡ cho hơn 34 triệu lượt trẻ em. Các hoạt động của Quỹ BTTEVN và Quỹ BTTE các cấp đã được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt là sự tin tưởng, đồng hành của các nhà tài trợ.

Bằng những kết quả đã đạt được, Quỹ BTTEVN được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, hạng nhì, hạng nhất. Năm 2020, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho tập thể Quỹ BTTEVN.

Thành quả hoạt động của quỹ trong 30 năm qua là công lao xây dựng, tích lũy công sức, trí tuệ của các thế hệ lãnh đạo và tập thể cán bộ qua các thời kỳ. Ngoài niềm vui, lạc quan khi được kế thừa những thành quả vinh quang mà thế hệ trước đã để lại, ông Đinh Tiến Hải - Giám đốc Quỹ BTTEVN cũng nhận thức trong giai đoạn hiện nay, Quỹ cần ưu tiên tập trung giải quyết một số vấn đề.

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền - vận động nguồn lực. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vì các nội dung chương trình, kế hoạch đều phải tập trung thu hút tối đa nguồn lực về cho Quỹ.

Xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện kết luận của cuộc họp Hội đồng bảo trợ ngày 16/9/2022 tại Phủ Chủ tịch. Đó chính là phương hướng hoạt động trọng tâm cho Quỹ BTTEVN trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, quỹ cần tham mưu đề xuất mở rộng thành viên Hội đồng bảo trợ (HDBT) là những doanh nghiệp (DN) trong nước, ngoài nước tham gia, đồng thời tham mưu đổi mới cách thức hoạt động của HĐBT, tạo sự gắn kết và hướng các thành viên trực tiếp tham gia vào hoạt động vận động nguồn lực thông qua việc giới thiệu nhà tài trợ (NTT) mới. Tăng cường, đổi mới công tác truyền thông theo công nghệ 4.0, sử dụng thành tựu của công nghệ truyền thông số, quản lý dữ liệu và thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông - vận động xã hội- hỗ trợ trẻ em.

Hai là đổi mới một số hoạt động bên trong đơn vị, gồm: Xây dựng đề án vị trí việc làm phù hợp, từng bước bổ sung nhân lực đáp ứng với yêu cầu của từng vị trí việc làm. Ngoài ra còn cần đổi mới công tác kế hoạch nhằm đáp ứng được tính chất "minh bạch - kịp thời" các nguồn lực tài trợ. Quỹ sẽ đổi mới công tác kế toán trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở địa phương nhận kinh phí hỗ trợ và lưu giữ chứng từ kế toán. Cơ quan này đề xuất bổ sung và tổ chức triển khai hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về chăm sóc bảo vệ trẻ em nhằm tăng nguồn thu cho đơn vị, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời từng bước tăng thu nhập cho người lao động.

Ba là chú trọng thực hiện công tác chuyển đổi số. Quỹ xác định rõ tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của Quỹ BTTEVN trong lộ trình kế hoạch thực hiện chuyển đổi số ngành lao động thương binh xã hội (LĐTBXH) trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, Quỹ đã xây dựng kế hoạch chi tiết để từng bước thực hiện nhiệm vụ đảm bảo không bị tách rời, không bị chậm chễ với quá trình vận hành chuyển đổi số của ngành LĐTBXH.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Quỹ BTTE Việt Nam đang tích cực thực hiện nhiều dự án mới nhằm nỗ lực hướng tới công bằng cho mọi trẻ em.

Chính vì lẽ đó, sáng ngày 9/12/2022 tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam - thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Công ty TNHH Novartis Việt Nam thuộc Novartis - tập đoàn Dược phẩm toàn cầu, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sĩ phối hợp tổ chức hội thảo khoa học và lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ trẻ em mắc bệnh teo cơ tủy tại Việt Nam (gọi tắt là dự án SMA - tiếp sức cho trẻ teo cơ tủy).

30 năm đồng hành cùng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn của Quỹ BTTEVN - 2

Ông Đinh Tiến Hải - Giám đốc Quỹ BTTEVN và bà Karina Ng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Novartis Việt Nam (Ảnh: Quỹ BTTEVN).

Dự án nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ trẻ em mắc bệnh teo cơ tủy tại Việt Nam dự kiến triển khai từ năm 2022 đến 2025, giúp mọi người hiểu về bệnh, sớm được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Với phương châm: Tận tâm - minh bạch - kịp thời - cùng tham gia, Quỹ BTTEVN đang làm tốt vai trò cầu nối giữa những nhà hảo tâm đến với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ở Việt Nam.

Quỹ BTTEVN - 35 Trần Phú - Ba Đình Hà Nội - Điện thoại: 0922222222.