"3 tại chỗ", lên "app" công nghệ, cửa hàng thực phẩm ứng biến mùa giãn cách

Trường Thịnh

(Dân trí) - 11h trưa, màn hình điện thoại hiển thị thông báo đơn mới liên tục trên ứng dụng GrabMart, Hoàng Giang (nhân viên cửa hàng Khải San Food, TPHCM) tất bật nhận đơn, lấy món, gói hàng, giao hàng cho tài xế công nghệ "ship" đến người mua.

Ăn ngủ… tại chỗ

Từ khi TPHCM công bố chủ trương "ba tại chỗ", tại 4 chi nhánh của cửa hàng đều bố trí phòng ở nghỉ ngơi, sinh hoạt cho nhân viên. Sau giờ mở cửa từ 7g-17g30, nhân viên cửa hàng thay phiên túc trực 24/7 nhập kho, kiểm kê, chuẩn bị hàng… trong suốt quá trình làm việc, họ phải luôn đảm bảo nguyên tắc 5K, xong việc lại tranh thủ nghỉ ngơi, lấy sức "chiến đấu" cho ngày tiếp theo.

"Dù vất vả nhưng chúng tôi đều ý thức được trách nhiệm ngày càng lớn của mình để phục vụ người dân tốt nhất có thể. Hơn nữa, các bạn nhân viên cửa hàng cũng rất dễ thích nghi, chúng tôi xem nhau như gia đình giúp đỡ nhau trong công việc rất nhiều. Mong mùa dịch có thể qua nhanh để cuộc sống sinh hoạt của người dân trở lại bình thường", Hoàng Giang chia sẻ.

Từ thời điểm giãn cách xã hội tại TPHCM đến nay, đơn vị ghi nhận lượng đơn hàng trực tuyến trên nền tảng GrabMart tăng 30-40%, tệp khách hàng cũng mở rộng hơn nhiều so với trước đây.

Đẩy hàng lên kênh trực tuyến

Tại cửa hàng rau sạch Bio Ngon (quận 3, TPHCM), bên cạnh kênh truyền thống, đơn vị tăng cường bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, ứng dụng đi chợ trực tuyến như GrabMart, Tiki, Now… rau củ tươi là thực phẩm được "săn đón" dịp này, nhờ đó doanh thu cửa hàng ghi nhận sự tăng trưởng đột biến.

"Có thời điểm một ngày chúng tôi nhận hơn 400 đơn hàng trên GrabMart, gấp hàng chục lần ngày thường. Hiện số hàng hóa trên GrabMart gấp 5 lần so với lượng hàng bán trên website hay các nền tảng khác", chị Võ Thị Ngọc Bích (đại diện cửa hàng) cho biết.

Cũng theo chị Bích, với nền tảng công nghệ hiện đại, việc vận hành cửa hàng trên GrabMart có phần trơn tru và dễ thao tác hơn so với các nền tảng khác. Nhờ việc xác nhận đơn nhanh chóng trên ứng dụng, cửa hàng cũng có thể cập nhật tồn kho theo thời gian thực, giúp quản lý nguồn hàng hiệu quả hơn. Các tài xế của Grab thường được trang bị thùng giữ nhiệt, lấy và giao đơn nhanh chóng nên đảm bảo được độ tươi của rau củ khi giao đến người dùng.

3 tại chỗ, lên app công nghệ, cửa hàng thực phẩm ứng biến mùa giãn cách - 1
Những dịch vụ đi chợ hộ như GrabMart trở thành cầu nối giữa người bán và người mua trong thời điểm giãn cách (Ảnh: H.G).

Tại hệ thống Farmer's Market, cửa hàng cắt giảm chỉ còn hai kênh bán hàng chính yếu. Một là bán trực tiếp tại bốn cửa hàng ở TPHCM, đảm bảo phương châm 5K. Hai là giao hàng thông qua GrabMart. Ở mỗi thời điểm, cửa hàng chỉ phục vụ tối đa 5 tài xế đến giao nhận để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, một số cửa hàng chọn cách cắt giảm các mặt hàng không thiết yếu, ưu tiên cho những hàng hóa có nhu cầu cao như thực phẩm tươi sống, rau củ, trứng, sữa, trái cây, đồ khô, đồ hộp...

Kích hoạt chế độ số hóa

Không có nhiều nguồn lực như các cửa hàng lớn, một số tiểu thương và hộ kinh doanh chọn cách đóng cửa mặt bằng và bán hàng online để ứng phó với thay đổi trong đại dịch. Mỗi bên có một cách kích hoạt chế độ "số hóa" riêng phù hợp khả năng của mình. Tất cả đều cho thấy sức mạnh của các kết nối trực tuyến mang lại.

3 tại chỗ, lên app công nghệ, cửa hàng thực phẩm ứng biến mùa giãn cách - 2
Chợ truyền thống đóng cửa, tiểu thương chuyển sang kinh doanh trực tuyến (Ảnh chụp màn hình).

Đơn cử, chị Hoàng Lan - tiểu thương chợ Việt Lập (TP Dĩ An, Bình Dương) tham gia vào các group Zalo của gần 5 khu chung cư, căn hộ trong khu vực. Chị nhận order thịt heo các loại vào tối hôm trước và giao hàng tận nơi vào sáng sớm hôm sau. Khách này mua xong lại giới thiệu khách khác, thu nhập của chị Lan không giảm, mà thậm chí còn tăng do nhu cầu ăn uống tại nhà của các hộ chung cư tăng cao. "Mình có thêm được mấy khách quen, cách 2 hôm lại đặt một lần và họ còn bảo sau này chắc khỏi đi chợ vì đã có chị Lan", chị Lan kể.

Chị Cẩm Tú, một tiểu thương chuyên hải sản tại TP Thủ Đức cũng chọn cách bán hàng tại nhà khi chợ truyền thống đóng cửa. Thay vì "tự lực cánh sinh" như chị Lan, chị chọn cách trở thành đối tác của nền tảng đi chợ hộ GrabMart theo lời bạn hàng kháo nhau nền tảng này có cách thức tham gia đơn giản, nhanh gọn.

"Hai ngày sau khi đăng ký, mình được xác nhận từ phía GrabMart, lên hàng luôn trong ngày và được ứng dụng miễn phí dịch vụ trong tháng đầu. Không sớm thì muộn cũng phải mở thêm chi nhánh trực tuyến thôi", chị Tú cho hay. "Hàng hải sản thì rất cần nhất là độ tươi nếu chỉ một mình hai vợ chồng tự bán tự ship thì khó lắm, giờ lên GrabMart mình chỉ việc bán, giao hàng thì có shipper lo, đảm bảo độ tươi ngon".

Với chỉ thị 12 vừa ban hành, chợ truyền thống tại TPHCM tiếp tục hoạt động với quy mô hạn chế, hoạt động mua bán trực tiếp sẽ chưa thể trở lại trạng thái như trước. Từ nhà bán hàng nhỏ lẻ đến các hệ thống chuyên nghiệp vẫn phải tiếp tục chuyển mình, tận dụng nền tảng số. Mọi giải pháp ở thời điểm này đều là cấp thiết, giúp người mua thuận tiện, người bán lạc quan.