Nếu không có phố cổ, văn hóa thì Hội An không còn là Hội An

(Dân trí) - Sáng 4/12, tại TP Hội An đã diễn ra buổi tọa đàm “Quản lý, bảo tồn, phát huy bền vững di sản văn hóa khu phố cổ” để thảo luận, trưng cầu ý kiến người dân nhằm tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề Hội An đang gặp phải như tình trạng kẹt xe, sự xuống cấp của các di tích, thay đổi nếp sống văn hóa…

Buổi tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 19 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2018). Đây còn là sự vào cuộc, tìm ra các giải pháp gấp rút… để chuẩn bị cho nhiều sự kiện quan trọng sẽ diễn ra vào năm 2019. Đặc biệt, là dịp kỷ niệm 20 năm UNESCO công nhận các Di sản văn hóa thế giới tại Quảng Nam vào năm 2019.

Di sản Hội An đang “gánh” nhiều áp lực

Theo kết quả điều tra của Trung tâm bảo tồn đô thị cổ Hội An, trong 784 di tích thuộc các tuyến đường chính trong khu vực I phố cổ thì có đến 780 di tích, chiếm đến 99,5% số lượng di tích được chủ hộ tự kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh, con số này tăng lên đáng kể trong những năm qua. Dẫn đến sự thay đổi kiến trúc phố cổ, gây nhiều hệ lụy, áp lực lên di tích nhà cổ.

Tọa đàm “Quản lý, bảo tồn, phát huy bền vững di sản văn hóa khu phố cổ”
Tọa đàm “Quản lý, bảo tồn, phát huy bền vững di sản văn hóa khu phố cổ”

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - cho biết: “Sự thay đổi kiến trúc phố cổ là do sự phát triển thương mại du lịch, kéo theo sự cải tạo, cơi nới không gian… Bên cạnh đó là thay đổi chủ sở hữu. Chủ cũ rời đi mang theo hoành phi, liễn đối, bàn thờ… Chủ mới cải tạo nội thất toàn bộ theo ý kinh doanh. Điều đó dẫn đến sự thay đổi kiến trúc di tích, chưa kể yếu tố phi vật thể của di tích cũng bị mất đi. Theo các nhà nghiên cứu từng nói, di tích càng được làm mới thì nó càng “rẻ tiền”, nên cần sự vào cuộc ngay lập tức để chấn chỉnh tình trạng trên”.

Năm 2017, Hội An đón hơn 3,22 triệu lượt khách tham quan lưu trú. Nhưng chỉ trong 9 tháng năm 208, số lượng khách đến thành phố đã tăng kỷ lục 4,55 triệu lượt, mỗi ngày phố cổ phải đón khoảng 14.000 lượt khách. Chiếm đa số là thị trường Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc…, trong khi đó khách Châu Âu lại đang giảm dần.

Các đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận, kiến nghị
Các đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận, kiến nghị

Bên cạnh đó là sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân, năm 2018 người dân Hội An đã tiêu thụ khoảng 4.000 xe máy, hàng trăm xe ô tô được sắm mới, chưa kể là các phương tiện xe du lịch hay xe của du khách từ các địa phương khác đến tham quan, lưu trú…

Ngoài ra, gia tăng lượng khách cũng gây áp lực lên di tích khi hạ tầng cơ sở chưa đảm bảo. Ảnh hưởng đến môi trường nước, vệ sinh, tình trạng bát nháo và lộn xộn trong buôn bán, mất an ninh trật tự… là những vấn đề nan giải cho phố cổ.

Vấn đề cần quan tâm nữa là phòng chống cháy nổ. Theo thống kê trong 7 năm trở lại đây có đến 9 vụ cháy lớn, nhỏ trong phố cổ, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng dễ cháy có đến 538 trong tổng số 780 di tích được sử dụng kinh doanh, chiếm 68,9%....

Cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng thuận của chính quyền, người dân

Trong buổi tọa đàm, ngoài các cơ quan chức năng còn có đại diện của 100 chủ di tích nhà cổ trong khu phố cổ, đại diện các chủ di tích vùng đệm và vùng ven của Hội An. Các đại biểu đã có những đóng góp xác đáng, thiết thực nhằm tìm ra nhiều giải pháp bảo tồn đô thị cổ Hội An.

Tình trạng kẹt xe giờ cao điểm, lượng du khách tăng cao nhưng hạ tầng chưa đảm bảo…gây nhiều áp lực cho di tích phố cổ
Tình trạng kẹt xe giờ cao điểm, lượng du khách tăng cao nhưng hạ tầng chưa đảm bảo…gây nhiều áp lực cho di tích phố cổ

Theo một số đại biểu, Hội An nên cấm tất cả xe ô tô, xe máy vào khu vực phố cổ, mở rộng không gian phố đi bộ. Tạo thêm nhiều bãi đỗ xe miễn phí cho người dân và khuyến khích người dân sử dụng xe đạp trong nội vi thành phố tiến đến xây dựng “thành phố xe đạp”. Hạn chế tình trạng người lang thang, ăn xin làm phiền du khách…

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An - cho biết: Hội An đang lấy ý kiến, xin phép giải trình để thử nghiệm nhiều đề án trong thời gian tới, như việc mở rộng phố đi bộ sang đường Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo… Xây dựng thành phố xe đạp, cấm tất cả người dân và du khách đi xe máy, ô tô vào trong khu phố được quy hoạch, đồng thời mở rộng/xây dựng thêm nhiều bãi đỗ xe thông minh…

Việc sang tên đổi chủ, hay tự tiện cơi nới di tích nhà cổ…gây ảnh hưởng đến di tích, văn hóa, nếp sống phố cổ…
Việc sang tên đổi chủ, hay tự tiện cơi nới di tích nhà cổ…gây ảnh hưởng đến di tích, văn hóa, nếp sống phố cổ…

Các vấn đề về môi trường, vệ sinh, an ninh du lịch… cũng đang được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, Hội An đang dần cố gắng khôi phục giá trị phi vật thể đó là văn hóa, nếp sống, nghĩa tình thuần hậu của người Hội An trong đề án “Hội An-nhân tình thuần hậu”….

“Hội An đang cố gắng để có thể bảo tồn được cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển để Hội An xứng danh là Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, đưa Hội An vươn xa và đẹp hơn trong mắt du khách. Hội An là di tích đặc biệt, là “di tích sống” mà người dân Hội An chính là chủ nhân thực sự của di tích. Vì vậy, chúng ta cần sự đồng thuận của cả chính quyền, người dân vào cuộc để giữ gìn những giá trị văn hóa quý báu cha ông để lại”, ông Sơn chia sẻ thêm.

N.Linh-C.Bính