Một góc nhìn của nhà báo Hoàng Anh Sướng

(Dân trí) - Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về hành trình gian 25 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của nhà ngoại cảm này, nhà báo Hoàng Anh Sướng - cây viết phóng sự khá nổi tiếng của báo Tuổi trẻ và Đời sống đã xuất bản cuốn sách “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, hành trình 25 năm tìm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ”.

Để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về hành trình gian 25 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của nhà ngoại cảm này, nhà báo Hoàng Anh Sướng - cây viết phóng sự khá nổi tiếng của báo Tuổi trẻ và Đời sống đã xuất bản cuốn sách “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, hành trình 25 năm tìm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ”. Cuốn sách tập hợp những thiên phóng sự đặc sắc từng in dài kỳ trên báo viết về chuyện đời, chuyện nghề của nhà ngoại họ Phan trong 25 năm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và nhà báo Hoàng Anh Sướng (áo sơ mi xanh đậm) trong buổi giao lưu với độc giả tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Ảnh: Như Thuỷ.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và nhà báo Hoàng Anh Sướng (áo sơ mi xanh đậm) trong buổi giao lưu với độc giả tại chùa Quán Sứ - Hà Nội. Ảnh: Như Thuỷ.

“Tập phóng sự này và nhiều tập phóng sự trước đó là kết quả của những chuyến khoác ba lô theo chân nhà ngoại cảm này lên rừng, xuống biển, đến những vùng xa xôi… để chứng kiến, ghi hình, tìm hiểu công việc đặc biệt của họ.

Những câu chuyện nghề, chuyện đời của các nhà ngoại cảm, tôi đã cố gắng ghi lại một cách trung thực, sinh động với mong muốn, nó sẽ giúp ích phần nào cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến ngoại cảm trong việc vén bức màn bí mật của thế giới tâm linh kỳ bí. Và cũng có thể, sẽ giúp cho hàng ngàn những người mẹ, người vợ liệt sĩ sớm tìm thấy hài cốt của chồng con mình sau mấy chục năm mỏi mòn ngóng trông.

Với tôi, chị Phan Thị Bích Hằng là một nhà ngoại cảm hàng đầu Việt Nam. Những đóng góp của chị suốt hơn 20 năm qua trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là điều không thể phủ nhận. Thật khó có thể kể hết những cuộc tìm mộ thành công xuất sắc của chị mà các nhà khoa học, nghiên cứu ghi nhận bằng xác thực xét nghiệm ADN như: tìm mộ nhà văn Nam Cao, Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân, Nguyễn Phong Sắc… hay những cuộc tìm kiếm hầm mộ tập thể lớn nhất trong lịch sử Việt Nam như cuộc tìm kiếm 4000 tù nhân cộng sản ở nhà tù Phú Quốc, hơn 500 chiến sĩ đặc công trong trận đánh K’Nác, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai …”, nhà báo Hoàng Anh Sướng nói.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Nhà báo nổi tiếng Hoàng Anh Sướng đã có hàng chục năm lặn lội lên rừng xuống biển cùng các nhà ngoại cảm, trong đó, có Phan Thị Bích Hằng, để cho chúng ta những trang phóng sự đặc sắc này. Đây là cuốn sách hay. Rất hay. Nó đã mở cho chúng ta một cánh cửa, đưa ta đến một thế giới mới, giúp ta khám phá những vẻ đẹp hoàn toàn mới của cuộc sống. Từ đó mà ta có được những nhận thức khác, giúp ta thay đổi quan niệm, thay đổi cả cách sống. Ta sẽ sống đẹp hơn, cao cả, nhân bản hơn.

Một trong những nét đặc sắc nhất của cuốn sách này là sự hấp dẫn, cuốn hút. Hấp dẫn ở sự việc, ở câu chuyện, ở cách thể hiện, khiến ta không thể dừng lại mà phải đọc hết một mạch đến những dòng chữ cuối cùng, đọc cả ở ngoài trang sách, là những điều mà cuốn sách gợi ra. Làm được điều này, đối với người viết, quả thật không dễ. Đó là một cái tài, cũng là một bút lực rất đặc biệt của Hoàng Anh Sướng”.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng. Ảnh: Như Thuỷ.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng. Ảnh: Như Thuỷ.

Nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cuốn sách nhận định: “Rất tiếc cho tôi (và có thể nhiều người khác) là không được đọc tập sách rất công phu này của Hoàng Anh Sướng sớm hơn. Một cuốn sách cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối bởi khả năng diễn đạt rất tài tình của tác giả, qua đó làm sáng rõ một chuyện vốn là mù mịt. Điều này luôn vô cùng khó. Những trang ghi chép của anh cho thấy không chỉ có một Hoàng Anh Sướng khiêm tốn nhận mình là nhà báo với chức phận ghi chép mà còn một Hoàng Anh Sướng luôn ưu tư về con đường mà một người lương thiện sẽ phải đi qua để đến được với hạnh phúc viên mãn. Có rất nhiều điều trong cuốn sách đã hồn nhiên chạm đến được tới cõi của triết học tâm linh.

Khi đọc xong cuốn sách, ngoài việc cứ phải suy ngẫm triền miên về đủ thứ, tôi thấy mình sẽ phải sống khác. Bỗng thấy chưa thể yên tâm với việc tu thân tích đức còn có phần qua loa, hình thức, cốt cho xong. Bởi vì không gì lọt qua được một cặp mắt im lặng nhưng thấu suốt. Chỉ rất ít người có phúc phận (và có thể là được trao sứ mệnh) nhìn thấy, đối diện với cặp mắt ấy. Với sự lương thiện bẩm sinh, họ tha thiết nói cho chúng ta biết”.

9h sáng chủ nhật, 26/6 tại Chùa Vĩnh Nghiêm, sẽ diễn ra buổi giao lưu và ký tặng độc giả tác phẩm: "Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng 25 năm tìm hàng ngàn hài cốt liệt sĩ" của tác giả Hoàng Anh Sướng và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.

Hà Tùng Long