Gìn giữ để tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không bị “thương mại hoá”

(Dân trí) - Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội 2017 do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội vừa tổ chức thành công tốt đẹp tại Hà Nội. Tại sự kiện này, nhiều chuyên gia, thanh đồng, người theo đạo Mẫu đã trăn trở về việc gìn giữ di sản này.

Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội năm 2017 là hoạt động văn hoá truyền thống chào mừng kỷ niệm ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11 và thiết thực triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội năm 2017 mang chủ đề “Thực hành nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những nét đổi mới trong xã hội đương đại trên địa bàn Hà Nội” thu hút sự tham dự của 29 thanh đồng đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Đặc biệt, Liên hoan lần này đã đề cập đến những đổi mới của diễn xướng hầu đồng trong xã hội đương đại.

Thủ nhang Phủ Dầy Nguyễn Thị Huệ tại Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.
Thủ nhang Phủ Dầy Nguyễn Thị Huệ tại Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.

Liên hoan mở màn với lễ rước của 29 thanh đồng, cung văn, đoàn múa sênh tiền, múa quạt, đoàn cờ thần và đoàn tố nữ dâng hoa tạo không khí tưng bừng cho liên hoan. Trong 4 ngày tổ chức diễn xướng hầu đồng, các thủ nhang, thanh đồng mang đến liên hoan gần 90 giá đồng.

Sau mỗi buổi hầu, BTC cùng các thanh đồng đều trao đổi, góp ý kiến với các thanh đồng về chuyên môn và góp ý với đội cung văn về lời ca, âm nhạc nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp trong nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những đổi mới phù hợp với xã hội đương đại.

Qua một năm tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hiện còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu, xác định cũng như định hướng cho những người thực hành tín ngưỡng.

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Nhận diện, bảo tồn và phát triển”, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nhấn mạnh, theo kết quả kiểm kê sơ bộ của Sở VHTT Hà Nội vào năm 2016, sinh hoạt Thờ Mẫu Tam Tứ phủ diễn ra trên khắp 1900 điểm thờ tự, có 2 CLB tiêu biểu của những người thực hành di sản.

Thủ nhang Vũ Đức Quyết trong lễ khánh thành đền Phúc Thủy Linh Từ.
Thủ nhang Vũ Đức Quyết trong lễ khánh thành đền Phúc Thủy Linh Từ.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Nội mang những đặc trưng về lề lối sang trọng, lịch sự.

“Trong xã hội đương đại, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chứa đựng nhân sinh quan độc đáo, tiến bộ, gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc. Đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam… Bảo tồn, phát huy nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một việc làm thiết thực góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, toàn cầu hoá. Công việc này đòi hỏi sự đóng góp của nhiều người mà hơn ai hết các thanh đồng với tư cách là những người trong cuộc cần có nhiều nỗ lực nhất”, ông Trương Minh Tiến bày tỏ.

Ông Vũ Đức Quyết - Thủ nhang đền Phúc Thủy Linh Từ (thôn Mễ Thượng, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là người đã có 27 năm theo đạo Mẫu. Ngôi đền được xây dựng lại hôm nay cũng là thành quả, tâm sức của vị thủ nhang nhiều tâm huyết.

“Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thế giới vinh danh càng khẳng định được những giá trị thiêng liêng, cần được gìn giữ và bảo tồn. Với tâm nguyện giữ gìn những giá trị đó, nhiều năm qua tại bản đền Phúc Thủy Linh từ đã không chỉ duy trì nét đẹp tín ngưỡng mà còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như giúp đỡ người nghèo, xây dựng quỹ khuyến học, quỹ phúc lợi cho nhân dân …”, Thủ nhanh đền Vũ Đức Quyết chia sẻ trong buổi khánh thành đền.

Thanh đồng Nguyễn Thu Huyền là đệ tử của thủ nhang Vũ Đức Quyết. Đây cũng là thanh đồng nổi tiếng về nhan sắc xinh đẹp.
Thanh đồng Nguyễn Thu Huyền là đệ tử của thủ nhang Vũ Đức Quyết. Đây cũng là thanh đồng nổi tiếng về nhan sắc xinh đẹp.

Cũng theo ông Quyết, bản chất của tín ngưỡng thờ Mẫu là các giá trị dân gian, hòa đồng, nền nã, không khoa trương. Ông cho biết: “Biểu hiện thương mại hóa di sản nhất thiết phải bị phê phán. Thờ Mẫu điều cần nhất là cái tâm hướng thiện, là tấm lòng thành. Nếu lễ to, lễ lớn thì những người dân quê chân lấm tay bùn lấy ở đâu ra...”.

Thanh đồng Nguyễn Thu Huyền cũng cho rằng, bằng các chuẩn mực khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, các cá nhân theo đạo Mẫu cần giúp cho người dân thấu hiểu cặn kẽ những giá trị tốt đẹp của di sản, từ đó để mỗi người theo tín ngưỡng với tầm lòng thuần phác, hồn hậu và hướng đến những điều thiêng liêng nhất.

“Nếu chỉ hầu đồng, tung tiền lớn để phô trương, hoặc tổ chức các hoạt động sai lệch với bản chất tín ngưỡng thì đó chính là lợi dụng di sản để trục lợi. Trong sâu thẳm của mỗi người, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có những giá trị chuẩn mực, cho nên nếu làm các giá đồng tiền tỉ mà không có tâm thành thì cũng vô nghĩa…”, thanh đồng Nguyễn Thu Huyền bộc bạch.

Hà Tùng Long