Điều ít biết về vị Tổng đốc Hà Nội được phong “Thần cứu hoả”

(Dân trí) - Ngày 9/9 vừa qua tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo về đại thần Đặng Văn Hoà - Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội, người được nhân dân phong là “Thần cứu hoả”.

Theo TS. Nguyễn Hữu Tâm - Viện Sử học Việt Nam thì đại thần Đặng Văn Hòa còn có tên là Đặng Văn Thiêm, hiệu Lễ Trai (1791- 1856), người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cụ ngồi ở ngôi tứ trụ triều đình, là “Nguyên lão tứ triều” nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, nổi tiếng là vị quan rất mực thanh liêm, được dân chúng kính yêu.

Cụ Đặng Văn Thiêm khi sinh ra có tướng mạo khác người. Sử gia Đặng Huy Trứ là cháu gọi cụ bằng bác đã miêu tả trong sách “Nhĩ Hoàng di ái lục” như sau: “Lúc bác tôi làm Chánh chủ khảo khoa thi Hương ở miền Bắc, sĩ tử và người đến xem đông nghịt, nhìn thấy phong thái, diện mạo người khôi ngô, to lớn và trầm tĩnh như Bắc Thiên Trấn Vũ đại đế, mọi người đều gọi là Thánh đồng đen”.

Ảnh chụp tượng thờ Tổng đốc Đặng Văn Hòa ở chùa Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà - Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tùng Long.
Ảnh chụp tượng thờ Tổng đốc Đặng Văn Hòa ở chùa Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà - Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tùng Long.

Đặc biệt Đặng Văn Thiêm đã có một thời gian dài 14 năm với hai lần nắm giữ trọng trách Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình và cũng có nhiều cống hiến quan trọng cho vùng đất kinh đô ngàn năm văn vật của Việt Nam.

Cụ đã làm quan trên nhiều lĩnh vực, từng đảm nhậm Thượng thư 5 bộ gồm: Binh, Công, Hình, Hộ, Lễ. Ba lần tham dự Viện Cơ mật của ba triều vua Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, Chủ khảo Trường thi Hương Nghệ An, Quan Giám khảo thi Hội, làm Kinh diên giảng quan cho các nhà vua và Thái tử, tham gia xây dựng nhiều công trình kiến trúc lớn ở Hà Nội và Kinh thành Huế.

Giám sát việc xây lăng Minh Mệnh, soạn và dựng bia Võ công, Tổng tài Quốc sử quán, Tổng vựng sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, in sách “Tứ thư Ngũ kinh”, duyệt bộ “Thiệu Trị văn quy”, sưu tầm thơ dân gian biên soạn sách “Nam thổ anh hoa lục”… Ngoài ra, cụ cũng là người tham gia chế tạo thuyền máy chạy hơi nước, chế tạo đạn liên châu, xây dựng pháo đài ở Quảng Nam…

Ngày 20 tháng Sáu năm Bính Thìn (tức 22 tháng 6 năm 1856), cụ từ trần hưởng thọ 65 tuổi, vua Tự Đức rất xót thương, truy tặng thực thụ hàm Văn Minh điện Đại học sĩ, ban cho tên thụy là Văn Nghị, ban tiền tuất rất hậu hĩnh, sai Đại quan đến tế.

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tùng Long.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tùng Long.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Cụ Đặng Văn Hòa chính là Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội khi cuộc cải cách về hành chính của vua Minh Mạng biến Hà Nội từ Tổng trấn Bắc thành thành Hà Nội. Nói theo cách nói ngày nay chính là Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội. Và cụ đã đảm đương vai trò này trong vòng 14 năm.

Tuy nhiên, việc đó không quan trọng bằng việc ông đã thay đổi nhiều yếu tố làm cho Hà Nội phát triển khi không còn là kinh đô nữa. Từ việc vẽ bản đồ, quy hoạch và đặc biệt cụ rất quan tâm đến các di sản của Hà Nội. Cụ đã cho sửa chữa – tu bổ chùa Diên Hựu (tức chùa Một Cột) và Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong đó có Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội chúng ta.

Nhưng điều quan trọng nhất trở thành nguyên lý gắn liền với những năm tháng lãnh đạo của cụ đó là “vị dân chi kế” (mọi kế sách đều vì dân). Nguyên lý đó trở thành câu đề từ của cụ trong miếu Hỏa Thần ở Hàng Điếu ngày nay.

Lúc đó Hà Nội trong tình trạng cháy rất nhiều nên cụ là người rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho người dân. Cụ là người đã đưa ra những chủ trương rất đúng đắn trong việc trị thuỷ, bảo vệ hệ thống đê điều của Hà Nội. Ngày xưa các cụ bảo “hoả, thủy là hai đạo tặc lớn nhất” thì cụ Đặng Văn Hòa đã làm tròn trách nhiệm của người cai quản.

Hơn thế nữa, khi đó chúng ta không còn sự xâm lược của ngoại bang nhưng cụ lại là người bảo vệ biên cương của tổ quốc. Cụ lấy lại vùng đất phong thổ ở biên cương, chống lại đám thổ phỉ ở phương Bắc sang quấy nhiễu. Bàn chân của cụ đi khắp đất nước, từ các tỉnh ngoài Bắc đến tận Biên Hoà. Và cụ là người đã giữ tới 50 cương vị quan trọng của triều đình.

Có thể nói, cuộc đời của cụ không dài lắm nhưng những cống hiến đã khiến triều đình luôn kính trọng, người dân quý trọng. Dù thời đại đã thay đổi rất nhiều nhưng đó là những mẫu hình của người quan hết lòng tận tụy vì dân. Chúng ta học người xưa chính là học tinh thần ấy, tư tưởng ấy cộng với sự thay đổi của thời đại để mang lại những mẫu hình lãnh đạo vì dân”.

Toàn cảnh hội thảo về đại thần Đặng Văn Hoà. Ảnh: Tùng Long.
Toàn cảnh hội thảo về đại thần Đặng Văn Hoà. Ảnh: Tùng Long.

Theo Nhà giáo Ưu tú Trần Văn Đạt thì ngày xưa phố phường Hà Nội dân cư đông đúc, đường xá chật hẹp, nhà cửa làm toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá …dễ gây hỏa hoạn. Mỗi lần như thế, Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hòa lại cưỡi voi, đốc thúc binh lính và nhân dân đi dập lửa…

Người cụ bị ám khói đen sì, chỉ còn hai con mắt là linh lợi. Cứu hỏa xong, cụ còn cứu trợ ngay cho gia đình bị nạn, để họ sớm ổn định cuộc sống. Muốn nhắc nhở dân chúng nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng giặc lửa, năm 1838, cụ lập miếu thờ Hỏa Thần ở thôn Yên Nội (nay là 30 phố Hàng Điếu), sớm, chiều thỉnh chuông, có lưu bút tích tại đền là “Vị dân chi kế”.

Cụ còn vẽ bản đồ, quy hoạch lại đường sá, nhà cửa ở Hà Nội thông thoáng, dễ tiếp cận vị trí khi xảy ra sự cố. Nhân dân Hà Nội yêu quý cụ gọi cụ là “Thánh Đồng Đen” - Thần Cứu Hỏa duy nhất của Việt Nam”.

Hà Tùng Long