VNPT đã “phủ sóng” cố định tới 100% xã

(Dân trí) - Sau nhiều nỗ lực đẩy mạnh phổ cập dịch vụ điện thoại cố định theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tin mới nhất từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) cho biết, hiện 100% số xã trên cả nước đã có điện thoại cố định.

Ngày 7/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2010 với tổng kinh phí dự kiến là 5.200 tỷ đồng.

Chương trình này nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và đẩy nhanh việc phổ cập dịch vụ viễn thông, Internet, trong đó tập trung phát triển cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng của VNPT hiện đã đạt trên 17 triệu máy, đạt mật độ khoảng 22 máy/100 dân.

 

Với con số ngày càng phát triển trên, Bộ Bưu chính Viễn thông đang hy vọng dịch vụ điện thoại cố định sẽ nhanh chóng đạt được tốc độ phát triển như mong muốn.

Để đưa điện thoại về 100% xã trên cả nước (trong đó có tới trên 100 xã có địa hình quá phức tạp, với điều kiện không thể triển khai kéo cáp hoặc phương thức vô tuyến, VNPT đã lựa chọn giải pháp mạng băng thông rộng thế hệ mới sử dụng thế hệ vệ tinh IPStar. Đến nay, 100% xã trên cả nước đã có điện thoại.

Ngoài ra VNPT cũng đã xây dựng gần 8.000 điểm Bưu điện - Văn hoá xã, tại đó cung cấp một số dịch vụ bưu chính, viễn thông cơ bản phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc thiết yếu cho người dân. Tại những địa bàn này VNPT luôn có chính sách ưu tiên về giá, mặc dù đây lại chính là những vùng, miền có suất đầu tư tính trên 1 thuê bao rất lớn, mà doanh thu thấp, thường xuyên phải bù lỗ.

Chưa dừng lại ở đó, để đáp ứng nhu cầu lắp đặt ngày càng tăng của khách hàng, VNPT đang tiến hành mua một số lượng lớn cáp để dự phòng cho những thời điểm thiếu cáp hoặc các Bưu điện tỉnh chưa kịp mua. Số cáp này sẽ được đưa về kho tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để ưu tiên cấp trước cho những đơn vị “cháy” cáp.

Không chỉ kinh doanh ở những khu vực, những thị trường thuận lợi, VNPT còn luôn quan tâm, tích cực mở rộng phục vụ tới những khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tính đến nay, cả nước đã có gần 8.000 điểm Bưu điện Văn hóa xã đi vào hoạt động (trong đó có trên 2500 điểm đã có Internet) và mỗi điểm có ít nhất một điện thoại. Như vậy, có thể nói, tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, số thuê bao điện thoại chưa nhiều song trên thực tế số người sử dụng điện thoại lại không hề ít.

Nói về những nỗ lực của VNPT trong việc “phổ cập” điện thoại cố định, Bộ trưởng Bưu chính - Viễn thông Đỗ Trung Tá khi trả lời phóng vấn báo chí đã rất hồ hởi: Đúng là việc thực hiện mục tiêu 100% xã có điện thoại đã buộc VNPT phải sử dụng hệ thống IP và các trạm vệ tinh nhỏ nên số lượng máy điện thoại được lắp chưa nhiều.

Tuy nhiên, các chuyên gia VNPT đã có giải pháp cho vấn đề này và sẽ lắp đặt các tổng đài chuyển mạch mềm (trong nước sản xuất được) và thêm thuê bao vệ tinh cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Làm được như vậy sẽ có thể kết nối thêm hàng trăm thuê bao tại một xã mà không cần cấp thêm tổng đài”.

Bộ trưởng đánh giá, cách làm này là rẻ tiền và phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, để giải quyết tốt thì phải chờ đến tháng 6/2008, khi Việt Nam phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Vào lúc đó, chúng ta mới có thể tuyên bố viễn thông và Internet của Việt Nam không phụ thuộc vào khoảng cách và địa hình.

Theo Quy hoạch phát triển viễn thông, Internet Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phấn đấu đến năm 2010, mật độ điện thoại của Việt Nam đạt từ 32 đến 42 máy/100 dân (trong đó mật độ điện thoại cố định là 14 đến 16 máy), mật độ thuê bao Internet đạt từ 8 đến 12 thuê bao/100 dân (trong đó có 30% là thuê bao băng rộng), tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 25% đến 35% dân số… Như vậy, với nhiệm vụ kinh tế, chính trị này, xem ra VNPT vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Minh Tuấn