Vinaconex tự hào là thương hiệu hàng đầu ngành xây dựng Việt Nam

(Dân trí) - Ghi dấu ấn hàng loạt công trình tiêu biểu trên khắp cả nước, Vinaconex là một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành xây dựng Việt Nam, nằm trong Top 30 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất nước.


Lễ kỷ niệm 30 thành lập của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex)

Lễ kỷ niệm 30 thành lập của Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex)

Vinaconex, tiền thân là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài, được thành lập theo Quyết định số 1118/BXD-TCLĐ ngày 27/9/1988 của Bộ trưởng Bộ xây dựng, với nhiệm vụ quản lý lực lượng lao động Việt Nam làm việc trong lĩnh vực xây dựng ở nước ngoài.

Ra đời trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn của những ngày đầu đổi mới, từ thủa ban đầu thành lập chỉ với 7 cán bộ nhân viên, không có trụ sở, tài sản vay mượn, nhưng bằng những quyết sách mang tính tiên phong, đột phá, Vinaconex đã từng bước củng cố xây dựng lực lượng, mở rộng lĩnh vực hoạt động để không ngừng phát triển.

Từ khởi đầu tay trắng, Vinaconex đã phát triển với quy mô cao điểm nhất lên tới 95 công ty thành viên – công ty liên kết và đơn vị hạch toán phụ thuộc, với lực lượng gần 45.000 lao động trong nước và quản lý hàng chục nghìn lao động xuất khẩu đi làm việc tại nước ngoài.

Vinaconex đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của ngành xây dựng Việt Nam, nhất là trong hai lĩnh vực xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản, khẳng định được năng lực, uy tín, vị thế, thương hiệu tại thị trường trong nước và trước các đối tác quốc tế.

Vinaconex tự hào là thương hiệu hàng đầu ngành xây dựng Việt Nam
Vinaconex tự hào là thương hiệu hàng đầu ngành xây dựng Việt Nam

Hàng nghìn dự án, công trình được nhà nước và xã hội ghi nhận trong suốt hành trình 30 năm, tiêu biểu như: Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính; Dự án Đại lộ Thăng Long; Hệ thống cấp nước sạch sông Đà – Hà Nội; Nhà máy xi măng Cẩm Phả; Khu đô thị mới Bắc An Khánh; các dự án thủy lợi - thủy điện, các dự án giao thông và hạ tầng (trong đó có Nhà ga T2 – sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Bãi Cháy, đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, khu công nghiệp công nghệ cao 2 - Hòa Lạc); Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Bảo tàng Hà Nội...

Đến nay, quy mô vốn điều lệ của Vinaconex đạt 4.417 tỷ đồng, vốn hóa trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại tương đương 8.525 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 9.789 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán Nhà nước tại Vinaconex qua các năm đều khẳng định nguồn vốn của Nhà nước và các cổ đông tại đơn vị được bảo toàn và phát triển.

Năm 2016, Vinaconex đạt doanh thu đứng thứ 5 và lợi nhuận đứng thứ 2 cả nước trong số các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây lắp. Năm 2017, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinaconex đạt 1.629 tỷ đồng, nằm trong Top 30 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất cả nước.


Uỷ viên Bộ Chính Trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Tổng công ty Vinaconex

Uỷ viên Bộ Chính Trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Tổng công ty Vinaconex

Vinaconex cũng là một trong các doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực thi công xây lắp, tiên phong trong việc thí điểm cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ, chuyển toàn tổng công ty sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 11/2006.

Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, tại lễ kỷ niệm 30 thành lập Vinaconex diễn ra tại Hà Nội ngày 29/9, thay mặt Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Tổng công ty Vinaconex cùng các phần thưởng cao quý khác cho tập thể và cá nhân người lao động Vinaconex.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng giám đốc Vinaconex Đỗ Trọng Quỳnh khẳng định, doanh nghiệp tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển hai lĩnh vực then chốt là xây dựng và bất động sản. Vinaconex là một trong các doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong việc thuê tư vấn nước ngoài xây dựng và thực hiện chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bao gồm các giải pháp tổng thể về định hướng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, kiện toàn cơ cấu tổ chức, tài chính, nhân sự, tiết giảm chi phí.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ghi nhận, chặng đường qua, Vinaconex đã xây dựng được nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp, chủ động làm chủ công nghệ thi công tiên tiến. Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kỳ vọng, thời gian tới, Vinaconex sẽ tiếp tục phát triển ở tầm cao mới, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Bằng Linh