Từ cậu bé bán rong thành ông chủ

Từ một cậu bé bán thuốc lá dạo, Lâm An Dậu trở thành ông chủ Công ty giấy Vĩnh Tiến. Hiện Vĩnh Tiến có trên 300 loại sản phẩm giấy các loại được đông đảo người tiêu dùng tín nhiệm.

Khởi nghiệp: “Thuốc lá... đê... ê... ê...”

 

Lâm Vĩ Học, tức Lâm An Dậu - ông chủ Công ty giấy Vĩnh Tiến vốn là một cậu bé bán thuốc lá dạo. “Nhà nghèo nên mới mười ba tuổi tôi đã phải nghỉ học để kiếm sống”.

 

Công việc đầu tiên “vào đời” là bán thuốc lá lẻ ở vỉa hè. Nhưng vì nhiều người cùng bán nên ít khách, Dậu chuyển sang bán dạo. Đi khắp các hang cùng ngõ hẻm với một lời rao: “Thuốc lá... đê... ê... ê...”.

 

Thời gian sau, Dậu chuyển sang buôn hóa chất. Xoay đủ thứ nghề, rồi một cơ duyên đã đưa anh đến và gắn bó với những trang vở học trò.

 

Một lần, anh trai của Dậu đang khốn đốn vì mua hàng tấn giấy phế liệu nhưng không tìm được đầu ra. Dậu liều mình “cứu” anh bằng việc... mua chịu rồi thuê người phân loại. Dậu tìm được mối bán: Một lãi một. Thừa thắng xông lên, Dậu tiếp tục đi mua bán giấy phế liệu. Thời gian sau, lưng vốn kha khá, anh nghĩ đến việc sản xuất giấy. “Thời điểm ấy, những năm sau giải phóng, nguyên liệu giấy trong nước cực kỳ khan hiếm” - Ông chủ Vĩnh Tiến nhớ lại.

 

Cơ sở sản xuất giấy đầu tiên của Dậu mang tên Vĩnh Tiến được thành lập tháng 5/1980, với 15 người, chuyên sản xuất giấy đánh máy, giấy quay roneo và gia công đóng tập học sinh cho Công ty Bách hóa miền Nam (đơn vị chuyên sản xuất văn phòng phẩm thời bấy giờ).

 

“Ở thời điểm HTX Vĩnh Tiến ra đời, giấy từ Campuchia tràn về dữ dội. Tuy giấy của họ hẩm hẩm, viết thì nhem nhưng đã gây không ít trở ngại cho tụi tôi” - Dậu kể. 5 năm sau, Vĩnh Tiến chuyển sang mô hình HTX chuyên sản xuất giấy - tập với 100 nhân công.

 

Khi cơ chế thị trường mở ra, Vĩnh Tiến tham gia vào thị trường với sản phẩm mới có tên: “Tập Nai nhí” và sản phẩm vở học sinh gắn với biểu tượng “Nai nhí” nổi danh sau này được bắt đầu từ đây.

 

Lâm An Dậu là người đi tiên phong trong đổi mới chất lượng tập vở học sinh với việc in bìa 4 màu bằng công nghệ in offset có cán OPP và có trang lót trong.

 

“Khi lô sản phẩm đầu tiên ra đời, tôi tiếp thị đến các trường học, mời thầy cô giáo đến giới thiệu và tặng để dùng thử”. Biết cách tiếp thị, vở Vĩnh Tiến nhanh chóng có mặt ở nhiều trường học tại TPHCM và cả những địa phương khác.

 

Sự cố nhỏ và đột phá lớn

 

Năm 1993 ghi dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Vĩnh Tiến bằng việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhảy từ sản xuất thủ công lên công nghệ tự động hóa. Từ đó, sản phẩm Vĩnh Tiến mang nét đặc trưng, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.

 

Thành quả này lại bắt đầu từ một sự cố. “Có lần tôi nhập mấy nghìn tấn giấy từ Mỹ về làm tập vở học sinh. Giấy có màu trắng ngà, bị người tiêu dùng chê là giấy hẩm (vì họ vốn chỉ quen với giấy có màu trắng xanh). Vì vậy, tôi đâm hoảng.

 

Tìm hiểu, tôi biết được nhà sản xuất cho một lượng chất phát sáng vào bột giấy khiến giấy có màu trắng xanh. Nhưng chất này có thể gây hại cho mắt. Lập tức trên bìa vở giấy màu trắng ngà của mình, tôi cho in thêm dòng chữ cảnh báo: “Giấy cao cấp màu trắng sữa không gây hại cho mắt”. Mấy nghìn tập vở màu ngà nhanh chóng được bán hết...”

 

Từ đó Vĩnh Tiến luôn lưu tâm đến ứng dụng y tế vào học đường và tạo được niềm tin với khách hàng.

 

“Hôm nay khẳng định mình với khách trong nước, ngày mai phải khẳng định mình với thế giới” - Cậu bé bán thuốc lá dạo ngày nào tự tin nói.

 

Theo Đại Dương
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm