Tài trợ thể thao: 50 tỉ USD vào năm 2012

Từ lâu, người tiêu dùng đã thấy Samsung tài trợ cho những giải thể thao uy tín nhất trên thế giới, nhưng có lẽ khoản đầu tư lớn và thể hiện đúng nhất hình ảnh của Samsung là Olympic và tài trợ cho đội Chelsea.

Samsung - đối tác chính thức của Olympic

Năm ngoái, doanh thu của công ty điện tử Samsung là 103 tỷ đôla và là nhà sản xuất TV LCD hàng đầu thế giới. Danh thiếp của Samsung có thêm logo Olympic. Rõ ràng vinh dự “Đối tác toàn thế giới” mà Samsung có được với giải đấu này là một chiến lược lớn, dài hạn và phù hợp với hình ảnh và thương hiệu của công ty. Ông Geesung Choi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành bộ phận viễn thông, cho biết “Olympic mang thông điệp đề cao hòa bình giữa con người. Bằng việc tài trợ cho Olympic, chúng tôi muốn thể hiện rõ nỗ lực đóng góp cho xã hội.”

Samsung đã ký hợp đồng tài trợ cho Olympic mùa hè 1996, sau đó trở thành đối tác chính thức toàn thế giới của Olympic từ năm 1997, khởi đầu với Olympic mùa đông năm 1998. Samsung cũng vừa ký hợp đồng chính thức với Ủy ban Olympic Quốc tế để tài trợ dài hạn cho Olympic tới năm 2016 với các hoạt động tài trợ chính như truyền thông không dây, rước đuốc…

Samsung luôn tận dụng việc tài trợ trong lĩnh vực truyền thông không dây để giới thiệu các sản phẩm chủ lực như điện thoại. Tại Olympic Bắc Kinh, Samsung “lăng xê” F480, điện thoại cảm ứng với nhiều tính năng hiện đại. F480 khoác áo vàng (màu huy chương được chờ đợi nhất tại Olympic) cũng được tung ra cùng với các loại wallpaper, bài hát và chuông điện thoại liên quan đến Olympic.
 
Tài trợ thể thao: 50 tỉ USD vào năm 2012 - 1
Điện thoại F480 được Samsung “lăng xê” tại Olympic Bắc Kinh

Riêng đội tuyển Olympic Trung Quốc được tặng 1.000 điện thoại Samsung, 600 cho các vận động viên và 400 cho huấn luyện viên và các nhân viên khác. Các loại điện thoại trao tặng được dành riêng cho thị trường Trung Quốc với nhiều ứng dụng liên quan đến Olympic, chẳng hạn G618 nhận diện được bộ chữ tiếng Hoa, F268 tập trung vào âm nhạc còn M128 là kiểu đơn giản với loa lớn. Để ý một chút sẽ thấy mã các điện thoại này luôn có số 8, con số may mắn đối với người Hoa và là trọng tâm của Olympic lần này, vốn khai mạc vào ngày 8/8/2008. Ngoài ra, Samsung còn tài trợ chính cho đội tuyển Trung Quốc tại Olympic lần này.

Samsung còn xây dựng một dịch vụ điện thoại di động có tên là WOW ("Wireless Olympics Works") để cung cấp các thông tin cập nhật nhất về Olympic như lịch thi đấu, kết quả, thông tin thời tiết và các công nghệ không dây quen thuộc như e-mail, tin nhắn. Ý tưởng của WOW là sẽ giúp nhà tổ chức quản lý và giao tiếp với nhau trôi chảy, xuyên suốt.

Việc tài trợ của Samsung cho Olympic tỏ ra vô cùng hiệu quả. Samsung chẳng những gia tăng doanh số bán hàng, khiến sản phẩm trở nên phổ biến, mà còn gia tăng được hình ảnh thương hiệu và mang thương hiệu trở nên gần gũi hơn nữa với người tiêu dùng, đặc biệt là tại thị trường nước tổ chức các cuộc thi đấu. Ông Gyehyun Kwon, Phó giám đốc Samsung phụ trách bộ phận tiếp thị thể thao trên toàn cầu, cho biết doanh số điện thoại Samsung tăng 80% sau khi tài trợ Thế vận hội mùa đông tại Tunrin năm 2006. Tương tự là cú hích ở Trung Quốc sau Thế vận hội năm nay, đặc biệt là vùng đông bắc nước này, xung quanh Bắc Kinh.

Samsung và bóng đá

Bóng đá, môn thể thao có lượng khán giả lớn nhất nhì hành tinh nên những sự kiện lớn cũng được các công ty chú ý. Tại Euro 2008 vừa qua, bảng quảng cáo xung quanh sân chính là tên tuổi của 11 nhà tài trợ toàn cầu cho Euro. Các nhãn hiệu thể thao hàng đầu như Adidas, Nike, Puma… cạnh tranh nhau quyết liệt tại Euro 2008, chen nhau từng centimét trên áo cầu thủ bằng cách tài trợ quần áo, giày thi đấu…

Với Samsung, số tiền tài trợ cho Chelsea năm 2005 được xem như lớn nhất lúc đó: hợp đồng trị giá 50 triệu bảng Anh cho 5 năm, chỉ đứng sau tài trợ Samsung dành cho Olympic. Nên biết rằng hợp đồng tài trợ của hãng hàng không Emirates với Chelsea trước đó chỉ là 4 triệu bảng/năm.
 
Tài trợ thể thao: 50 tỉ USD vào năm 2012 - 2

HLV Mourinho; Đại diện Samsung - Ông In-Soo Kim và Giám đốc tài chính của Chelsea – Ông Peter Kenyon tại lễ ký hợp đồng

Đổi lại, áo các chàng trai Chelsea sẽ có dòng chữ Samsung Mobile chạy ngang ngực. Samsung cũng tận dụng hợp đồng tài trợ này tung ra một số sản phẩm có gắn logo Chelsea. Fan của Chelsea ngoài việc đeo dải băng “Chelsea Football Club” đến sân Stamford Bridge, còn có cơ hội chụp hình Frank Lampard, John Terry và các siêu thủ khác bằng chính chiếc máy ảnh Samsung có logo Chelsea thuộc model NV4 và L100.
 
Tài trợ thể thao: 50 tỉ USD vào năm 2012 - 3

Fan bóng đá đã quen thuộc với hình ảnh Frank Lampard, Michael Essien, Joe Cole, Michael Ballack, Ashley Cole, John Terry…khoác áo có tên nhà tài trợ Samsung

Đầu tư vào Chelsea tỏ ra vô cùng đúng đắn vì CLB của thành phố London sau đó đạt đến những đỉnh cao thành công với 2 chức vô địch Ngoại hạng Anh năm 2005, 2006, lọt vào đến chung kết Champion League năm vừa rồi. Điều này mang đến hiệu quả rất tốt cho Samsung, đặc biệt là tại thị trường châu Âu. Thị phần tại Anh của Samsung trước khi ký hợp đồng tài trợ với Chelsea là 12% (tháng 2/2005) thì đã tăng lên 18% vào tháng 10 cùng năm sau khi ký hợp đồng. Chỉ từ tháng 8 tới tháng 10/2005, doanh thu bán hàng điện thoại di động hàng tháng của Samsung tại Anh đã tăng lên 58%.
 
Tài trợ thể thao: 50 tỉ USD vào năm 2012 - 4

Ghi chú: Chelsea vô địch Giải ngoại hạng Anh mùa bóng 2005-2006

Với sự tài trợ của Samsung cho Chelsea, fan bóng đá châu Á được “hưởng xái” thông qua các tour thi đấu hữu nghị với đội bóng các nước tại khu vực.

Sau thành công từ thương vụ Chelsea, Samsung đang cân nhắc để “nói chuyện” với Barca và AC Milan.

Theo đánh giá, tài trợ vẫn còn nhỏ bé so với quảng cáo: năm ngoái, Tập đoàn quảng cáo khổng lồ WPP ước đoán toàn thế giới chi ra cho tài trợ 38 tỷ đôla so với 499 tỷ chi cho quảng cáo. Nhưng tài trợ đang lớn rất nhanh, tăng 11%/năm trong thập niên qua. Và phần chính yếu trong tài trợ vẫn là thể thao (như kinh phí tài trợ thể thao của MasterCard chiếm đến 85% tổng số tiền tài trợ mà nhãn này bỏ ra). Theo dự báo của tổ chức ESA (The European Sponsorship Association), ước tính tổng chi cho tài trợ trên toàn thế giới năm 2012 là vào khoảng 50 tỉ USD.