Ở nơi người đã khuất mỉm cười
Gần đây, quan niệm của người Việt về nơi an nghỉ cuối cùng có nhiều thay đổi. Nhiều nghĩa trang được thiết kế đẹp như trục nối tâm linh giữa người còn sống với người đã khuất. Để có được điều này có thể nói nhờ sự mạnh dạn của một số địa phương đã biết đón đầu xu hướng tạo nên những nghĩa trang văn minh…
Địa phương đi đầu
Những năm 2010-2011, khi khái niệm công viên nghĩa trang còn mới ở Việt Nam, Phú Thọ đã trở thành một trong những địa phương tiên phong trong quy hoạch và xây dựng nghĩa trang theo mô hình hiện đại. Chiến lược đầu tư đó của Phú Thọ càng được khẳng định đúng đắn, khi tháng 4 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2016 (về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng). Theo đó, Chính phủ khuyến khích đầu tư xây dựng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng phục vụ nhiều địa phương, sử dụng hình thức hỏa táng mới, văn minh, hiện đại nhằm tiết kiệm tối đa đất, kinh phí và đảm bảo môi trường, cảnh quan.
Ông Bùi Sơn Thủy, Giám đốc Sở Xây dựng Phú Thọ cho biết, khi bàn thảo về xây dựng Công viên Nghĩa trang Thiên Đức (xã Trung Giáp - Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ), cũng có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, Phú Thọ luôn xác định phải quy hoạch và xây dựng nghĩa trang theo hướng hiện đại, tiên tiến, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đặc biệt tránh tình trạng nghĩa trang quá tải, hoặc nằm rải rác, cạnh khu dân cư, với cách chôn cất truyền thống gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe người sống như một số nơi đã xảy ra.
“Một địa phương hiện đại, đáng sống phải phát triển có quy củ, môi trường sống trong lành, tầm nhìn không chỉ vài năm mà phải vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Để đạt được như thế, không chỉ nghĩ tới người đang sống, mà còn phải tính khi đã khuất. Vì vậy, bao giờ trong tiêu chí của đô thị luôn có tiêu chí về nghĩa trang”, ông Thủy nói.
Theo ông Thủy, khi nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng công viên nghĩa trang tại một số địa phương như TPHCM, Bình Dương… cùng những cam kết của nhà đầu tư, UBND tỉnh Phú Thọ đã đồng ý xã hội hóa đầu tư công viên nghĩa trang. “Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên đi vào hoạt động đã chứng minh những cam kết đó, và sự tin tưởng của chính quyền và nhân dân trong tỉnh là đúng đắn”, ông Thủy nói.
"Ông ở đây phải thật vui, thật khỏe ông nhé. Khi có thời gian cháu sẽ lên thăm ông. Ở đây đẹp lắm, yên bình lắm. Ông yên nghỉ ở đây là cháu yên tâm rồi", Nguyễn Linh Chi (10 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) xúc động gửi lại lời nhắn với ông đang an nghỉ vĩnh hằng tại Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên
Còn theo đại diện chủ đầu tư, Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên có được hình hài như ngày hôm nay cũng nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ. “Với văn hóa phương Đông, nói tới nghĩa trang không phải ai cũng thoải mái đón nhận. Vì vậy, chúng tôi rất biết ơn sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ. Chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện đúng cam kết đầu tư một công viên nghĩa trang quy củ, công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm và thân thiện với môi trường”, đại diện chủ đầu tư nói.
Để đảm bảo cảnh quan, đồng bộ, Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng. Dù mộ đơn hay khu mộ gia đình, mỗi phần đều được kiểm tra về thiết kế, độ rộng, chiều cao, số lượng các công trình, phần cây xanh… đảm bảo sự đồng bộ, tránh tình trạng phát triển tùy tiện, phá vỡ quy hoạch.
Ở nơi người đã khuất mỉm cười
Đó là nhận xét của một người con có bố đang an nghỉ vĩnh hằng tại Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên (hay còn gọi là Công viên Nghĩa trang Thiên Đức), kèm những bức ảnh về nơi an nghỉ của bố lên trang mạng cá nhân. Một ngôi mộ nằm giữa không gian xanh mướt của cỏ cây, điểm tô những chấm vàng, đỏ, tím… của sắc hoa. Ở nơi đó, người sống có thể tĩnh lặng ngồi bên hồ lộng gió ngắm cá, thưởng sen, bên tai văng vẳng tiếng chuông chùa. Sự tài tình của người thiết kế nghĩa trang chính là tạo một nơi để người viếng mộ cảm nhận người đã khuất chỉ ở đâu đây. Họ chỉ đi xa, tới một nơi tươi xanh và trong lành, giữa vòng tay của tổ tiên. Mỗi lần viếng mộ là một lần hạnh ngộ.
Đặc biệt, từ tháng 3/2016, Công viên Nghĩa trang Thiên Đức đưa vào sử dụng Đài hóa thân Hoàn Vũ với công nghệ Tabo nhập từ Thụy Điển. Đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới và đang được sử dụng rộng rãi tại các nước phương Tây. Với thiết kế 12 lò hỏa táng, công suất mỗi lò 12 ca/ngày, đảm bảo hoạt động liên tục 24/24h. Khu hóa thân hoàn vũ được thiết kế 3 phòng hành lễ trang nghiêm, riêng biệt, phù hợp với nghi lễ của từng tôn giáo, tín ngưỡng theo yêu cầu.
Có người nhiều lần lên Công viên Nghĩa trang Thiên Đức, đã thốt lên: Đây không chỉ là nơi an nghỉ của người đã khuất, mà còn là nơi người sống lui tới để tìm chút tĩnh lặng, bình yên, tạm bỏ xa bon chen, nghi kỵ của cuộc sống thường nhật với cơm, áo, gạo, tiền. Nơi mà những đứa trẻ dù nhút nhát nhất cũng thừa tự tin lui tới bên phần mộ gia tiên. Xuyên suốt nghĩa trang là màu xanh của cỏ cây hoa lá, của nước biếc, trời xanh, nơi chiêm bái Địa Tạng Vương Bồ Tát (cao 12m), tượng Phật A-Di-Đà (cao 48m), chùa Thiên Long, trục thần đạo với 500 vị La Hán...
Khi chân đã mỏi, lòng đã tịnh, khách có thể ngồi nghỉ chân bên hồ tự nhiên rộng gần 10ha, với 6 nhánh ôm trọn 9 quả đồi để nhâm nhi tách trà ngát hương để hồi tưởng về những kỷ niệm êm đềm với người đã khuất, đang an nghỉ vĩnh hằng nơi đây.
Theo Tiền Phong