Nghệ An khởi công dự án “Cảng biển nước sâu Cửa Lò”

(Dân trí) - Ngày 7/12/2010 tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã chính thức khởi công dự án “Cảng biển nước sâu Cửa Lò”. Dự án này đánh dấu một mốc quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung.

Nghệ An khởi công dự án “Cảng biển nước sâu Cửa Lò” - 1
Khởi công Cảng biển nước sâu Cửa Lò
 
Nhằm thúc đẩy và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng của tỉnh và khu vực, dự án “Cảng biển nước sâu Cửa Lò” có ý nghĩa quan trọng với việc kích thích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, Dự án còn giúp thúc đẩy giao lưu kinh tế với các vùng Đông Bắc Thái Lan và miền Trung Lào.

Cảng biển nước sâu Cửa Lò do UBND tỉnh Nghệ An làm chủ  đầu tư và do Công ty Tư vấn cảng biển Nhật Bản - JPC tư vấn thiết kế và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á tư vấn đầu tư tài chính. Tổng vốn đầu tư vào dự án là 490 triệu USD trong đó giai đoạn một là 148 triệu USD dự kiến hoàn thành vào 2015.

Với chiều dài bến - 3.020m và khu vực hậu cần cảng 110 ha, Cảng biển nước sâu Cửa Lò có khả năng tiếp nhận các loại tàu có trọng tải 30.000DWT - 50.000 DWT. Khi hoàn thành, Cảng nước sâu Cửa Lò sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn của cả khu vực các tỉnh Bắc Trung bộ, đồng thời là cửa ngõ mở rộng giao thương với các nước trong khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc khởi công xây dựng Cảng biển nước sâu Cửa Lò nhằm giúp Nghệ An phát huy các lợi thế, tiềm năng của một tỉnh ven biển.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp hiện đại, đặc biệt là xây dựng hệ thống các cảng biển lớn. 

Thứ trưởng nhấn mạnh, quá trình đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng khai thác các cảng biển phải được thực hiện đúng theo các quy định của Chính phủ về quản lý cảng biển, luồng hàng hải và quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Ngoài ra, đây là công trình lớn, hiện đại nên yêu cầu kỹ thuật về xây dựng, quản lý đầu tư, giám sát chất lượng thi công cũng cần phải đạt theo tiêu chuẩn cao nhất. Bộ Xây dựng sẽ tạo mọi điều kiện để công trình được triển khai một cách thuận lợi, giúp công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn với chất lượng cao nhất để phấn đấu hoàn thành sớm so với kế họach như đã định là trước năm 2030.

Việc đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu Cửa Lò là phù hợp với Chiến lược Biển Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực miền Trung nói riêng và của cả nước nói chung, khẳng định vai trò và vị trí cảng biển nước sâu của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đây, mở ra hướng đi mới cho ngành cảng biển của Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập. Tuy nhiên, quan trọng hơn, là đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bí thư  tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Phan Đình Trạc, khẳng định, với mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng biển nước sâu Cửa Lò xứng tầm là cảng biển lớn trong khu vực Đông Nam Á.

Dự án “Cảng biển nước sâu Cửa Lò” được xem là công trình trọng điểm của tỉnh Nghệ An. Dự án được kết hợp với phía Nhật Bản thiết kế, xây dựng theo công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất thế giới. Với giải pháp xây dựng cầu tầu xa bờ, không đào khoét đất liền, chặn dòng chảy ven bờ làm thay đổi môi trường và bồi lấp luồng cảng, mô hình loại cảng này đã được rất nhiều nước trên thế giới đầu tư và xây dựng thành công”.

Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Cảng biển nước sâu Cửa Lò sẽ mang lại diện mạo mới cho tỉnh Nghệ  An, khẳng định lợi thế về biển của khu vực miền Trung, là động lực quan trọng để kích thích phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh, thành trong khu vực.

Nghệ An nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên tuyến giao lưu Bắc Nam hội đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa; là cầu nối giữa hai miền Bắc - Nam và là cửa ngõ thông ra biển Đông của Trung Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua Cảng Cửa Lò.

Đặc biệt, Nghệ An nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối Thái Lan, Lào, Mianma với biển Đông theo đường 7, đường 8, có sân bay và cảng biển thuận lợi cho giao lưu hợp tác kinh tế và phát triển.

Trong 5 năm tới (2011-2015) nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập sâu với thế giới, quan hệ hợp tác phát triển kinh tế của Nghệ An với các tỉnh trong cả nước và khu vực được mở rộng, nhất là theo tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nhiều chương trình dự án, khu kinh tế, khu công nghiệp đang được triển khai và phát huy hiệu quả thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

PV