Nên triển khai e-Manifest trên diện rộng

Theo Cục Hải quan TP.HCM, sau hơn 1 năm triển khai thí điểm thực hiện tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh (e-Manifest) đã có 7 hãng tàu tham gia, trong đó có 6 hãng tàu đã thực hiện việc khai báo điện tử.

Chính thức triển khai từ đầu tháng 5/2012, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai đã có 970 chuyến tàu nhập cảnh và 970 chuyến tàu xuất cảnh của 6 hãng tàu làm thủ tục khai báo điện tử. Trong đó, hãng tàu Wanhai có số lượng tàu XNC làm thủ tục khai báo điện tử lớn nhất, với gần 500 lượt chuyến tàu XNC; hãng tàu Maersk Line, với trên 480 lượt tàu XNC…; Hãng tàu Mol có đăng ký tham gia thực hiện e-Manifest nhưng chưa làm thủ tục khai báo điện tử đối với chuyến tàu XNC nào sau hơn 1 năm tham gia.

 

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Khánh Hội- TP.HCM. Ảnh: T.H
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Khánh Hội- TP.HCM. Ảnh: T.H
 
Theo đánh giá của Cục Hải quan TP.HCM, việc triển khai thí điểm e-Manifest đối với các hãng tàu trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, số lượng hãng tàu tham gia còn ít, số tàu XNC được khai báo điện tử vẫn còn hạn chế.

 

Để việc triển khai e-Manifest đạt hiệu quả cao, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị, cần chấm dứt áp dụng triển khai thí điểm, mà thực hiện ngay triển khai chính thức, đồng loạt thủ tục điện tử tàu biển đối với tất cả các hãng tàu, tất cả đơn vị Hải quan địa phương.

 

Khi triển khai chính thức chắc chắn sẽ có nhiều vướng mắc từ phía các hãng tàu. Đề nghị Cục Giám sát quản lý về Hải quan và Cục Công nghệ Thông tin - Tổng cục Hải quan thường xuyên có mặt, hỗ trợ giải quyết các khó khăn cho các hãng tàu.

 

Bên cạnh đó, nên triển khai e-Manifest đến các chi cục hải quan- nơi tàu neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, cấp tài khoản cho các chi cục này đăng nhập vào hệ thống phục vụ thông quan hàng hóa. Bởi vì, nếu chỉ thông quan tàu ở Đội thủ tục phương tiện vận tải thì lợi ích mà các hãng tàu có được từ chương trình rất ít. Vấn đề quan trọng là việc nhận hàng, thông quan hàng hóa XNK nhanh chóng của chủ hàng, nhưng chủ hàng này là khách hàng của hãng tàu, nếu họ hưởng lợi do khai thác hàng hóa nhanh chóng thì tất yếu hãng tàu có lợi và các hãng tàu sẽ tích cực tham gia thủ tục tàu điện tử.

 

Về việc chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, trước hết là Cảng vụ hàng hải và Biên phòng, hiện các cơ quan này cũng có cổng thông tin điện tử để làm thủ tục tàu. Để thực hiện tốt nội dung này, Cục Hải quan TP.HCM đề nghị, lấy Cổng thông tin điện tử của Hải quan làm cổng chính, chia sẻ thông tin với với các cơ quan Cảng vụ và Biên phòng.

 

Nếu ba cơ quan này không dùng chung một cổng điện tử thì các hãng tàu phải mất 3 lần khai 3 bộ hồ sơ và 3 lần gửi đến các cơ quan khác nhau, rất phiền phức, tốn kém và sẽ không khuyến khích được họ tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với tàu biển.

 

Ngoài ra, trong quá trình triển khai e-Manifest, Cục Hải quan TP.HCM cũng đang gặp một số khó khăn vướng mắc khác về hạ tầng công nghệ thông tin, như: đường truyền chậm, thiếu các tiêu chí trên hệ thống để khai thác thông tin hoặc có tiêu chí nhưng không khai thác được, hoặc việc điều chỉnh lược khai hàng hóa trên hệ thống chưa đúng với quy định… làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện./.

 

Theo Lê Thu

Báo Hải Quan