Lối thoát cho ùn tắc đô thị: Đa dạng loại hình và nguồn lực đầu tư

Lựa chọn hệ thống giao thông, phương tiện giao thông là lựa chọn tương lai cho thành phố.

Để đầu tư phát triển giao thông đô thị cần một nguồn vốn rất lớn mà không một Nhà nước nào có thể tự kham nổi từ ngân sách. Việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia là một hướng đi cần thiết.
 
Chưa bao giờ vấn đề về giao thông tại các đô thị lớn tại Việt Nam lại bức xúc như lúc này. Sự phát triển quá nhanh, thiếu quy hoạch, phát triển manh mún trong một thời gian dài đã khiến các đô thị lâm vào tình trạng khủng hoảng giao thông trầm trọng...
 
Hạ tầng giao thông quá tải
 
Tại Hà Nội, từ cuối những năm 90 đến nay chúng ta đã và đang thực hiện những chủ trương lớn, nhưng đi quá chậm và nhiều điều bức xúc không giải quyết được ngay (tắc đường, đào bới, đường phố xây mới quá ít…) làm phiền lòng dân. Theo GS.TSKH Lâm Quang Cường – Đại học Xây dựng Hà Nội, hiện trạng của giao thông Hà Nội đang rất yếu kém về hạ tầng và ý thức của người dân tham gia giao thông chưa cao. Là một Thủ đô, song giao thông công cộng ở Hà Nội mới đảm bảo dưới 20% nhu cầu đi lại, còn lại trên 80% là do phương tiện cá nhân và người đi bộ thực hiện.
 
Một thực tế được GS Cường chỉ ra là, đến nay, diện tích đường của Hà Nội quá nhỏ, chỉ chiếm khoảng 6,8% diện tích đô thị, trong khi trung bình của thế giới là 15 – 25%. Đã vậy, mật độ mạng lưới giao lại thấp và phân bố không đều, mới đạt 4,08 km/km2 cho tất cả các loại đường ở các quận nội thành cũ. Diện tích đường chỉ đáp ứng 40% lượng phương tiện đăng ký. Nhưng trớ trêu, ngược lại, phương tiện giao thông đăng ký mới lại tăng mỗi ngày, cứ 1km đường phải gánh đến 500 ô tô và 5.500 xe máy. Đó là chưa kể đến lượng phương tiện từ các nơi đổ về.
 
Không những thế, nhiều tuyến đường có lòng đường hẹp, không tương xứng với cấp hạng mà nó đảm nhiệm như đường Tôn Đức Thắng – Nguyễn Lương Bằng; Minh Khai - Trường Chinh; Kim Mã – Cầu Giấy – Xuân Thủy; Bạch Mai – Trương Định…. Đặc biệt tuyến đường Minh Khai – Trường Chinh – Ngã Tư Sở rộng trung bình chưa đến 30, lại đảm nhận là vành đai II, tuyến dẫn lên cầu Vĩnh Tuy. Vì thế, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra và ngày càng nghiêm trọng.
 
Cần nhanh chóng xây dựng hệ thống đường trên cao
 
Hiện nay, Hà Nội đang phát triển các dự án nhằm khắc phục sự yếu kém của giao thông thành phố. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn quá chậm. Đặc biệt với các tuyến đường hướng tâm, các khu vực cần bổ xung các công trình giao thông mới. Thực tế thời gian qua Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã trình thành phố đề án xây dựng 6 đường trên cao nhằm chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2010-2015, với tổng mức đầu tư gần 33.000 tỷ đồng, đó là các tuyến: Tuyến số 1 trên đê Hữu Hồng từ đường Lạc Long Quân đến Yên Phụ với quy mô 4 làn xe cơ giới. Tuyến số 2 trên đường vành đai 2, đoạn từ Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy với quy mô 4 làn xe; Tuyến số 3 trên đường vành đai 3 từ Nội Bài - Mai Dịch - Pháp Vân cũng với quy mô 4 làn xe. Tuyến số 4 từ Ga Hà Nội - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Tôn Thất Tùng - Kim Giang - đường 70. Tuyến số 5 từ vành đai 1 tới vành đai 3, đi qua các trục Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Hồ Tây (4 làn xe). Tuyến số 6 từ Giảng Võ qua Láng Hạ đến Thanh Xuân (vành đai 3).
 
Hiện đường trên cao Pháp Vân - Linh Đàm đã thi công xong, đưa vào sử dụng. Dự kiến đến năm 2012, giai đoạn 2 đường trên cao vành đai 3 Linh Đàm - Dịch Vọng sẽ hoàn thành. Dự án đường trên cao cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở do Vincom đề xuất theo phương án BT cũng vừa được UBND TP phê duyệt.
 
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hầu hết tuyến đường nội đô đều quá tải, tình trạng ùn tắc diễn ra phổ biến, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Trong khi đó, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng để mở đường rất khó khăn. Phương án cần thiết hiện nay là phải xây dựng đường trên cao tại những tuyến trọng điểm và nút giao thường xuyên ùn tắc.
 
Những giải pháp cho giao thông đô thị Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần một tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, để đầu tư phát triển giao thông đô thị cần một nguồn vốn rất lớn mà không một Nhà nước nào có thể tự kham nổi từ ngân sách. Việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia là một hướng đi cần thiết. Những cân nhắc, đắn đo, xử lý không kiên quyết sẽ làm cản trở rất nhiều các dự án lớn. Bài học từ hàng loạt các dự án giao thông của Hà Nội thời gian qua là một minh chứng. Lựa chọn hệ thống giao thông, phương tiện giao thông là lựa chọn tương lai cho thành phố. Bằng không, giao thông tại các đô thị Việt Nam sẽ ngày càng chật chội, hỗn loạn hơn.
 
-TS Phùng Mạnh Tiến - Phân viện Khoa học GTVT phía Nam - khẳng định, kỹ thuật xây công trình trên cao cũng tương tự như xây cầu nên không quá phức tạp và nhân lực Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được.
 
-TS Vũ Xuân Hòa - Giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng Bách Khoa: Vấn đề kiến trúc không phải là trở ngại lớn trong việc phát triển các công trình trên cao. Thực tế cho thấy các nước trong khu vực đã phát triển rất tốt đường trên cao, trong đó Malaysia là một ví dụ điển hình về việc tận dụng hệ thống đường trên cao để hạn chế xe cộ giao cắt trực tiếp nhằm giảm kẹt xe.
 
Ngọc Ly