Khi nhân tài Việt hồi hương - Có 1001 lý do để trở về
(Dân trí) - Giữa những lựa chọn làm việc ở nước ngoài, bằng mọi cách cố gắng để trụ lại trong một môi trường làm việc với nhiều rào cản về văn hóa, ngôn ngữ nhưng ổn định và đáng mơ ước, nhiều nhân tài người Việt vẫn chọn trở về làm việc tại quê hương - một lựa chọn không dễ dàng. Mỗi người mang theo một câu chuyện khác nhau với những lý do riêng. Từ đó mang đến những góc nhìn đa chiều hơn về làn sóng nhân tài Việt hồi hương.
Đi một vòng địa cầu chỉ để nhận ra đường về nhà
“Đi để trở về” – đó là lời mở đầu cho hành trình trở về đầy thú vị của Nguyễn Lê Tùng (sinh năm 1981), hiện đang đảm nhận vị trí Giám đốc phát triển thị trường tại Boston Scientific, một tập đoàn dẫn đầu về công nghệ y tế toàn cầu với mạng lưới khắp 100 quốc gia., Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin của trường Webster University tại Thái Lan, Lê Tùng được học bổng của đại học Arizona State University tại Mỹ chuyên ngành kỹ sư thiết bị y tế Nguyễn Lê Tùng có 8 năm học tập và nghiên cứu tại Mỹ để theo đuổi đam mê với chuyên ngành khá đặc thù và môi trường đào tạo tại Việt Nam thời điểm đó chưa đủ điều kiện để đáp ứng.
Trở về Việt Nam sau khi kết thúc quá trình tu nghiệp, sau đó lại tiếp tục thử thách bản thân với 4 năm sinh sống và làm việc tại Singapore, Lê Tùng có những nhìn nhận về sự khác biệt trong môi trường làm việc, lối sống giữa các nền văn hóa khác nhau. Anh chia sẻ: Mỗi lần trở về là mỗi lần cảm thấy mình đã bước những bước đi xa hơn để nhìn nhận sâu sắc hơn về cuộc sống và lĩnh vực mình theo đuổi. Việt Nam từ giai đoạn năm 2009 trở đi đã thay đổi đáng kể trong môi trường làm việc và chất lượng cuộc sống. Điều đó sẽ ngày càng tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để những người tài trở về và phát triển”.
Lê Tùng tâm sự: “Vì có con nhỏ và mặc dù môi trường giáo dục của Singapore rất tốt nhưng hầu như các trường sẽ dạy tiếng Hoa trong khi tôi muốn các con tôi thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ và tiếng Anh trước. Ngay khi tôi quyết định quay về Việt Nam làm việc để cho con tôi hiểu rõ hơn về nguồn gốc của mình, các chuyên gia của Robert Walters đã cho tôi rất nhiều lựa chọn công việc phù hợp với nguyện vọng của tôi và giúp tôi đưa ra quyết định dễ dàng hơn!”
Trở về để chia sẻ và cống hiến
Trở về để cống hiến dường như là ý định xa vời, bóng bẩy đối với nhiều người nhưng khi nghe những chia sẻ của Huy Nguyễn (sinh năm 1982), nhận định đó có lẽ sẽ khác. Huy Nguyễn hiện đang đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo tại Infinity Blockchain Labs, được xem là nhà tiên phong hàng đầu trong lĩnh vực R&D blockchain tại Việt Nam. Những năm gần đây, "blockchain" đã trở thành từ khóa “hot” cùng những triển vọng về một cuộc cách mạng công nghệ mới của thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực này dường như mới chỉ bắt đầu những bước đi rất chập chững. Chưa kể, nhân sự trong nước còn khá dè chừng trong việc tiếp nhận những kiến thức và kinh nghiệm mới. Việc tìm kiếm các developer có chuyên môn vì thế vô cùng khó khăn.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Graphic, UX và UI design và từng có cơ hội làm việc tại Singapore, quyết định trở về của Huy Nguyễn không chỉ bởi tiềm năng phát triển blockchain tại Việt Nam mà còn bởi mục đích chia sẻ, truyền thụ những kinh nghiệm bản thân đến lớp đồng nghiệp trẻ kế cận. Huy Nguyễn chia sẻ: “Nền kinh tế năng động tại Việt Nam hiện nay là tiềm năng để phát triển blockchain. Nhưng một thách thức không nhỏ tại Việt Nam đó là hầu hết bạn trẻ Việt vẫn đang chần chừ trong việc tiếp nhận làn sóng này. Quyết định trở về của tôi phần lớn xuất phát từ nhu cầu chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mình đã có được để lĩnh vực này sẽ còn phát triển hơn nữa. Tôi không ngần ngại bỏ ra tâm sức để tổ chức những buổi huấn luyện ít nhất mỗi tháng một lần dành cho những đồng nghiệp kế cận. Từ đó, tôi tìm thấy từ niềm vui những việc làm tưởng như đơn giản như thế để giúp đỡ, cống hiến sức mình”.
Mỗi năm, Việt Nam chào đón một làn sóng các du học sinh hồi hương sau một thời gian dài học tập tại nước ngoài. Bất kể vì lý do cá nhân hay công việc, thì đối với một số du học sinh, hồi hương vẫn mang một nỗi buồn không tên. Nguyễn Phúc Thạch Thảo, hay vẫn thường được gọi với cái tên thân mật là Lace Nguyễn (sinh năm 1994) lại có một cách nhìn khác. Tốt nghiệp cử nhân ngành Văn học so sánh tại Đại học Washington với số điểm 3.82, cô bạn lại quyết định theo đuổi lĩnh vực thời trang. Sau khi thực tập tại nhiều hãng thời trang lớn (Armani, Bottega Veneta)—Lace trở lại New York và làm copywriter cho hãng bán lẻ thời trang cao cấp Bloomingdale’s.
Đắm mình trong những trải nghiệm mà công việc và tuổi trẻ mang đến, trụ lại tại “miền đất hứa” luôn là mục tiêu hàng đầu của rất nhiều du học sinh Việt. Nhưng ở một góc nhìn thực tế hơn, gia hạn visa sau chương trình học và có được một công việc mơ ước luôn là một thách thức với bất kỳ du học sinh quốc tế nào. Con đường được nhiều du học sinh lựa chọn là “tự thỏa hiệp” với những công việc không đúng với ngành học chỉ để trở thành công dân của xứ sở cờ hoa.
Nhưng Lace Nguyễn không bó mình với lựa chọn đó. Quay về Việt Nam, cô bạn quyết tìm công việc phù hợp với khả năng viết lách của mình Qua chương trình ‘Come Home Phở Good” với sự tư vấn và kết nối của Robert Walters, chỉ sau một thời gian ngắn, Lace hiện đang thỏa sức với đam mê của mình với ngôn ngữ của mình tại Anduin Transactions – một start up đầy tiềm năng có trụ sở tại San Francisco, Mỹ và một mạng lưới đang tỏa rộng khắp Châu Á. Môi trường làm việc thú vị, năng động cùng các đồng nghiệp nhiều nhiệt huyết, Lace cảm thấy may mắn và hài lòng với quyết định trở về của mình. Lace chia sẻ: “Để tìm ra đam mê, bạn cần tìm thấy việc gì mình làm tốt và việc gì khiến mình mãn nguyện. Năng lượng, sự tin tưởng của đồng nghiệp cùng những cơ hội nghề nghiệp rộng mở tại đây khiến tôi cảm thấy xứng đáng với quyết định của mình.”
Trở về thành công trong chiến dịch “Come Home Phở Good” (Trở về làm việc tại quê hương Việt Nam) do Công ty tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao Robert Walters Việt Nam thực hiện, câu chuyện của Lace Nguyễn, Nguyễn Lê Tùng hay Huy Nguyễn chỉ là một vài trong số muôn vàn những hành trình trở về quê hương của người Việt khắp thế giới. Làn sóng hồi hương này có ý nghĩa lớn với thị trường nhân sự trung và cao cấp nói riêng và với nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chiến dịch “Come Home Phở Good” được xây dựng dựa trên nhu cầu của các khách hàng sử dụng dịch vụ của Robert Walters. Đến nay, sau 2 năm triển khai, chiến dịch “Come Home Phở Good” của Robert Walters đã kết nối với hơn 5.000 nhân sự người Việt và 1.200 trong số này chia sẻ mong muốn quay trở về quê hương để làm việc. Đặc biệt, đã có một số lượng đáng kể những nhân sự người Việt thành công trong việc tìm kiếm một công việc hoặc vị trí phù hợp thông qua chương trình này.