Hải quan Hải Phòng tăng thu hơn 80 tỷ đồng từ “hậu kiểm”
Đến giữa tháng 4, số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước của Chi cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ)- Cục Hải quan Hải Phòng đạt hơn 80 tỷ đồng, tương đương với kết quả của cả năm 2014.
Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ Hải Phòng Trần Mạnh Cường cho biết, kết quả trên là nỗ lực lớn của đơn vị trong những tháng đầu năm 2015, bởi số thu này xuất phát từ kết quả những cuộc kiểm tra đối với DN (tại trụ sở DN hoặc kiểm tra ở trụ sở cơ quan Hải quan). Và số truy thu này tương đương với số thu từ kết quả kiểm tra của cả năm 2014. Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên nắm được, kết quả thu năm 2014 của Chi cục KTSTQ Hải Phòng đạt trên 200 tỷ đồng. Lý giải điều này, ông Trần Mạnh Cường cho biết, năm 2014 quả thực số thu của Chi cục đạt trên 200 tỷ đồng, nhưng có tới 120 tỷ đồng là số thu từ kết quả công tác phúc tập, tham vấn giá, còn trên 80 tỷ đồng là số thu từ kết quả các cuộc kiểm tra như đề cập ở trên. Nhưng hiện nay, công tác phúc tập, tham vấn giá được thực hiện ở các chi cục nơi làm thủ tục thông quan.
Phân tích rõ hơn điều này, theo Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan), trước đây cơ quan Hải quan quản lý (công tác KTSTQ) thông qua hoạt động phúc tập hồ sơ nhưng cách làm chỉ theo từng lô hàng, từng tờ khai nên mang tính chất riêng lẻ. Theo các quy định mới (trong Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn) tại các Chi cục Hải quan làm thủ tục thông quan, qua từng lô hàng cơ quan Hải quan sẽ tổng hợp đối tượng, mặt hàng có rủi ro cao để tập trung kiểm tra nhanh chóng, kịp thời, tránh được các hiện tượng gian lận. Và theo quy định mới thẩm quyền quyết định KTSTQ cũng được mở rộng gồm Cục trưởng Cục Hải quan và Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, do vậy, việc KTSTQ tại trụ sở cơ quan Hải quan được thực hiện tại cả Chi cục KTSTQ và Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai (trước đây công tác “hậu kiểm” chỉ do Chi cục KTSTQ thực hiện).
Chi cục trưởng Trần Mạnh Cường cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác “hậu kiểm” theo tinh thần của Luật Hải quan 2014 và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao, Chi cục KTSTQ Hải Phòng đang đẩy mạnh công tác kiểm tra tại trụ sở DN và thực hiện việc “hậu kiểm” theo chuyên đề với những đối tượng DN, mặt hàng có nguy cơ cao trong gian lận, thất thoát thuế. Để làm được điều này đòi hỏi đội ngũ CBCC trong toàn đơn vị phải tích cực rèn luyện để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ bởi quá trình kiểm tra, đấu tranh tại trụ sở DN đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, khi chứng minh được sai phạm sẽ làm cho DN “tâm phục khẩu phục” và chấp hành quyết định của cơ quan Hải quan, tránh việc khiếu kiện, khiếu nại…
Vụ việc điển hình khi thực hiện kiểm tra tại trụ sở DN của Chi cục KTSTQ Hải Phòng thực hiện năm 2015 liên quan đến Công ty A- DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trụ sở tại TP.HCM. Phó Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ Trần Ngọc Lân cho biết, quá trình nắm bắt, phân tích thông tin hàng hóa NK khai báo của Công ty A, đơn vị phát hiện mặt hàng DN khai báo trước đây là “hộp mực cho máy in ảnh” và khai mã số 8443.99.20 có thuế suất thuế NK 0%. Nhưng hàng hóa thực nhập của DN là bộ sản phẩm bao gồm “cuộn ruy băng từ plastic đã được phủ mực để in” và “giấy in ảnh đã được phủ plastic 2 mặt” thuộc mã số 9612.10.90 có thuế suất thuế NK 10%.
Trên cơ sở nắm bắt, phân tích thông tin, Chi cục đã đề xuất lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng ra quyết định KTSTQ tại trụ sở của DN ở TP.HCM. Khi tiến hành kiểm tra, cơ quan Hải quan đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ, quy định liên quan đến mặt hàng mà Công ty A NK và chứng minh cho DN thấy mặt hàng được nhập của Công ty có thuế suất thuế NK 10%. Trước đây, DN đã khai sai mã số (vào mã có thuế suất thuế NK 0%) dẫn đến làm thiếu số thuế phải nộp. Với những căn cứ xác thực, nên Công ty A đồng tình và chấp hành nghiêm quyết định truy thu, xử phạt của cơ quan Hải quan với tổng số tiền trên 24 tỷ đồng. Theo ông Trần Ngọc Lân, hiện nay DN đã chấp hành quyết định và nộp đủ số tiền nêu trên vào ngân sách Nhà nước.
Việc chỉ trong thời gian ngắn một DN FDI đã nhanh chóng chấp hành quyết định của cơ quan Hải quan và nộp một khoản tiền lớn vào ngân sách cho thấy quá trình kiểm tra và những chứng cứ mà cơ quan Hải quan đưa ra chặt chẽ, đủ sức thuyết phục đối với DN. Ông Trần Ngọc Lân chia sẻ, với các DN FDI, để việc kiểm tra đạt hiệu quả, vấn đề chuẩn bị đầy đủ tài liệu, phân tích, đánh giá thông tin, việc lập luận, chứng minh một cách chặt chẽ, rõ ràng cộng với quá trình tác nghiệp phải chuyên nghiệp sẽ giúp lực lượng “hậu kiểm” nhận được sự hợp tác của DN. Và khi DN đã nhận ra sai phạm sẽ chấp hành nghiêm và không có tình trạng trây ỳ, khiếu nại đối với quyết định của cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, quá trình kiểm tra tại trụ sở Công ty A ở TP.HCM, đơn vị cũng nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả từ Chi cục KTSTQ (Cục Hải quan TP.HCM).
Liên quan đến thực hiện công tác KTSTQ theo quy định mới của Luật Hải quan và Nghị định 08/2015/NĐ-CP, ngày 7-4-2015, Cục Hải quan Hải Phòng đã tổ chức phân công nhiệm vụ cho các Chi cục trực thuộc thực hiện nhiệm vụ “hậu kiểm”.
Theo đó, đối với việc kiểm tra tại trụ sở cơ quan Hải quan, chi cục nơi đăng ký tờ khai sẽ tập trung KTSTQ đối với hồ sơ hải quan, hàng hóa XNK có dấu hiệu nghi vấn đã được thông quan trong thời gian 60 ngày kể từ ngày thông quan đến thời điểm có quyết định kiểm tra; tổ chức kiểm tra trị giá tính thuế đối với các lô hàng nghi vấn gian lận về trị giá tính thuế.
Đối với chi cục làm thủ tục cho hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, tiến hành thu thập thông tin về định mức, mẫu hàng hóa, báo cáo nhập xuất tồn. Trường hợp có dấu hiệu nghi vấn sẽ chuyển về Cục (qua Chi cục KTSTQ) để lập đoàn kiểm tra tại trụ sở DN.
Chi cục KTSTQ thực hiện kiểm tra tại trụ sở Chi cục đối với hồ sơ hải quan đã được thông quan trong thời hạn 5 năm tính từ ngày đăng ký tờ khai (theo ủy quyền của Cục trưởng), trừ trường hợp chi cục nơi đăng ký tờ khai đã kiểm tra. Trường hợp kiểm tra tại trụ sở DN (người khai hải quan), Chi cục KTSTQ tổ chức thu thập thông tin, lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra theo quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP theo ủy quyền của Cục trưởng.
Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cũng yêu cầu các Chi cục Hải quan cửa khẩu bố trí từ 3 đến 5 công chức làm công tác chuyên trách KTSTQ; các chi cục ngoài cửa khẩu (Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công; Chi cục Hải quan KCX-KCN; Chi cục Hải quan Hải Dương, Chi cục Hải quan Hưng Yên; Chi cục Hải quan Thái Bình) bố trí từ 2 đến 3 công chức chuyên trách làm công tác này…
Theo Thái Bình
Báo Hải quan