Hải quan Bình Dương đối thoại chuyên đề với DN Hàn Quốc

Sáng 18/6, Cục Hải quan Bình Dương phối hợp với Chi hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại với trên 100 doanh nghiệp Hàn Quốc.

Cán bộ Hải quan Bình Dương giới thiệu thủ tục hải quan điện tử cho DN. Ảnh: T.H.
Cán bộ Hải quan Bình Dương giới thiệu thủ tục hải quan điện tử cho DN. Ảnh: T.H.

 

Giúp DN nắm chắc thủ tục XNK

 

Phát biểu tại hội nghị đối thoại, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Phước Việt Dũng cho biết, hiện nay, Cục Hải quan Bình Dương đang làm thủ tục cho trên 500 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc tại tỉnh Bình Dương. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên nhiều lĩnh vực và hầu hết các doanh nghiệp luôn phối hợp tốt với cơ quan Hải quan trong thực thi các thủ tục XNK, nhiều doanh nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng đầu tư dự án, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế của địa phương.

 

Thông qua buổi đối thoại này, Cục Hải quan Bình Dương hy vọng các nhà đầu tư Hàn Quốc đang làm và sẽ làm thủ tục tại Cục Hải quan Bình Dương nắm rõ hơn về các quy định liên quan đến hoạt động XNK và thủ tục cấp C/O; tăng cường sự phối hợp nhằm đảm bảo sự tuân thủ cho các nhà đầu tư; sự đồng hành của hải quan giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc ổn định, phát triển, mở rộng sản xuất.

 

Theo đánh giá của DN, trong thời gian qua, Cục Hải quan bình Dương đã làm tốt và duy trì thực hiện đối thoại với DN có cùng quốc gia đầu tư. Tại các hội nghị này có nội dung đối thoại theo yêu cầu của DN, theo đặc thù đầu tư của từng quốc gia; có thông dịch viên nên chất lượng truyền tải thông tin đến chủ DN được tốt hơn, hiệu quả hơn.

 

Trong thời gian qua, qua công tác kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Bình Dương đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vi phạm trong lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu… Chính vì thế, tại hội nghị này, lãnh đạo Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã lưu ý một số vướng mắc doanh nghiệp thường mắc phải để các doanh nghiệp phòng tránh, hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình hoạt động XNK.

 

Tại Hội nghị đối thoại, ông Nguyễn Hữu Nam, Trưởng Phòng Pháp chế- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh TP.HCM đã đưa ra những lưu ý về thủ tục cấp C/O, những vấn đề thường nhầm lẫn về khai C/O cho các doanh nghiệp…

 

Giải đáp nhiều vướng mắc về thủ tục

 

Tại hội nghị chuyên đề lần này, các câu hỏi vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc chủ yếu tập trung vào thủ tục XNK đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu và đã được các đơn vị chức năng của Cục Hải quan Bình Dương hướng dẫn, trả lời thỏa đáng.

 

Trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp về việc khai báo lại định mức, trong trường hợp doanh nghiệp khai báo sai định mức thực tế và đã tự phát hiện được khi thực hiện hợp đồng gia công xuất khẩu sản phẩm, Cục Hải quan Bình Dương cho rằng, căn cứ khoản 3 điều 9 Thông tư số 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài quy định: đối với mã hàng xuất khẩu 1 lần hết lượng hàng của mã hàng đó trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng thì chậm nhất 5 ngày trước khi làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu được khai báo lại định mức;

 

Đối với mã hàng xuất khẩu nhiều lần hết lượng hàng của mã hàng đó trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng: chậm nhất 5 ngày trước khi làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu lần cuối cùng của mã hàng (nếu điều chỉnh định mức do nhầm lẫn trong tính toán) hoặc chậm nhất 5 ngày trước khi làm thủ tục đăng ký tờ khai xuất khẩu sản phẩm có điều chỉnh định mức được khai báo lại định mức. Như vậy, việc khai báo định mức lại khi kết thúc hoặc trước khi kết thúc hợp đồng là không đúng với quy định hiện hành.

 

Cũng liên quan đến định mức, một số doanh nghiệp cho biết, cùng một loại sản phẩm nhưng liên tục phải thay đổi định mức nguyên liệu thì phạm vi được phép điều chỉnh như thế nào. 

 

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp, Cục Hải quan Bình Dương cho biết, căn cứ Điều 33 Thông tư 194/2010/TT-BTC quy định: “Định mức nguyên liệu, vật tư là định mức thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, bao gồm cả phần tỷ lệ phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức tiêu hao thu được trong quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu”.

 

Do đó, trường hợp cùng một mã hàng nhưng tại các thời điểm khác nhau có tỷ lệ tỷ lệ hao hụt không giống nhau thì công ty tiến hành thông báo điều chỉnh định mức theo định mức thực tế theo quy định. Việc điều chỉnh định mức phải tiến hành trước thời điểm xuất khẩu lô hàng có định mức điều chỉnh. Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công xem xét, quyết định điều chỉnh định mức…

 

Ngoài ra, tại hội nghị, Cục Hải quan Bình Dương cũng đã giải đáp trên 20 câu hỏi vướng mắc về thủ tục liên quan đến thủ tục thông quan hàng hóa; chính sách mặt hàng, thuế Bảo vệ môi trường…/.

 

Theo Thu Hòa

Báo Hải Quan