Giải pháp mới phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản
Để EPA và TPP thực sự có hiệu quả và để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng như chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam, ông Hoàng cho rằng, Chính phủ hai nước và doanh nghiệp hai nước cần mạnh mẽ hơn nữa và hỗ trợ nhau.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2015 sáng nay (14/10), ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Uỷ ban phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VCCI), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho rằng, Đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam - Nhật Bản (EPA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hai hiệp định rất quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà cũng sẽ góp phần mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản.
Để cụ thể hóa Việt Nam- Nhật Bản là đối tác chiến lược sâu rộng trong thời gian tới, Hiệp hội Hansiba đề xuất nên thiết thực triển khai, hỗ trợ và hợp tác sâu rộng giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam- Nhật Bản.
Ông Hoàng cho rằng, trong lĩnh vực Công nghiệp Hỗ trợ, ở Việt Nam hiện phải nhập khẩu hàng năm hàng chục tỷ Đô la các linh phụ kiện các ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo (trong đó riêng các tập đoàn Nhật lớn như Toyota, Canon.. đang phải nhập khẩu từ nước thứ ba các linh kiện này), trong khi khả năng để sản xuất cung cấp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản là sẵn sàng.
Mặt khác chính phủ Nhật Bản cũng hết sức quan tâm hỗ trợ Việt Nam phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ, chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách ưu đãi như quyết định 12 và đặc biệt quyết định 1043 về chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Nhật Bản. Tới đây Việt Nam cũng sẽ ban hành nghị định về Công nghiệp hỗ trợ và hướng tới xây dựng luật về Công nghiệp hỗ trợ để trình quốc hội thông qua.
Vậy để EPA và TPP thực sự có hiệu quả và để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng như chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam, ông Hoàng cho rằng, Chính phủ hai nước và doanh nghiệp hai nước cần mạnh mẽ hơn nữa và hỗ trợ nhau.
Cụ thể, theo ông Hoàng, đối với DN vừa và nhỏ Nhật Bản: Cần cung cấp thông tin đầy đủ đến các Doanh nghiệp này biết nhu cầu thị trường linh phụ kiện hiện Việt Nam đang nhập khẩu. Các Doanh nghiệp Việt Nam đang có khả năng, nhu cầu hợp tác sản xuất với doanh nghiệp Nhật Bản. Các chính sách ưu đãi và dự kiến ưu đãi khi họ vào đầu tư.
Đối với các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam: Cần bố trí nguồn vốn ODA và ưu đãi thương mại của Nhật Bản để các Doanh Nghiệp này vay vốn mua máy móc thiết bị từ Nhật Bản để Sản xuất các sản phẩm ngành Công nghiệp hỗ trợ.
Đối với các tập đoàn lớn Nhật Bản như Toyota: Nên xem xét cụ thể về hỗ trợ giá bán khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào Asean 2018 để có chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu linh phụ kiện khi lắp ráp xe tại Việt Nam. Trên cơ sở ràng buộc tỷ lệ nội địa hoá từng năm, yêu cầu các tập đoàn phải chung tay (đặt hàng về số lượng, chủng loại, chất lượng, giá thành ... ) với các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam – Nhật Bản để các Doanh nghiệp này có khả năng sản xuất cung cấp cho các tập đoàn Nhật Bản.
Đối với chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản: Nên lấy việc cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp hai nước nói chung và Doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng làm ưu tiên phát triển, hợp tác. Xem xét cụ thể từng trường hợp hỗ trợ ( như đối với Toyota và các tập đoàn khác đang có đầu tư tại Việt Nam) để thúc đẩy sự hình thành chuỗi sản xuất liên kết – cung ứng giữa Doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam ngay tại thị trường Việt Nam và từ đó tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng của TPP và thế giới.
N.L