EVNNPC: “Mời thầu cung cấp công tơ điện tử đúng quy trình, chất lượng đảm bảo”

Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vừa phát đi thông cáo báo chí về việc mua sắm và chất lượng công tơ điện tử trong năm 2016. Đây là động thái mới nhất của Tổng công ty trước các thông tin về chất lượng công tơ điện tử được báo chí đăng tải trước đó.


EVNNPC khẳng định từ việc xây dựng Hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu đến kiểm định chất lượng công tơ đều được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt.

EVNNPC khẳng định từ việc xây dựng Hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu đến kiểm định chất lượng công tơ đều được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt.

Xây dựng Hồ sơ mời thầu đúng quy định

Theo thông cáo, từ ngày 18/12/2016 đến nay, trên một số phượng tiện báo chí có đăng tải bài viết liên quan đến việc mua sắm và chất lượng công tơ điện tử tại EVNNPC trong năm 2016.

Trả lời các thông tin này, EVNNPC khẳng định từ việc xây dựng Hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu đến kiểm định chất lượng công tơ đều được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt.

Cụ thể, về Hồ sơ mời thầu, EVNNPC cho biết, xuất phát từ nhu cầu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2016 Tổng công ty đã tiếp tục tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung công tơ điện tử và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ từ xa, trong đó có gói thầu mà tác giả bài báo đề cập.

Với mục đích “mua sắm công tơ điện tử 1 pha có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ AMR phục vụ sản xuất kinh doanh điện năng sáu tháng đầu năm 2016”, Hồ sơ mời thầu đã được xây dựng phù hợp với yêu cầu hàng hóa trong gói thầu. Đó là “xây dựng hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa và cung cấp công tơ điện tử 1 pha 1 giá có tính năng đo xa công nghệ RF trong hệ thống”.

Theo đó, nhà thầu phải đề xuất cung cấp giải pháp công nghệ của hệ thống AMR theo công nghệ RF; mô tả hoạt động của hệ thống và tính năng của các phần tử trong hệ thống cùng với cung cấp công tơ điện tử.

Như vậy, Hồ sơ mời thầu đã xác định rõ ràng hàng hóa của gói thầu chính là cả hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa, mà trong đó công tơ điện tử chỉ là một phần trong phạm vi cung cấp hàng hóa của gói thầu.

“Với những yêu cầu trong Hồ sơ mời thầu, chỉ những nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn toàn diện đối với hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa AMR như phần mềm, thiết bị truyền thông và công tơ điện tử mới đáp ứng đươc. Yêu cầu kỹ thuật đối với công tơ điện tử trong Hồ sơ mời thầu hoàn toàn tuân thủ quy định về yêu cầu kỹ thuật công tơ điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam”, thông cáo viết.

Nhà thầu cung cấp công tơ điện tử đáp ứng đầy đủ yêu cầu

Đối với vấn đề năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu, EVNNPC cho biết trong xét duyêt đã yêu cầu nhà thầu phải có Hợp đồng tương tự phù hợp với yêu cầu và tính chất của gói thầu.

Cụ thể, trong Hồ sơ mời thầu có yêu cầu ít nhất một Hợp đồng với giá trị tối thiểu bằng 70% giá trị gói thầu, mà đó phải là Hợp đồng được nhà thầu hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà nhà thầu phụ trong vong 5 năm trở lại đây (tính đến thời điểm đóng thầu) cho hàng hóa là công tơ điện tử hoặc hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ.

Với các yêu cầu trên, Hồ sơ mời thầu đã được xây dựng tuân thủ đúng quy định của Thông tư số 05/2015/BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về Quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa.

“Trong quá trình xét thầu, nhà thầu Liên danh IFC-TSI-ELCOM đã đáp ứng yêu cầu của HSMT và đã cung cấp 3 hợp đồng tương tự thực hiện hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa AMR. Như vậy, nhà thầu Liên danh IFC-TSI-ELCOM hoàn toàn đáp ứng yêu cầu năng lực kinh nghiệm của Hồ sơ mời thầu”, EVNNPC khẳng định.

Công tơ điện tử đạt yêu cầu kỹ thuật và được kiểm định chặt chẽ

Đối với vấn đề chất lượng công tơ điện tử, EVNNPC nhấn mạnh công tơ đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật.

Cụ thể, nhà sản xuất có chứng chỉ ISO 9001: 2008 với phạm vi được chứng nhận là sản xuất và cung ứng công tơ điện; Công tơ của nhà sản xuất đã được Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam phê duyệt mẫu phương tiện đo theo quy định của Luật Đo lường.

Bên cạnh đó, toàn bộ 9 mẫu công tơ chào thầu (theo yêu cầu trong Hồ sơ mời thầu và không tách rời trong quá trình xét thầu) đều đạt yêu cầu kỹ thuật và được kiểm định bởi Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc trong quá trình xét thầu; Công tơ đã được xác nhận vận hành thành công trên lưới điện của đơn vị Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam sử dụng.

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, chất lượng công tơ được kiểm soát chặt chẽ qua các bước: thực hiện bốc mẫu công tơ và tổ chức thực hiện thử nghiệm tại Viên Đo lường Việt Nam trước khi giao hàng; toàn bộ công tơ trước khi sử dụng trên lưới đã được Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc thực hiện kiểm định ban đầu theo quy định của Nhà nước, kết quả 100% công tơ đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Về vấn đề hoạt động của công tơ điện tử, EVNNPC thông tin trong năm 2016 đã tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung công tơ điện tử và hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ từ xa. Trong đó, có gói thầu “cung cấp 128.000 công tơ điện tử 1 pha 1 giá công nghệ RF và 500 DCU” mà báo chí đề cập đến.

Thực hiện Hợp đồng, EVNNPC và nhà thầu đã tổ chức đào tạo trước khi triển khai lắp đặt sử dụng tại 12 Công ty Điện lực trực thuộc (CTĐL) và sau đó có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các CTĐL về công tác chuẩn bị, triển khai lắp đặt đưa vào sử dụng công tơ điện tử và hệ thống tự động thu thập số liệu từ xa AMR, thời gian hoàn thành năm 2016.

Để thực hiện giải pháp thu thập dữ liệu công tơ, nhà thầu có trách nhiệm phối hợp với các CTĐL, hỗ trợ kỹ thuật để xác định các vị trí lắp đặt thiết bị truyền thông như DCU, bộ khuếch đại tín hiệu RF (Repeater RF) và hướng dẫn cài đặt phần mềm, cấu hình thiết bị, khai báo dữ liệu và thực hiện hiệu chỉnh, tối ưu hệ thống để đảm bảo các yêu cầu về thu thập dữ liệu công tơ và thời gian thu thập dữ liệu.

Thực tế trong quá trình lắp đặt hiện trường tại các trạm biến áp, các công tơ điện tử hoạt động chính xác, đảm bảo tin cậy trong xác định điện năng tiêu thụ của khách hàng.

“Tuy nhiên, thời gian đầu việc thu thập dữ liệu công tơ có thể chưa ổn định vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như vị trí lắp đặt, vật cản, vật che chắn, thời tiết, độ ồn, các yếu tố gây nhiễu tần số, chất lượng đường truyền… Quá trình thu thập dữ liệu của hệ thống sẽ được hiệu chỉnh, tối ưu trong quá trình theo dõi vận hành và đánh giá hệ thống”, EVNNPC cho biết.

Sự việc Công ty Điện lực Thái Nguyên báo cáo về kết quả lắp đặt công tơ điện tử và hệ thống tự động thu thập số liệu từ xa AMR, trong đó phản ánh một số khó khăn và hạn chế trong quá trình thực hiện thu thập dữ liệu công tơ điện tử kể từ thời điểm lắp đặt, ở thời điểm hiện tại chỉ là hiện tượng đơn nhất. Bởi các CTĐL khác chưa có văn bản báo cáo phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hiện nay EVNNPC đang cùng với các Nhà thầu thực hiện đánh giá tính năng của hệ thống tại một số đơn vị trong số các CTĐL theo nội dung đã thỏa thuận của Hơp đồng. Kết quả đánh giá tại CTĐL Sơn La, Hà Nam hệ thống thu thập dữ liệu hoạt động ổn định và đáp ứng các tính năng theo yêu cầu của Hợp đồng.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Trưởng ban kinh doanh EVNNPC:

“Năm 2016, NPC mua tiếp hơn 400 nghìn công tơ điện tử với tính năng hiện đại hơn hẳn là khả năng “đo đếm tự động tập trung”. Khi sử dụng hệ thống này, tất cả dữ liệu, số liệu của công tơ đều truyền về trung tâm, người quản lý có thể đọc bất kì lúc nào. Ví dụ như ngồi ở nhà, người quản lý chỉ cần có mã số, mật khẩu là đọc được chỉ số công tơ của khách hàng khu vực đó đang như thế nào, có bị yếu tố bên ngoài tác động vào công tơ hay không, cho nên công tác quản lý rất nhàn”.

Xuân Hải