Dược sĩ Lê Thị Bình: Gia đình mới là niềm đam mê lớn nhất
Gặp Dược sĩ Lê thị Bình vào một ngày giữa tháng 10, tiết thu se lạnh, khi chị vừa đón liên tiếp 2 niềm vui: được vinh danh trong Top 100 Doanh nhân Việt Nam Tiêu biểu đồng thời cũng là người đoạt giải thưởng “Nữ Doanh nhân Trí thức thành đạt”.
Trong câu chuyện chị không chỉ có niềm vui mà đôi lúc có cả sự chiêm nghiệm. Để có được sự ghi nhận hôm nay là cả một chặng đường nỗ lực cố gắng. Con đường đến với thành công không chỉ trải toàn hoa hồng.
Đã có lần rơi nước mắt
Có được Tâm Bình như hôm nay quả thật không dễ dàng. Nhiều lúc nghĩ lại nước mắt vẫn cứ tự nhiên trào ra… Từ nền tảng thuốc truyền thống, sản xuất theo phương pháp thủ công nhỏ lẻ, muốn dành tâm sức trí tuệ để nghiên cứu, phát huy lên thành các sản phẩm mới vẫn giữ được cái hay cái tốt thuốc cổ truyền, hạn chế được những nhược điểm đồng thời đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất quy mô lớn, đại trà sao cho người bệnh có được những sản phẩm tốt nhất. Ấp ủ điều đó lâu rồi nhưng thực hiện thì cũng phải đến tận năm 2010 lập ra Tâm Bình, tôi mới có điều kiện bắt tay vào thực hiện ý định và đối mặt với khó khăn trăm bề…
Nghe chuyện chị kể, hẳn ai cũng không tránh khỏi ngỡ ngàng. Chị vừa tự là người nghiên cứu ra sản phẩm đồng thời cũng kiêm luôn là nhà sản xuất trực tiếp và điều hành sản xuất rồi cũng tự mình làm marketing, tự mình tìm kiếm, và lo kênh phân phối sản phẩm rồi khi cần thiết, tự mình chị trở thành nhà ngoại giao cần mẫn đi hết nơi này đến nơi kia giao dịch cho công việc, rồi phân bổ, sắp xếp và điều hành nhân viên… hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, tối đến vẫn chưa hết việc vì còn phải điện thoại cho những đầu mối cung ứng dược liệu để thương thảo sao cho nhà máy có những loại dược liệu tốt nhất để sản xuất. Tuốt tuột đều một tay chị làm tất, vậy mà công việc cứ vận hành trơn tru và phát triển đều đều. Chị bảo: Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, chẳng ai giúp mình nên tự mình phải xoay xỏa cả, làm mãi thành quen. Nhưng cũng có lần làm đi làm lại nhiều lần không được như ý, mình cứ rơi nước mắt ra vì cực quá.
Làm nên sự nghiệp từ 2 chữ “Tâm” và “Nhẫn”
Dược sĩ Lê Thị Bình tâm sự: đổi mới công nghệ là điều khó nhất. Cái nhược của thuốc cổ truyền chính là vì dạng viên hoàn, người bệnh phải sử dụng hàng chục viên cho mỗi lần. Đã thế, viên hoàn lại có những nhược điểm như khó tan rã, bất tiện cho người sử dụng, có người đường ruột kém, khi uống viên hoàn không tan được nên thải nguyên ra cả viên, làm thuốc mất tác dụng… Khi kiểm nghiệm thuốc cũng rất khó, phải đợi nửa ngày mới tan lại bảo quản không được lâu. Làm sao chuyển được từ dạng viên hoàn cứng sang viên nang là khắc phục được cái nhược điểm ấy. Khi nghiên cứu để tinh chế dược liệu để chuyển đổi sang dạng viên nang đã mất đến gần 1 năm nghiên cứu công thức. Nhưng khi bắt tay vào sản xuất lại gặp phải hai vấn đề đó là do không có máy để sản xuất viên nang nên phải đi làm nhờ ở các công ty dược khác nên phải tính toán và nghiên cứu lại công thức. Khó khăn vất vả nhiều lúc tưởng như chùn bước vì luôn phụ thuộc vào thời gian của họ, khó kiểm tra hàm lượng do mình không được vào trực tiếp theo dõi sản xuất…
Nhưng dù có làm gì, nghiên cứu tìm hiểu gì thì tôi cũng làm theo cái tâm của mình chỉ dẫn. Vỉ thuốc của tôi là 12 viên, bình thường là chỉ 10 viên thôi nhưng tôi thêm lên cho người bệnh đủ liều uống 4 lần. Làm vậy giá thành đội lên nhưng tôi vẫn chỉ tính như vỉ 10 viên. Sản phẩm của mình là tự nghiên cứu, lại có nền tảng nghề thuốc từ lâu nên không những giá thành rẻ, phù hợp với đa số người tiêu dùng mà còn chất lượng và hiệu quả. Người bệnh dùng đủ liều, đỡ bệnh họ sẽ mua tiếp.
Giải thưởng “Nữ Doanh nhân Trí thức thành đạt” đã ghi nhận thành công về mặt áp dụng khoa học công nghệ vào nghiên cứu sản xuất. Nghĩ lại thì chính nhờ chữ “nhẫn” và chữ “Tâm” thông suốt nên mình mới bước qua được gian khó đến được với thành công hôm nay.
Gia đình mới là niềm đam mê lớn nhất
Dược sĩ Lê Thị Bình cho biết: Sang năm sẽ đưa ra thị trường thêm 3 sản phẩm nữa là: mỡ máu, bổ thận nam và thanh nhiệt mát gan tiêu độc và xây nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP – WHO để sản xuất xuất khẩu ra nước ngoài. Giờ trong nước hàng hóa cũng phủ rộng khắp rồi nên nghĩ đến hướng xuất khẩu.
Thật khó tưởng tượng người phụ nữ mới ngoài 40 mà đã gặt hái hết thành công này sang thành công khác trong sự nghiệp, được xã hội ghi nhận và vinh danh công lao bằng nhiều giải thưởng: Chị là người phụ nữ duy nhất của ngành dược 3 lần được trao tặng cúp Bông Hồng Vàng cho những thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh và có nhiều đóng góp cho cộng đồng và cũng là người 2 lần được vinh danh trong Top 100 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu và trao tặng Cúp Thánh Gióng, được tặng danh hiệu Tri thức trẻ thủ đô… Riêng năm 2013, ngoài giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”, chị còn được tôn vinh là “Doanh nhân tiêu biểu Thủ Đô”, và được trao giải thưởng “Nữ Doanh nhân Tri thức thành đạt”. Chị cũng là khách mời trong chương trình “Người Đương thời” của Đài Truyền hình Việt Nam.
Thế nhưng chốt lại câu chuyện chị bảo rằng: Thực ra đam mê lớn nhất của tôi là gia đình nhưng do thời thế mà tôi phải tham gia thương trường và cố gắng làm tốt nhất vai trò đó. Tuy nhiên vai trò người vợ, người mẹ tôi cũng luôn coi trọng và giữ nếp gia đình- đó cũng là truyền thống của gia đình từ xưa đến nay. Chồng là công an, con trai lớn được nhận học bổng học ngành Dược tại Anh còn con gái vừa thi vào vào Trung học Phổ thông năm học này đã đỗ cả 3 trường chuyên danh tiếng: Tổng hợp, Sư phạm và Amsterdam Hà Nội- đó là niềm tự hào lớn nhất với tôi. Hạnh phúc nhất là các cháu đều ngoan, nghe lời bố, mẹ, vợ chồng thuận hòa đầm ấm. Mọi việc ở Công ty tôi cáng đáng hết nhưng vẫn dành thời gian chăm lo cho chồng con từ miếng ăn, đến quần áo mặc… Sắp tới con trai sắp về nước, tôi sẽ để cho con sang nhà máy làm công nhân, sinh hoạt như công nhân thực thụ để rèn luyện cho con một thời gian.
Nghe chị nói chuyện, tôi hiểu vì sao mà người phụ này thành công và được xã hội ghi nhận vinh danh nhiều lần đến vậy.
Bùi Kim Xuyến