TPHCM:

Doanh nhân Lê Hùng Dũng và tâm khí người con đất An Giang

Người ta biết đến ông Lê Hùng Dũng không chỉ với vai trò là một Chủ tịch ngân hàng lớn tại Việt Nam mà còn là một vị doanh nhân đam mê trái bóng. Mặc dù đã đến tuổi lục tuần nhưng dường như, niềm đam mê bóng đá trong ông không bao giờ cạn.

Người “thuyền trưởng” đầy bản lĩnh ở Eximbank

Không giống như những vị doanh nhân Việt Nam khác, luôn kín tiếng và “khó gần”, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) - ông Lê Hùng Dũng lại là một người giản dị và luôn sẵn sàng chia sẻ về những trải nghiệm, công việc của mình. Hơn nữa, khi nhắc đến trái bóng, ông có thể nói một cách “thao thao bất tuyệt” với một tâm trạng hào hứng.

Khi có dịp hỏi thêm thông tin về ông Lê Hùng Dũng, chúng tôi nhận được những cái gật đầu tán thưởng từ bạn bè, đồng nghiệp và cả nhân viên của ông: “Sếp Dũng thẳng thắn, tâm huyết và có trách nhiệm lắm”, “Chú nghiêm khắc nhưng cũng tình cảm lắm” hay “Ổng hoài cổ và rất chân thành”.

Ngồi ở vị trí Chủ tịch Eximbank 4 năm, không ngắn cũng không dài nhưng ông là người “thuyền trưởng” đầy bản lĩnh khi “lèo lái” cả con thuyền đưa hơn 5.000 “phi hành đoàn” của Eximbank vượt qua những khó khăn về tài chính cả bên trong lẫn bên ngoài.

Trong nhiều năm đứng trên thương trường, những chuyện vui có - buồn có nhưng ông luôn dành được sự tôn trọng của mọi người vì cái chân chất và hồn hậu của người con An Giang và trên hết là ông luôn có “tâm” trong mọi việc.

Doanh nhân Lê Hùng Dũng và tâm khí người con đất An Giang
Ông Lê Hùng Dũng (đứng thứ 3 từ trái) đang chia vui trên sân vận động Cần Thơ cùng chiến thắng của Đội tuyển U19 Học viện Hoàng Anh Gia Lai

Làm kinh doanh nhưng… “trót” yêu trái bóng

Bên cạnh làm kinh doanh, vị doanh nhân này vẫn không để niềm đam mê từ nhỏ của mình bị lãng quên. Ngay từ thời ấu thơ, ông đã có một niềm đam mê mãnh liệt đối với bóng đá nước nhà. Đến khi trưởng thành, trái bóng vẫn theo ông trong suốt những chặng đường của sự nghiệp, để sau đó, ông được tập thể Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch VFF.

Ông Lê Hùng Dũng sinh năm 1954, tại An Giang. Ông có trình độ cao cấp chính trị, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Ngoại ngữ Praha Tiệp Khắc. Ông từng kinh qua các chức vụ như Phó Giám đốc nhà hàng Festival; Giám đốc Trung tâm du lịch Thanh niên Việt Nam; Chủ tịch Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh Niên Việt Nam; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC); từ năm 2010 đến nay ông là Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ông từng tham gia nhiều nhiệm kỳ VFF, trong đó có hai nhiệm kỳ giữ vai trò Phó Chủ tịch tài chính.

Với niềm đam mê trái bóng, dù đương nhiệm vị trí nào, ông cũng thường kêu gọi các nguồn tài trợ giúp các giải đấu quốc gia có nguồn tài chính ổn định để đội tuyển quốc gia được chăm lo chu đáo. Ông xuề xòa: “Tôi cũng không làm được gì nhiều, do có những người bạn, người ta cũng yêu bóng đá như mình nên tôi kêu gọi và gắn kết anh em ủng hộ cho mấy đứa nhỏ. Có thực thì… bóng mới lăn được chú à”.

Được biết, tại Đại hội VFF nhiệm kỳ VII, ông Lê Hùng Dũng là ứng cử viên duy nhất cho ghế Chủ tịch và được Đại hội thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối 96,6% để trở thành vị Chủ tịch thứ 9 của VFF. Khi nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp tại VFF, ông Lê Hùng Dũng thường trăn trở với bóng đá nước nhà. Là một người thẳng thắn ông thường chỉ ra những yếu kém của bóng đá nước nhà trong suốt thời gian dài qua, đồng thời ông cũng vạch chiến lược để thay đổi toàn diện nền bóng đá Việt Nam trong thời gian tới.

Nếu mọi người từng biết đến bầu Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) là một doanh nhân yêu bóng đá “đến cuồng” thì ông Dũng cũng có đam mê mãnh liệt với quả bóng tròn này. Ông từng bắt bắt tay với bầu Đức để đưa Arsenal sang Việt Nam hay đưa “đội bóng trong mơ” U.19 Barcelona sang đọ sức cùng dàn U.19 của học viện Arsenal - Hoàng Anh Gia Lai vào tháng 1/2014. Những điều tưởng chừng như không thể được ông từng bước từng bước thực hiện với niềm tin và đam mê mãnh liệt với bóng đá nước nhà.

Không dễ gì để về nhất trong cuộc chạy đua vào vị trí ghế nóng của VFF, tuy nhiên, chúng tôi cũng lo lắng thay ông ở vị trí này, nơi mà người dân trút giận khi đội tuyển đá thua; nơi “gạch đá” không thiếu khi xảy ra những chuyện “nhạy cảm” liên quan đến cầu thủ, huấn luyện viên… Nhìn vào thực tiễn có thể thấy, bóng đá Việt Nam hiện nay còn khá nhiều điểm yếu kém, thực chất bóng đá nước ta đang trong giai đoạn quá độ từ bóng đá bao cấp sang bóng đá thị trường, mang danh chuyên nghiệp vì thế, bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt là khi VFF phải đối mặt với năm 2013 vừa qua với vô số sự cố: Chưa khi nào bóng đá có nhiều scandal như ở V-League 2013; Tiếp đến là việc một ủy viên Ban Trọng tài “cầm nhầm” tiền do một lúc đi làm nhiệm vụ tại 2 giải. Chưa hết, ngay trước thềm V-League 2014, 6 trọng tài và trợ lý trọng tài đã bị cho “cất kho” vì nhiều lý do khác nhau… và còn nhiều nữa những lời đồn thổi về mảng tối trong bóng đá Việt Nam.

Khi nhắc đến vấn đề này, ông Lê Hùng Dũng nghiêm túc hẳn và trả lời đầy trăn trở: “Buồn lắm chú à, khi một người yêu bóng mà chứng kiến những việc này xảy ra, tôi đau lắm chứ. Tôi đã từng hứa, sẽ không lấy một đồng bạc nào khi đảm nhiệm vị trí này. Trót yêu trái bóng thì không ngại khổ, “gạch đá” ai ném thì tôi nhận hết. Chỉ mong anh em cố sức hỗ trợ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi về hưu, tôi muốn làm một điều gì có ý nghĩa với đất nước, với người hâm mộ trái bóng Việt Nam. Chứ tuổi này rồi, ham chi “danh phận””.

Nói thêm về bóng đá Việt Nam, ông cho biết mình có niềm tin rất lớn vào nền bóng đá nước nhà. Hiện nay bóng đá Việt Nam đang có mối quan hệ rất tốt với AFF, AFC, FIFA. Đây là một lợi thế để nâng cao vị thế bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế trong thời gian tới. Đồng thời, ông cũng nhắn nhủ đến với mọi người: “Hãy tin vào những điều không thể và hãy làm cho đến khi nó thành sự thật”.

Vừa là doanh nhân, phải chăm lo cho cuộc sống của hơn 5.000 nhân viên, vừa mang trong mình hoài bão lớn, chỉ mong vị doanh nhân giàu tình cảm này có sức khỏe, giữ được bản lĩnh “gừng càng già càng cay” để cống hiến cho nền kinh tế và bóng đá nước nhà

 

Tại sự kiện giải đấu U19 bóng đá trẻ quốc gia và quốc tế Cup Báo Thanh Niên 2014 được tổ chức tại Cần Thơ ngày 29/10 vừa qua, mặc dù giải đấu đã khép lại nhưng dường như âm vang chiến thắng vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Trong suốt hơn 1 tháng diễn ra giải đấu, không những người Cần Thơ mà kể cả những khán giả mọi miền Tổ quốc khi tề tựu về đây đã dường như “ăn cùng, ở cùng, thậm chí ngủ cùng trái bóng”. Và Chủ tịch VFF mặc dù vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng vẫn xuất hiện trong một số trận cầu quan trọng của giải.

Ngày diễn ra trận đấu chung kết, khó có thể thấy một trận đấu nào được tổ chức thành công như trận đấu ngày 29/10, trên khán đài đông kín người đến cổ vũ. Theo số liệu Ban tổ chức giải đấu cho biết, có tới hơn 50.000 khán giả đã tề tựu về sân vận động Cần Thơ để cổ vũ cho các tuyển thủ Việt Nam. Có thể nói, chưa bao giờ không khí sân vận động Cần Thơ lại “bốc cháy cùng quả bóng” như giải đấu vừa qua.

Ngọc Diễm – An Nhiên