Doanh nghiệp Việt Nam: Tăng trưởng hay phát triển bền vững
Trong quá trình phát triển, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng cố gắng hướng các khâu sản xuất thô và gia công ra bên ngoài của các nước phát triển do phí tổn ngày càng cao của cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn.
Có một sự thật mà Thomas Friedman đã quên không nói đến trong bức tranh về thế giới phẳng của ông: Quá trình toàn cầu hóa, trong khi hướng dòng hàng hóa xuất khẩu từ các nền kinh tế mới nổi sang các nước phát triển, thì cũng đồng thời xuất khẩu ngược trở lại những yếu tố thiếu bền vững và phá hủy môi trường sống. Các dòng tiền đầu tư chảy vào các nước đang phát triển, với động lực duy nhất là theo đuổi những con số tăng trưởng và lợi nhuận, chủ yếu nhằm vào các hoạt động kinh doanh dựa vào việc khai thác tận lực tài nguyên.
Trong quá trình phát triển, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng cố gắng hướng các khâu sản xuất thô và gia công ra bên ngoài của các nước phát triển do phí tổn ngày càng cao của cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn. Thay vào đó, những nền kinh tế hướng xuất khẩu với đích đến là các nền kinh tế phát triển đã được thúc đẩy tăng trưởng chỉ dựa vào lợi thế sản xuất quy mô lớn những hàng phẩm cấp thấp mà ít quan tâm đến chất lượng sống. Sự tổn thương môi trường sống của các nước đang phát triển được dùng để đánh đổi để lấy sự tăng trưởng và sự an toàn cho chất lượng sống của dân cư các nền kinh tế phát triển.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức điều này và có những hành động mạnh mẽ để thay đổi mối tương quan đó. Khi Ngân hàng Bắc Á, nhà tư vấn đầu tư của dự án sữa sạch TH True Milk, cho biết chiến lược của Bắc Á là tâp trung khuyến khích phát triển dự án sản xuất theo hướng công nghệ cao trong nông lâm ngư nghiệp dược liệu… và sản xuất các sản phẩm sạch, với cơ chế khép kín và mang tính an sinh xã hội. Có lẽ Bắc Á đang hướng đến một điều gì khác ngoài việc tối đa hóa lợi nhuận. Hiện Bắc Á là nhà tư vấn đầu tư tài chính dự án, trang trại quy mô nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD của Tập đoàn TH.
Định hướng đầu tư của những doanh nghiệp mà Ngân hàng TMCP Bắc Á tư vấn đầu tư có lẽ có thể coi là tín hiệu của sự khởi đầu cho một thế hệ những nhà đầu tư mới trong xu hướng nhằm vào các dự án có mục tiêu cải thiện chất lượng sống như chế biến thực phẩm sạch, sữa sạch, ngành y dược sạch hay các bệnh viện và trường học đạt tiêu chuẩn hàng đầu quốc tế ngay tại Việt Nam. Đây là những lĩnh vực tạo ra giá trị thật, bền vững và thân thiện với môi trường, qua đó mang lại thông điệp về tương lai bền vững.
Phó thủ tướng Thái Lan mới đây từng tuyên bố sẵn sàng từ bỏ vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới, miễn là người nông dân của họ có thể cười vui. Ông đã gửi đi một thông điệp về một quan điểm phát triển mới hướng đến con người. Với chiến lược đầu tư dây chuyền sản xuất sạch, khép kín, có lẽ nhiều hơn việc cạnh tranh, nhà đầu tư của Việt Nam cũng đang hướng đến nụ cười của cả những người tiêu dùng và người nông dân sản xuất, và gửi đi một thông điệp lạc quan đến tương lai. Bởi vì, như nhiều nhà nghiên cứu về con người đã thừa nhận, phát triển kinh tế chỉ là phương tiện, mục đích thật sự phải là sự phát triển bền vững mang những giá trị cốt lõi, những giá trị thật cho cuộc sống nhân văn.