Đem thương hiệu dược phẩm Việt Nam “xuất ngoại”
(Dân trí) - Việc United International Pharma (UIP), thuộc Tập đoàn Unilab (Philippine) đưa nhà máy dược phẩm đạt chuẩn PIC/S-GMP đi vào hoạt động đã đánh dấu một bước phát triển mới của ngành dược Việt Nam trên con đường tiếp cận với những tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Theo kế hoạch của UIP, trong thời gian đầu, 20% sản phẩm của nhà máy sẽ phục vụ cho việc xuất khẩu sang các nước phát triển trong khu vực lẫn trên thế giới. Cũng chính vì thế mà công trình phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong toàn hệ thống và quá trình sản xuất. Tất cả các công đoạn của nhà máy đều được phía Unilab đầu tư trang thiết bị hiện đại. Toàn bộ quy trình, hệ thống, thiết bị đều được sự tư vấn của SEER Pharma (Anh) và các đối tác đến từ Philippine, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam...
Đem thương hiệu dược phẩm Việt Nam “xuất ngoại”
Nếu nói về vấn đề xuất khẩu dược phẩm, dù vẫn có một số doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm “xuất ngoại” nhưng phần lớn tập trung vào những thị trường có mức chi tiêu cho y tế thấp. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, theo phân tích của các công ty chứng khoán về ngành dược, hiện Việt Nam chỉ có trên 52% doanh nghiệp dược (trong tổng số gần 200 doanh nghiệp) đủ tiêu chuẩn sản xuất thuốc. Song, chủ yếu vẫn dừng lại ở những sản phẩm thuốc generic, giá trị chưa cao và mới đáp ứng được 50% nhu cầu tiêu thụ. Sự ra đời của nhà máy UIP sẽ góp phần tăng nguồn cung cho thị trường nội địa (khoảng 20% sản lượng).
Ngoài ra, nếu nhìn từ khía cạnh tăng trưởng của ngành công nghiệp dược, dự đoán của Công ty Cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu (RNCOS), cho thấy, dù trong vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp dược thế giới đã chậm lại với mức 6 – 8% nhưng tại các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, mức dao động vẫn ổn định từ 12 – 15% (giai đoạn 2009-2012). Liên quan đến vấn đề này, ông Benedicto Caleda, Tổng giám đốc UIP, cho rằng, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và việc UIP xây dựng nhà máy thứ hai (đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II) là một minh chứng cho thấy công ty vô cùng lạc quan với mức tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam trong thời gian dài. Đây cũng là nhà máy thứ 13 của Tập đoàn Unilab trong khu vực châu Á. Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó, vào 1997, khi Việt Nam hầu như chưa có sự hiện diện của các công ty dược phẩm đa quốc gia, UIP đã mạnh dạn đầu tư nhà máy 6 triệu USD tại TP.HCM. Sự liên tục đầu tư này cho thấy, Unilab luôn tin tưởng thị trường và chính phủ Việt Nam cũng như 15 quốc gia mà tổ chức này đang hoạt động.
Một số tiêu chuẩn dược phẩm quốc tế đang được áp dụng tại các nước phát triển - PIC/S - GMP (Pharmaceutical Inspection Co-Operation Scheme): Chương trình hợp tác về thanh tra trong lĩnh vực thực hành tốt sản xuất thuốc. Các quốc gia tham gia Công ước PIC/S phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về sản xuất và chất lượng sản phẩm (tiêu chuẩn châu Âu). Đồng thời các loại dược phẩm xuất khẩu sang các nước này cũng phải đạt chuẩn PIC/S. - Tiêu chuẩn EMEA (European Agency for Evaluation of Medicinal Products): Cơ quan đánh giá dược phẩm châu Âu. Những dược phẩm khi xuất sang EU phải được doanh nghiệp trình hồ sơ đăng ký sản xuất, EMEA sẽ kiểm tra nghiêm ngặt từ quá trình sản xuất cho đến sản phẩm. Khi được EMEA phê chuẩn, dược phẩm mới được lưu hành. - Tiêu chuẩn USFDA (US Food and Drug Administration): Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ. Dược phẩm khi xuất sang Hoa Kỳ đều phải tuân theo những tiêu chuẩn của USFDA và phải được cơ quan này phê chuẩn mới được lưu hành. - Trong khi đó, tiêu chuẩn WHO-GMP (World Health Organization - Good Manufacturing Practice): Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo cam kết của Việt Nam với WTO, kể từ năm 2010, thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất tại Việt Nam ít nhất phải đạt tiêu chuẩn WHO – GMP, do Cục quản lý dược (Bộ Y tế Việt Nam) kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. |
PV