Đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, AkzoNobel củng cố vị thế hàng đầu khu vực

Việt Nam đang ngày càng hội nhập và khẳng định vị trí quan trọng trên trường quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng nhanh, với mong muốn phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Nhận thấy điều đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang tăng cường sự hiện diện của mình tại quốc gia này, như tập đoàn sơn và chất phủ bề mặt hàng đầu thế giới AkzoNobel. Tập đoàn đã tin tưởng vào sự tăng trưởng của Việt Nam và chọn nơi đây để đầu tư nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương (SEAP).

Đầu tư cho kỳ vọng vào tương lai

Theo một cuộc khảo sát chỉ số niềm tin trong quý đầu năm nay thực hiện bởi phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, 36% doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam nhận định tình hình kinh doanh của họ là “tốt” hoặc “xuất sắc”, tăng nhẹ so với con số 32% của quý cuối năm ngoái.

Những số liệu khả quan trên đã giúp ông Jeremy Rowe, Giám đốc điều hành công ty Sơn trang trí AkzoNobel tại khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương tin rằng, tiềm năng của Việt Nam và các nước đang phát triển sẽ giúp công ty đạt được tham vọng doanh thu 20 tỷ euro trong chiến lược trung hạn vào năm 2020.

Số liệu đầu tư cho thấy niềm tin của AkzoNobel vào tiềm năng phát triển của Việt Nam. Mới đây, AkzoNobel vừa công bố hoàn thành giai đoạn quan trọng trong việc mở rộng nhà máy tại Việt Nam, tiếp tục đà tăng trưởng liên tục cho khối sơn trang trí tại Đông Nam Á. Khoảng 13 triệu euro đang được đầu tư xây dựng nhà máy tại khu công nghiệp Mỹ Phước, Bình Dương để tối ưu hóa hoạt động và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong khu vực.

AkzoNobel khối sơn trang trí đã không ngừng đầu tư tại khu vực Đông Nam Á với việc mở rộng nhiều nhà máy. Nhà máy ở khu công nghiệp Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương đã được công ty đầu tư xây dựng vào tháng 9 năm 2007 với tổng số vốn ban đầu là 8 triệu euro, có tổng diện tích 60.000 m2.

Củng cố vị thế dẫn đầu

Việc mở rộng đầu tư của AkzoNobel sẽ tăng cường đáng kể năng lực sản xuất của nhà máy Bình Dương, ví dụ như năng suất sản xuất 60 triệu lít sơn/năm hiện nay được dự kiến sẽ lên đến 100 triệu lít sơn /năm khi nhà máy hoàn thiện vào năm 2016.

Ông Rowe cho biết nhà máy còn ứng dụng công nghệ tiên tiến, tiến đến qui trình sản xuất mang tính linh hoạt cao với chu kỳ thời gian ngắn hơn và đem đến nhiều lựa chọn hơn về màu sắc cho người tiêu dùng. “Bên cạnh việc  nâng cao năng lực và cải tiến cơ sở sản xuất, mức tiêu hao năng lượng cũng được giảm thiểu trong quá trình sản xuất. Công nghệ mới đã giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng 20% trên mỗi lít sơn”, ông Rowe cho biết thêm.

AkzoNobel khối sơn trang trí còn phát triển và giới thiệu những sản phẩm thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng trong khu vực, như sản phẩm Dulux Weathershield Keep Cool, áp dụng công nghệ phản xạ nhiệt giúp giảm nhiệt độ bên ngoài bức tường 5oC so với dòng sơn ngoài trời truyền thống.

Trong tương lai gần, nhà máy của công ty tại Bình Dương sẽ sử dụng các phương pháp tái chế để giảm chất thải công nghiệp ra môi trường.

Ở cấp độ toàn cầu, ông Jeremy Rowe cho biết ông vẫn có những đánh giá thận trọng về tình hình kinh tế toàn cầu. Năm vừa qua, AkzoNobel đã đối mặt với rất nhiều thách thức tại các thị trường lớn. Cụ thể là tình hình kinh tế suy thoái ở châu Âu, sự hồi phục chậm của thị trường bất động sản Mỹ và khả năng tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc.
 
Đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, AkzoNobel củng cố vị thế hàng đầu khu vực
Ông Jeremy Rowe cho biết công nghệ mới đã giúp nhà máy Bình Dương giảm mức tiêu thụ năng lượng 20% trên mỗi lít sơn

Tuy nhiên, công ty vẫn tự tin vào việc đạt được mức phát triển trong giai đoạn trung hạn phù hợp với chiến lược phát triển của năm nay. Năm qua, doanh thu của công ty tại thị trường Châu Á đạt 952 triệu euro, tăng 13% so với năm 2010. Tình hình kinh doanh tại Đông Nam Á phát triển nhanh hơn so với thị trường, giữ vững vị trí dẫn đầu trong khu vực.